Triển vọng cây ớt hàng hóa tại Sa Pa (Lào Cai)

Cây ớt vốn gắn bó lâu đời trong cuộc sống đồng bào vùng cao huyện Sa Pa. Theo nhiều vị cao niên, vùng núi cao thường có nhiệt độ rất thấp về mùa đông, nên ớt là gia vị khó thiếu trong các món ăn và bữa ăn nhằm làm tăng thân nhiệt trong ngày lạnh giá. Ớt của đồng bào trồng thường có vị cay nồng, đậm, quả màu đỏ tươi trông rất bắt mắt. Đó là một trong những lý do khiến người dân ở Sa Pa vẫn duy trì trồng ớt và đến nay thì cây ớt đã có một vai trò, vị trí mới, đó là hàng hóa.
Sa Pa là vùng đất có điều kiện tự nhiên thích hợp để phát triển cây ớt hàng hóa trên quy mô tập trung, người dân có kinh nghiệm sản xuất cây trồng truyền thống này. Năm 2014, huyện Sa Pa đã quyết định đưa vào trồng thử nghiệm cây ớt với mục đích sản xuất hàng hóa, diện tích thử nghiệm ban đầu khoảng 1 ha tại xã Bản Phùng. Tại đây, người dân được hỗ trợ về giống, vật tư và phân bón, được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản sản phẩm ớt hàng hóa. Theo tính toán kỹ thuật, mỗi ha ớt tại Sa Pa có thể cho thu hoạch tới 10 tấn quả tươi, nhưng do diện tích trồng thử nghiệm bị muộn thời vụ, chăm sóc chưa đúng quy cách nên năng suất mới đạt gần 3 tấn/ha. Tuy nhiên, so sánh lợi ích thì giá trị kinh tế từ diện tích ớt hàng hóa thử nghiệm mang lại vẫn đạt gần 100 triệu đồng/ha, cao hơn 3 lần trồng lúa.
Gia đình anh Chảo Chần Tá, thôn Bản Sái, xã Bản Phùng là một trong những hộ tham gia dự án trồng ớt hàng hóa trong năm qua với diện tích 0,3 ha. Theo nhận xét của anh Chảo Chần Tá thì cây ớt dễ trồng, đầu tư công chăm sóc không lớn, ít sâu bệnh, phù hợp với nhiều loại đất, thời gian tính đến kỳ thu hoạch chỉ khoảng 4 tháng. Hiện, ngành nông nghiệp huyện Sa Pa đã xây dựng kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu ớt hàng hóa trong vụ trồng mới năm 2015. Trong đó, tại xã Bản Phùng diện tích cây ớt là 3 ha, xã Thanh Kim trồng thử nghiệm 1 ha, một số địa phương khác cũng tham gia trồng ớt, nâng tổng diện tích vùng dự án lên 5 ha.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án cũng gặp những khó khăn, như tâm lý e ngại của bà con trong chuyển đổi từ trồng cây lương thực sang sản xuất hàng hóa. Lo lắng về giá và đầu ra cho sản phẩm, bởi hiện các doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm đang cam kết giá thu mua là 16.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ trên thị trường Sa Pa lên tới 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho rằng, những khó khăn, lo lắng của người sản xuất sẽ sớm được chính quyền địa phương tháo gỡ và triển vọng phát triển cây ớt hàng hóa nơi đây vẫn sán lạn.
Có thể bạn quan tâm

Đầu tư 2 tỷ đồng làm nấm sò, mộc nhĩ, mô hình làm nấm của ông Nguyễn Đình Phượng, thôn Cao Kiên, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) hiện có qui mô lớn nhất trên địa bàn huyện Tân Yên.

Trồng lúa theo tiêu chuẩn an toàn và đạt chất lượng cao đang là xu hướng của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Kết quả sản xuất tại mô hình lúa VietGap đầu tiên của Bắc Ninh cho thấy tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp cho nông dân.

Ngày 14/5, theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng, hiện Tây Nguyên đang bước vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa trong năm nên nhiều loại dịch bệnh có xu hướng phát triển mạnh trên các loại cây trồng.

Hiện nay, phần lớn diện tích lúa đông xuân 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được thu hoạch. Theo nhiều nông dân, vụ lúa năm nay được mùa, được giá.

Từ lâu, thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội được biết đến là nơi có loại dưa chuột ngon có tiếng. Trên cánh đồng của xã Sơn Đà, bên những ruộng lúa là một vùng dưa chuột bạt ngàn đang vào vụ thu hoạch.