Triển vọng giống lúa SV 181

SV 181 là giống lúa mới do Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình chọn tạo và đưa vào khảo nghiệm sản xuất từ năm 2012; là giống lúa thơm ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon và có phổ thích ứng rộng.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Giám đốc Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình cho biết: Giống lúa SV 181 được công ty đưa vào trồng khảo nghiệm từ năm 2012 đến nay và đã mang lại những kết quả tích cực. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, vụ đông xuân từ 100 – 105 ngày, còn trong vụ hè thu chỉ từ 80 – 87 ngày; chiều cao cây từ 95 – 105 cm, sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, bộ lá đứng có màu xanh nhạt; chống chịu rét khá, chống đổ ngã tốt, chống chịu sâu bệnh khá; bông to, nhiều hạt (bình quân từ 160 – 180 hạt/bông), tỷ lệ chắc cao, năng suất từ 70 – 95 tạ/ha; chất lượng gạo tốt, thơm ngon.
Tại mô hình trình diễn, trong vụ đông xuân 2014 - 2015 giống lúa SV181 cho thời gian sinh trưởng 100 ngày, ngắn hơn so với giống Khang Dân trên cùng chất đất từ 5 – 7 ngày, rất phù hợp để bố trí sản xuất cho cả 2 vụ đông xuân và hè thu nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai gây ra, đặc biệt rất thích hợp để bố trí sản xuất ở các vùng thấp trũng của huyện Hải Lăng trong vụ hè thu để chạy lũ. Trong điều kiện thâm canh bình thường như sản xuất đại trà, giống SV181 cho năng suất 67 tạ/ha, cao hơn giống lúa đối chứng là Khang Dân 3 tạ/ha.
Ông Hoàng Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thành (huyện Hải Lăng) cho biết: “Là một xã vùng trũng của huyện Hải Lăng, lâu nay chúng tôi luôn trăn trở với việc chọn giống lúa nào có thời gian sinh trưởng ngắn để tránh được lũ lụt cuối vụ, có năng suất cao và chất lượng gạo tốt để nâng cao thu nhập cho người dân.
Qua mô hình trình diễn này, chúng tôi cho rằng giống lúa SV 181 đã có đủ những điều đó… Từ trước đến nay nông dân ở Hải Thành thường sản xuất giống lúa Khang Dân. Đây là giống lúa có năng suất trung bình từ 50 – 55 tạ/ha, lúc cao có thể đạt đến 65 – 70 tạ/ha. Tuy nhiên qua gần 20 năm sản xuất trên đồng ruộng, hiện nay giống lúa Khang Dân đã có những biểu hiện thoái hóa, nhiễm nặng bệnh thối thân thối bẹ, khô vằn, đạo ôn, rầy nâu… đặc biệt là trong vụ hè thu khi thời tiết nắng mưa xen kẽ vào cuối vụ, nhiệt độ và độ ẩm cao dẫn đến năng suất và chất lượng thấp, hiệu quả sản xuất không cao.
Trong khi giống lúa SV181 có khả năng chống đổ tốt, bông lúa dài, số hạt/bông cao; chỉ nhiễm nhẹ một số đối tượng sâu bệnh như đạo ôn, khô vằn, đặc biệt là qua thực tế ở mô hình cho thấy giống lúa SV 181 có bộ lá cứng nên có khả năng ít bị sâu cuốn lá và kháng rầy. Cùng với tiềm năng năng suất cao thì chất lượng gạo được người dân đánh giá khá cao, hạt gạo trong, không bạc bụng, cơm mềm, vị đậm, mùi thơm nhẹ. Chỉ có một nhược điểm đó là giống lúa SV 181 có thời gian trổ bông không đồng đều và kéo dài từ 8 - 9 ngày, gây hạn chế trong quá trình chăm sóc.
Nhận xét về giống lúa SV 181, ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: Qua 3 vụ khảo nghiệm là đông xuân 2013 – 2014 tại huyện Triệu Phong, hè thu 2014 tại huyện Cam Lộ và đông xuân 2014 – 2015 tại huyện Hải Lăng đều cho thấy đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, rất phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất nông dân cần phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất từ khâu gieo trồng, chăm sóc, chế độ phân bón…
Về phía Công ty TNHH MTV giống cây trồng Quảng Bình cần tiếp tục chọn tạo để đảm bảo độ thuần của giống, nhất là khắc phục tình trạng trổ không tập trung, trổ kéo dài để có thể bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, ngoài sản xuất vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và lúa mùa trong năm, nhiều nông dân tỉnh Kiên Giang còn tự phát gieo sạ vụ lúa Thu Đông (hay còn gọi là lúa vụ 3) để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ 3 được đánh giá là lợi bất cập hại khi rủi ro rất cao.

Với hơn 40 loại rau, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/vụ, sản lượng gần 600 nghìn tấn/năm, nhưng hiện vẫn thiếu hơn 350 nghìn tấn rau/năm so với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để không phải nhập rau an toàn từ các địa phương khác đang trở thành mục tiêu phấn đấu của các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng rau ở Hà Nội hiện nay.

Hai anh Sa Lés và Da Cốp (ngụ xã Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hanh, Châu Thành - An Giang) thành công với mô hình nuôi le le lấy thịt và cho sinh sản, theo kiểu bán hoang dã. Với diện tích khoảng 1.000m2, hai anh thả nuôi trên 700 con le le các loại (500 con le le sinh sản), thu lời gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm trong khuôn khổ chương trình cánh đồng mẫu lớn gồm: Công ty Tân Thành (Cần Thơ), Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty ADC.

Theo quy hoạch phát triển vùng sản xuất mãng cầu ta tỉnh BR-VT đến năm 2020, diện tích sản xuất giống cây trồng này của tỉnh là khoảng 1.700ha, với sản lượng bình quân 10.000 tấn/năm. Dự kiến đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ ổn định diện tích mãng cầu ta 1.709ha, diện tích cho sản phẩm 1.606ha, sản lượng 13.403 tấn.