Triển Vọng Giống Lúa PB1

Trước nhu cầu của người nông dân cần giống lúa mới để đa dạng hóa cơ cấu giống trong sản xuất, đảm bảo năng suất, giá trị vừa có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh gây hại, vụ chiêm xuân năm 2014, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) phối hợp với Viện Khoa học Nông – Lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai sản xuất thử nghiệm giống lúa PB1.
Mô hình được triển khai trên diện tích 1ha với 7 hộ dân tham gia. Ngoài được hỗ trợ về giống, phân bón, các hộ tham gia còn được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc như: làm đất, gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... Được biết, PB1 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Phú Thọ, thời gian sinh trưởng từ 110 – 120 ngày, chiều cao trung bình đạt từ 90 – 100cm.
Qua so sánh với giống bắc thơm số 7 ở cùng thời điểm gieo cấy, điều kiện chăm sóc như nhau, giống PB1 sau khi gieo hạt nảy mầm đều, đẻ nhánh khỏe, trỗ tập trung, bông to, nhiều hạt (khoảng 200 hạt/bông), tỷ lệ hạt chắc cao; có khả năng chống chịu được với các bệnh đạo ôn, cổ bông, khô vằn, sâu cuốn lá... Đặc biệt, cây lúa cứng cáp nên có khả năng chống đổ tốt, dự tính năng suất trung bình ước đạt từ 65 – 70 tạ/ha.
Cán bộ khuyến nông xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên kiểm tra mô hình trồng lúa PB1.
Chị Lương Thị Thanh, thôn Việt Thanh 4, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Nhiều năm qua, giống bắc thơm số 7 là giống lúa chủ lực, chiếm phần lớn diện tích gieo cấy của xã cũng như của gia đình.
Tuy nhiên, vài vụ gần đây giống lúa này đã bị lai tạp và dần mất đi khả năng kháng các loại sâu bệnh. Vụ chiêm xuân năm nay, tôi đã đăng ký gieo cấy 1.000m2 giống lúa PB1.
Qua quá trình chăm sóc, tôi thấy giống PB1 sinh trưởng tốt, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, có khả năng kháng sâu bệnh. Đến nay, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là giảm được một nửa chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với gieo cấy một số giống lúa truyền thống.
Ông Trần Văn Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Mặc dù đến trung tuần tháng 5 mới thu hoạch, song qua quá trình kiểm tra sơ bộ có thể nhận định được những ưu điểm nổi bật của giống PB1 là cho năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, độ thuần đồng ruộng cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng. Đây được xem là tín hiệu vui cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng của xã.
Nếu đạt kết quả khả quan, giống PB1 sẽ được bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất của xã, giúp người dân có thêm lựa chọn bộ giống trong sản xuất, hạn chế thấp nhất tình hình mất mùa cục bộ do cơ cấu giống.
Có thể bạn quan tâm

Ngư dân Nguyễn Vĩnh Phát (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-00461 có công suất 90CV, cho biết: “Sau tết, vào ngày mùng 5, chúng tôi khởi hành ra khơi đánh bắt hải sản bằng nghề chụp mực. Chuyến biển khởi hành đầu năm thường cho sản lượng lớn do đây là mùa sinh sôi của cá, mực.

Mấy ngày nay, nhiều nông dân ở Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) tập trung ra đồng để cải tạo đất, chăm bón và phòng trừ dịch bệnh cho cây màu và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Bà Nguyễn Thị Lài ra đồng từ sớm để bón phân cho mấy sào ớt và bắp vừa mới gieo trồng trong vụ đông xuân để kịp thời thu hoạch vào cuối tháng 2 âm lịch sắp tới.

Nhằm hạn chế những thiệt hại do chuột gây ra, đảm bảo an toàn cho cây lúa đông xuân phát triển trong giai đoạn từ nay đến cuối vụ, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp diệt chuột bằng các loại bẫy, ưu tiên dùng những loại bẫy bả sinh học để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.

Theo lịch thời vụ, nuôi tôm nước lợ năm 2015 ở các vùng triều ven sông trên địa bàn tỉnh sẽ được bắt đầu từ ngày 5.3.2015 và kết thúc vào ngày 30.9.2015. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã có cuộc trao đổi với P.V Báo Quảng Nam về công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi trong vụ mới này.

Xã Sơn Bua (Sơn Tây) có điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp để nuôi thủy sản. Vừa qua, huyện đưa cá tầm vào nuôi đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản có giá trị cao, mang lại nhiều thay đổi hữu ích cho cuộc sống người dân ở xã vùng cao Sơn Bua.