Trang Trại Ông Tám Và Câu Chuyện Thoát Nghèo

Là một người nông dân cần mẫn, ông Nguyễn Văn Tám ở miền quê nghèo Lâm Trạch (Bố Trạch - Quảng Bình) đã biến một vùng đất hoang, khô cằn sỏi đá thành một trang trại chăn nuôi có quy mô lớn và cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình ông cũng là một điển hình trong phong trào nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở địa phương.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, lại đông con nên cuộc sống rất khó khăn. Sau nhiều ngày trằn trọc suy nghĩ, ông đấu thầu một hecta đất của xã để làm mô hình chăn nuôi. Những ngày đầu vừa không có vốn lại thiếu kinh nghiệm nên ông chỉ chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Sau một thời gian, được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, ông đã mạnh dạn mở rộng quy mô trang trại, xây dựng chuồng trại nuôi gà, vịt, cá kết hợp trồng thêm thông và tràm. Sau một thời gian ngắn, cuộc sống của gia đình ông cũng dần ổn định.
Cách đây 4 năm, ông là người đầu tiên trong xã mạnh dạn mua máy ấp trứng gà, vịt về để ấp trứng bán con giống cho các hộ gia đình chăn nuôi trong và ngoài xã. Từ ngày có máy ấp trứng, trang trại của ông nhộn nhịp người mua kẻ bán.
Thu nhập tăng lên đáng kể, ông vừa có tiền để trả nợ, vừa có thêm ít vốn liếng để đầu tư cho con cái làm ăn kinh doanh. Cứ tưởng hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình ông khi trang trại dần ổn định, nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó, tai họa lại ập đến với gia đình ông, một trận dịch gia cầm đã quét sạch của ông tất cả và ông lại hoàn trắng tay như những ngày đầu mới khởi nghiệp.
Trận dịch đó có thể cuốn hết vốn liếng của gia đình ông nhưng không thể làm lu mờ ý chí vươn lên, thoát khỏi đói nghèo của người nông dân cần mẫn. “Nghĩ về những thành quả cả gia đình vất vả nhiều năm mới có được, khiến tôi không thể từ bỏ nên đã quyết tâm làm lại từ đầu”, ông Tám bày tỏ. Và trời đã không phụ lòng người, khi giờ đây trước mắt chúng tôi là một trang trại trù phú bao quanh bởi những cánh rừng thông và keo, tràm.
Ông cho biết, ngoài 10 hec ta thông, tràm gần đến tuổi khai thác, gia đình ông còn nuôi thêm 500 con gà thịt, 350 mẹ gà, 1.200 con vịt, 15 con bò, 3 con trâu và 0,5 hec ta cỏ...
Cứ một năm ông nuôi 2 lứa gà lấy thịt (500 con/1 lứa) và với 150 trứng gà/ngày, mỗi ngày bình quân ông bán 50 con gà giống (14 ngàn đồng/ con) số trứng còn lại ông bán cho các tiểu thương quanh xã. Ông cũng bán con giống và bán trứng lộn cho người tiêu dùng.
Ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc vật nuôi; đăng ký học lớp thú y để được tư vấn về cách phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm.
Ông vui mừng cho biết, từ khi trang trại mở rộng thêm quy mô, thu nhập tăng lên, cuộc sống của gia đình ông không còn nghèo đói như xưa nữa, con cái cũng có công ăn việc làm ổn định. Chỉ tay về mảnh đất phía trước, ông nói thời gian tới sẽ đầu tư để xây thêm chuồng nuôi lợn kết hợp nuôi các loại cá như rô phi, trắm, mè...
Ông Nguyễn Văn Tám là một nông dân dám nghĩ dám làm, là người đầu tiên trong xã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế trang trại. Đây là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đầu tiên của xã có thu nhập vài trăm triệu mỗi năm nên rất cần được nhân rộng để các hội viên nông dân khác học hỏi.
Có thể bạn quan tâm

Vụ đông- xuân năm nay, nông dân xã Phước Sơn (huyện Ninh Phước) trồng trên 40 ha cây thuốc lá. Những ngày này, nông dân đang vào vụ thu hoạch cây thuốc lá đợt thứ 4 trong tổng số 5 đợt thu hoạch. Bà con phấn khởi vì cây thuốc lá cho năng suất cao hơn mọi năm.

Trở lại xã Hòa Sơn (huyện Ninh Sơn) vào những ngày cuối tháng hai, chúng tôi gặp nông dân địa phương đang nhộn nhịp khẩn trương vào mùa thu hoạch mì. Những rẫy mì trải dài tít tắp rộn tiếng nói cười của người lao động đào củ, chất mì lên xe. Mì xắt lát phơi trắng các khu dân cư tạo thành bức tranh ngày mùa sinh động trên vùng đất Hòa Sơn.

Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn và khởi đầu lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng bằng nghị lực và tinh thần vượt khó, anh Đồng Phú Khánh (51 tuổi) ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ (Tây Hòa) đã vươn lên thoát nghèo với nghề trồng hoa và đúc chậu kiểng trên chính mảnh đất quê hương mình.

Trời xế trưa, vừa đánh chiếc xe tải cua vào sân, anh Trần Như Thi, thôn Hoà Luật Nam, xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ mở cửa xe bước xuống nở nụ cười tươi rói, khoe với vợ: "Hôm ni trúng mánh, trừ mọi chi phí cũng kiếm lời được cả triệu đồng tiền bán rau...".

Trước tình trạng thương hiệu của cây tỏi Lý Sơn đang bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi, mới đây UBND huyện Lý Sơn đã thông qua đề án phát triển cây tỏi và tiến hành mở gian hàng tỏi tại chợ trung tâm huyện.