Trao Cần Câu Cho Nông Dân Nghèo

Sau 7 tháng chăm bẵm, lứa heo giống do Hội Nông dân tỉnh trao tặng cho các hộ gia đình nghèo đã sinh sản lứa đầu tiên. 160 con heo giống (trị giá 1,5 triệu đồng mỗi con) trao đi, là ngần ấy hy vọng và niềm vui của cả trăm hộ nông dân Nghĩa Hành, Minh Long, Sơn Tịnh, Bình Sơn khi nhận được cơ hội vươn lên trong cuộc sống.
Nụ cười khi “của cải” sinh sôi
Ngày lên UBND xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) để nhận heo giống theo diện hỗ trợ nông dân thoát nghèo bền vững do Hội Nông dân tỉnh trao tặng, con heo giống Móng Cái của bà Nguyễn Thị Anh chỉ nặng vỏn vẹn 8,5 kg. Có được con heo giống, bà Anh nâng niu nó như “báu vật”.
Bởi ngoài 2 sào ruộng, gia đình bà chẳng còn tài sản gì quý giá. Chồng bị tai biến, của cải lần lượt ra đi. Có bao nhiêu heo, bò…bà bán hết để lo cho người chồng và 2 đứa con ăn học. 7 năm chồng bị bệnh, cũng là ngần ấy năm bà phải “treo chuồng” vì không còn tiền để mua heo giống. Thế nên con heo giống trị giá 1,5 triệu đồng có thể chỉ là chuyện bình thường đối với nhiều người, nhưng với bà Anh, đó là cả “cơ nghiệp”.
Và giờ đây, sau 6 tháng nâng niu, chăm bẵm, con heo giống nặng chưa đến 10 kg ngày nào giờ đã sinh sản lứa đầu tiên. 8 con heo con ra đời khỏe mạnh, bà Anh vui như Tết. Tâm sự cùng chúng tôi, người phụ nữ tảo tần khẽ tính: “8 con heo này nuôi đến Tết là sẽ bán được. Tiền sắm sửa Tết cho con, tiền học phí học kỳ 2… trông cậy cả vào lứa heo này”.
Còn đối với anh Đỗ Ngọc Chung, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), con heo giống Móng Cái được trao tặng dịp cuối năm qua đã mở ra cho gia đình anh hướng chăn nuôi mới. Bởi trước đây, sau khi vay mượn khắp nơi để đầu tư làm ao nuôi cá lóc nhưng thất bại, anh chẳng còn vốn để vực dậy kinh tế gia đình.
Giống heo Móng Cái thuần rất dễ chăm sóc nên anh Chung có thể tận dụng mọi rau củ, chứ không phải tiêu tốn quá nhiều tiền để mua thức ăn chăn nuôi như cá lóc trước đây.
Đến tận nhà, vào tận chuồng
Đồng hành cùng nông dân, Hội Nông dân tỉnh không chỉ làm nhiệm vụ cấp phát heo giống, mà còn xuống tận nhà kiểm tra tình hình chăn nuôi để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con. Con heo giống của bà Lê Thị Cảm (xã Tịnh Hòa), nhận nuôi tầm nửa tháng thì không may bị bệnh rồi chết. Mới báo lên chính quyền ngày hôm trước, ngày hôm sau, Hội Nông dân tỉnh đã mang heo giống khác xuống tận nhà. Sự quan tâm, ưu ái của Hội đã khiến cho cụ già neo đơn rất cảm phục.
“Sau khi giao heo cho bà con, suốt 1 tháng sau đó, các cán bộ của Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân xã đến tận nhà người dân để kiểm tra tình hình sinh trưởng của vật nuôi. Bởi thế, heo nào bệnh, chết…người dân đều được trao con khác để thay thế”, ông Lê Ngọc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Hòa cho biết.
Được hướng dẫn và tuân thủ đúng quy trình nuôi, heo giống cấp phát đợt cuối năm 2013, giờ đã cho sinh sản lứa đầu tiên. Trầm trồ bên chuồng nuôi, bà Nguyễn Thị Rân, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) cho biết: Heo nuôi 6 tháng đã đẻ lứa đầu tiên. Từ lúc nuôi đến giờ nó cũng chẳng bị bệnh gì cả.
Việc trao tặng heo giống cho nông dân nghèo đã thật sự phát huy được hiệu quả chỉ sau hơn 6 tháng thực hiện. Rồi đây, cái đói, cái nghèo… sẽ dần vơi đi, nếu người nông dân biết cách phát huy, nhân rộng từ những “chiếc cần câu” được trao tay ban đầu.
Có thể bạn quan tâm

Cứ đến mùa sen, những người trồng sen lưu động lại lang bạt khắp nơi để mưu sinh. Với họ, nghề này không đơn giản để kiếm cái ăn mà còn tiếp nối truyền thống của gia đình tự bao đời nay.

Ông Nguyễn Văn Phúc - nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), tham gia dự án trồng rau theo quy trình VietGAP của METRO Cash & Carry Vietnam - cho biết: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp sản phẩm được thị trường chấp nhận rộng rãi hơn, từ đó có thể tăng cơ hội bán hàng”.

Ở ĐBSCL, hình ảnh những người thương lái vào tận ruộng lúa, vườn cây ăn trái... để thu mua nông sản của nông dân không còn xa lạ. Nhanh gọn, đơn giản và trả tiền ngay là nét đặc trưng trong phương thức mua bán này. Với những hộ thiếu vốn sản xuất, họ sẵn sàng cho vay.

Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai), cho biết trong gần 4 năm lại đây, diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng khoảng 800 hécta. Hiện nay, toàn huyện Tân Phú có gần 2 ngàn hécta tiêu.

Thời gian qua, tôm nuôi trên địa bàn tỉnh chết hàng loạt khiến nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Trước tình trạng trên, mô hình nuôi tôm không sên bùn ra đời và cho hiệu quả cao.