Trang Trại Trên... Sông

Biến một khúc sông của vùng chiêm trũng thôn Đổng Lâm, xã Quỳnh Phú, Gia Bình, Bắc Ninh thành trang trại nuôi cá, lợn với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, ông Nguyễn Xuân Thu là minh chứng cho hướng đi đúng của mình.
“Quê tôi chủ yếu là đồng chiêm trũng. Ngày tôi đi bộ đội về, vốn liếng không có, nghề nghiệp cũng không, đây là thử thách với tôi” - dẫn chúng tôi đi một vòng trang trại, ông Thu chia sẻ. Tính toán, ông thấy làm trang trại nuôi thủy sản là phù hợp nhất. Ông làm đơn đề nghị xã cho nhận thầu gần 3ha mặt nước sông.
Một ngày giữa tháng 11.1997, ông Thu đặt những nhát cuốc đầu tiên xây dựng trang trại. Ông dựng lán ven sông, cùng hàng chục thợ ngày đêm vét từng thớ đất dưới sông để đắp bờ, ngăn sông. “Nhiều người bảo chồng tôi viển vông, ngay cả bố chồng tôi cũng hoài nghi về việc làm của ông”- bà Lê Thị Đáng, vợ ông Thu nhớ lại
Sự đồng thuận, sát cánh của vợ đã tiếp sức cho ông. Sau hơn 3 tháng, trang trại của ông dần hình thành. Ông thả nuôi những lứa cá đầu tiên. Cùng với đó ông xây thêm 2 dãy chuồng nuôi lợn nái siêu nạc. Trên bờ ông nuôi hơn 1.000 vịt, ngan, gà, trồng cây lấy gỗ.
Thời gian đầu, ông chưa dám đánh cược hết vào con cá, đàn lợn mà vẫn trồng một vụ lúa và nuôi một vụ cá. Hai năm sau, các hộ trong thôn, trong xã đua nhau nuôi thủy sản. Năm 2000, ông quyết định chuyển hết diện tích nuôi trồng xen canh sang nuôi cá.
Ông tâm sự: “Trên bước đường làm ăn của tôi, người bạn đồng hành không thể thiếu là báo NTNN. Đọc báo, tôi thấy mô hình nuôi lợn trên gác của một ND ở Thái Bình, tôi liền đạp xe gần 100km đến đó tìm hiểu. Qua báo NTNN, tôi lên huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mua giống ngan Pháp về thả nuôi...”.
Ông bảo, hơn 15 năm làm trang trại cũng có lúc ông điêu đứng. Đó là năm 2007, 2008, do dịch bệnh gần chục tấn cá của ông mất trắng trong phút chốc, hơn 30 con lợn nái siêu nạc chết, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Nhưng không vì thế mà ông chùn bước.
Giờ đây, mỗi năm ông xuất chuồng từ 300-400 con lợn (gần 20 tấn lợn thịt) và 20 lợn giống, bán 13-15 tấn cá, hơn 100 cây lấy gỗ. Trừ chi phí ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Trang trại của ông tạo việc làm cho 3-5 lao động thường xuyên và 50-60 lao động thời vụ với thu nhập từ 2-2,5 triệu/người/tháng. Với những hộ khó khăn, ông bán giống cá, lợn giá rẻ hơn thị trường, đến khi có sản phẩm bán mới phải trả ông tiền.
Năm 2007, ông đầu tư sang lĩnh vực may mặc. Từ 4 máy may ban đầu, đến nay khu nhà xưởng hơn 150m2 của ông đã có hơn 20 đầu máy, thu hút hàng chục lao động trong thôn với lương từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Gần đây các công ty may lớn về mở cơ sở ở Gia Bình, xưởng may của ông phải tạm thời ngừng hoạt động. Ông đang tính sẽ thay đổi mặt hàng sản xuất để tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương...
Có thể bạn quan tâm

Nếu như thời điểm tháng 8/2014, nhiều tàu cá trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, trong khi giá các mặt hàng khai thác lại xuống thấp, thì vào thời điểm này ngư dân rất phấn khởi bởi sản lượng khai thác tăng và giá xăng dầu giảm sâu.

Ngày 5/2, tại Đồng Tháp, Hiệp hội cá tra Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Tái cấu trúc ngành cá tra gắn với tái cơ cấu nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Những ngày này, bà con các hộ làm mắm truyền thống ở Nam Ô, quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng như chắt lọc, đóng chai, dán nhãn... để kịp đưa sản phẩm ra thị trường phục vụ Tết. Không khí rộn ràng tràn ngập khắp làng nghề nước mắm đã nức tiếng từ thuở nào.

Năm qua, sự cạnh tranh khốc liệt để giành lấy thị trường của các doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu cá tra ngày càng tăng, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của các nước nhập khẩu ngày càng nhiều, các yêu cầu, điều kiện ngày càng khắc khe... nhưng DN xuất khẩu cá tra trong tỉnh Đồng Tháp đã năng động trong việc tìm kiếm thị trường mới.

Trong đó tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất (27%) và chiếm tỷ trọng lớn nhất (50,4%) nhờ lượng sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu tăng, trong khi thị trường thế giới thiếu nguồn cung do dịch bệnh EMS.