Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trang Trại Thân Thiện Với Môi Trường

Trang Trại Thân Thiện Với Môi Trường
Ngày đăng: 01/08/2014

Câu chuyện bắt đầu khi xã Vạn Ninh cùng với các địa phương khác trong huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) khởi động phong trào xây dựng nông thôn mới. Với địa hình bán sơn địa có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng, xã Vạn Ninh khuyến khích nhân dân tập trung vào các mô hình kinh tế trang trại với nhiều chính sách ưu đãi, trong đó định hướng đến vấn đề quy hoạch tập trung, thân thiện với môi trường và xa khu dân cư.

Với diện tích đất tự nhiên trên 2.905ha, trong đó đất nông nghiệp 1.288ha, đất chưa sử dụng 67ha. Quỹ đất dồi dào là yếu tố quan trọng để xã Vạn Ninh quy hoạch và phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, là một xã thuần nông, diện tích lúa đông-xuân hàng năm khoảng 700ha, năng suất bình quân năm sau cao hơn năm trước, gần 66,5 tạ/ha; sản lượng 4.659 tấn; tổng sản lượng lương thực 4.755 tấn. Ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực, phần còn lại chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi.

Theo số liệu khảo sát, toàn xã có 1.218 con trâu bò (trong đó 641 con trâu, 577 con bò); đàn lợn 4.685 con; 56.550 con gà; 5.900 con vịt. Giá trị sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng hàng năm trên 600 tấn. Về nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích 405 ha, trong đó nuôi cá nước ngọt 45 ha; mô hình cá lúa 360ha.

Căn cứ vào chuẩn trang trại nông thôn mới, xã Vạn Ninh có 4 trang trại đạt chuẩn gồm các hộ: Trần Văn Hồng, thôn Đồn; Nguyễn Văn Thái; Nguyễn Minh Vương cùng ở thôn Bến và Ngô Đình Ngọc, thôn Giữa. Ngoài ra còn có hàng chục hộ gia đình chăn nuôi quy mô nhỏ mong muốn có quỹ đất, vốn đầu tư để phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết: Chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp của xã, tuy nhiên với hình thức nuôi tự phát, manh mún, phần lớn ở trong khu dân cư tập trung nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nặng.

Khi tiến hành quy hoạch xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã cho rà soát lại các mô hình chăn nuôi quy mô lớn, phát triển kinh tế trang trại tập trung. Vùng đất được UBND xã chọn xây dựng các trang trại là cánh đồng Ba Đa thuộc thôn Đồn, nằm tách biệt cách khu dân cư hơn 500 mét. Diện tích ban đầu đưa vào thí điểm trên 3 ha, giao cho 6 hộ dân.

Chuyển đến vùng Ba Đa đã 3 năm, vợ chồng anh Bùi Doãn Hà ở thôn Nam Hải được giao 1 ha đất xây dựng trang trại. Trên diện tích này anh quy hoạch khu chăn nuôi gà, lợn, đào 4 hồ nuôi cá. Trang trại Bùi Doãn Hà duy trì đều đặn từ 70 đến 100 con lợn thịt mỗi lứa và 4 mẹ lợn nái, trên 3.000 con gà; 8 sào mặt nước anh thả các loại cá trắm, mè, rô phi... tận dụng nguồn thức ăn từ chuồng trại thải ra. Bùi Doãn Hà tâm sự, anh đầu tư trên 300 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt và khu chuồng trại.

Ba năm... đang trong giai đoạn hồi vốn, lấy công làm lãi. Nếu Nhà nước tạo cơ chế cho vay, gia đình sẽ vay thêm 200 triệu đồng. Làm ăn kinh tế phải mạnh dạn. Xã Vạn Ninh tạo quỹ đất cho rồi, gia đình cũng cần phủ kín diện tích đất được giao.

“Trước chăn nuôi ngay trong khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của gia đình và bà con xung quanh. Bây giờ chuyển lên vùng đất mới, với cách thức bố trí chuồng trại khép kín, khoa học nên vấn đề ô nhiễm môi trường hạn chế đến mức thấp nhất, đúng quy định trang trại thân thiện với môi trường” - Bùi Doãn Hà chia sẻ.

Đề cập đến chuyện phát triển các mô hình kinh tế trang trại, vai trò của lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong xã Vạn Ninh luôn được đánh giá cao. Từ lâu tuổi trẻ Vạn Ninh thành lập và duy trì hoạt động của CLB thanh niên lập nghiệp (TNLN) thu hút 13 ĐVTN tham gia. Mục tiêu của CLB TNLN là định hướng giúp ĐVTN trong vấn đề lập thân, lập nghiệp; trở thành diễn đàn trao đổi kinh nghiệm làm giàu và hỗ trợ nhau vốn sản xuất kinh doanh.

Khi UBND xã Vạn Ninh có chủ trương quy hoạch trang trại tại vùng Ba Đa, 4 ĐVTN gồm Ngô Đình Ngọc, Trần Văn Ngọc, Trần Văn Lộc và Phó bí thư Xã đoàn Trần Văn Sỹ tình nguyện lên nhận đất, đầu tư chuồng trại để chăn nuôi.

Vợ chồng Trần Đình Sỹ sau 2 năm lên khai hoang ở vùng Ba Đa, hiện tại đang sở hữu khu trang trại chăn nuôi gà kết hợp với đào ao thả cá và làm thêm 6 sào ruộng, chủ yếu để bảo đảm nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Mỗi đợt, Sỹ thả khoảng 2.000 gà thịt, nuôi đúng quy trình, giống tốt, chế độ ăn đầy đủ sẽ xuất chuồng sau 60 đến 75 ngày, trọng lượng bình quân 2kg.

Trần Đình Sỹ cho biết: “Phong trào lập thân, lập nghiệp của ĐVTN trong xã phát triển rất mạnh, vừa bảo đảm kinh tế gia đình vừa tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Chúng tôi xung phong lập trang trại chăn nuôi theo chủ trương của xã, bên cạnh những thuận lợi căn bản thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là tiếp cận nguồn vốn vay. Hầu như ĐVTN lập nghiệp từ hai bàn tay trắng đi lên, chứ chưa có kênh vốn vay nào hỗ trợ, giúp đỡ cả”.

Quy hoạch trang trại cách xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường là một hướng đi phù hợp với đặc điểm tự nhiên và tập quán lao động sản xuất, chăn nuôi của người dân xã Vạn Ninh. Theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã thì trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng diện tích thêm từ 3ha đến 4ha và vận động, di dời 35 hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn lên ổn định tại Ba Đa, chuyển hẳn chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa khu dân cư.


Có thể bạn quan tâm

Bùng Phát Bệnh Đốm Trắng Cây Thanh Long Bùng Phát Bệnh Đốm Trắng Cây Thanh Long

Bệnh đốm trắng đang có chiều hướng lan rộng trên cây thanh long ở Bình Thuận, vì thế không ít nhà vườn bị thất thu, dù giá trái cao hơn mọi năm.

27/09/2012
Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Bưởi Da Xanh Xen Ổi Ruột Hồng Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Trồng Bưởi Da Xanh Xen Ổi Ruột Hồng

Ổi là loại trái cây thơm, dòn, có vị chua ngọt được thị trường ưa chuộng bởi có giá trị dinh dưỡng và phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người. Ngày nay, giá trị của loại trái cây này góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế gia đình của nhiều nông dân ở địa phương. Tiêu biểu là mô hình trồng bưởi da xanh xen ổi ruột hồng của anh Nguyễn Văn Hồng ở ấp 1, xã Phú Nhuận, thành phố Bến Tre.

23/12/2011
Hướng Dẫn Bón Phân Cho Lúa Hè Thu Ở ĐBSCL Hướng Dẫn Bón Phân Cho Lúa Hè Thu Ở ĐBSCL

Nên bón lót lân nung chảy (Ninh Bình, Văn Điển) để ém phèn ngay từ đầu và cung cấp lân cho cây lúa HT phát triển tốt. Lượng bón từ 200-400kg/ha tùy độ phèn của đất. Nên xử lý hạt giống bằng K-Humate (1/2 lít cho 100kg giống) làm tăng sức nảy mầm, tỷ lệ nảy mầm, tăng sức sống hạt giống (sử dụng loại có hàm lượng K-Humate cao như Vina Super Humate của Hoa Kỳ).

15/07/2012
Nuôi Rắn Mối Nuôi Rắn Mối

Rắn mối là động vật sống hoang giả, để nuôi loại động vật này, người nuôi phải am hiểu về tập tính sống của chúng- đó là lời tâm sự của anh Dương Tấn Lạc ở ấp Phú Lợi, xã Bình Phú, thành phố Bến Tre.

27/12/2011
Nuôi Cá Bống Tượng Lồng Bè Gắn Với Ao Nuôi Cá Bống Tượng Lồng Bè Gắn Với Ao

Từ bài viết về “Nuôi cá bống tượng mùa lũ” (Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam, 12/10/2011), mô hình nuôi cá bống tượng lồng bè của anh Sáu Công (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) đã mang lại lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên vẫn có nhiều hộ trong vùng đã không thể tiếp tục nuôi loài cá này vì thua lỗ, mặc dù giá cá loại 1 dao động từ 350.000 - 450.000đ/kg, rất hấp dẫn (thương lái thu mua tại hộ nuôi). Đã nhiều bài viết về kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong ao, lồng, bè, bể.., Nhưng mấu chốt về kỹ thuật, chính là con giống và và biện pháp thuần dưỡng.

24/12/2011