Trang trại kinh tế tiền tỷ

Khai hoang lập nghiệp
Giữa ba bên là núi, phía trước là đồng ruộng, trang trại kinh tế VACR của ông Nguyễn Văn Ba nằm lọt thỏm dưới một thung lũng. Nhìn từ xa giống như một khu du lịch thiên nhiên chưa được khai thác với mì, cỏ xanh tốt, lúa vàng óng ánh và những trang trại rộng mênh mông. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Ba đã trải qua một quá trình đầu tư công sức hơn 30 năm.
Nói về quá trình khai hoang, lập nghiệp ông Ba kể, ông quê ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp nông nghiệp Trung Trung Bộ (1979), ông về làm việc ở nông trường chè Bình Khương và phát triển kinh tế ở đây. Tuy nhiên lúc đó lương ông chỉ có 42 đồng, trong khi vợ chồng ông là người nơi khác đến nên đất đai không có, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Không chịu khuất phục trước đói nghèo, ông Ba ngày ngày đi làm công nhân ở nông trường chè nhưng vẫn tranh thủ thời gian rảnh để đi khai hoang, vỡ đất. Cứ như thế, ông làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm. Với phương châm vừa làm, vừa tiếp tục khai hoang nên chỉ trong thời gian ngắn ông đã có gần chục hécta đất để trồng trọt và chăn nuôi.
Ngoài ra, trong thời gian tham gia vào đội chăn nuôi thuộc nông trường chè, ông Ba phát hiện ra vùng đất ở sát núi thôn Tây Phước 1 có địa thế bằng phẳng, phù hợp với việc mở trang trại. Nói là làm, ông đã cũng vợ vô vùng núi nơi đây để xây dựng trang trại, phát triển kinh tế. Ông Ba chia sẻ: “Hồi đó, vùng đất nơi đây còn hoang vu lắm, đa số chỉ có công nhân nông trường chè ở nên đất đai rộng lắm. Cũng nhờ vậy mà mình mới có đất để khai hoang làm ăn”.
Biến đất thành “vàng”
Trong khuôn viên rộng gần 2.000m2, ông Ba thả nuôi 1.000 con heo thịt, mỗi năm thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Theo ông Ba, do ông nuôi heo cho công ty cám nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Bởi ông chỉ bỏ vốn đầu tư xây dựng chuồng trại và công chăm sóc, còn mọi chi phí chăn nuôi cũng như con giống đều được công ty lo. Theo cách làm trên thì, trung bình một con heo, ông được trả công 250 nghìn đồng. Điều quan trọng là ông không phải lo đầu ra.
Ông Ba kể: “Hồi đó mình nói vô đây làm ăn ai cũng bàn ra. Thậm chí có người còn cho rằng tôi bị khùng nên mới bỏ làng xóm vô cái nơi khỉ ho cò gáy. Tuy nhiên, dù cho ai nói gì thì tôi vẫn quyết tâm. Và quả thật không có gì là không thể làm được. Chỉ cần mình có ý chí, có quyết tâm là sẽ làm nên tất cả”.
Cách xa khu chăn nuôi heo chừng 200m, ông Ba thả nuôi 7.000 con gà, đem lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn chăn nuôi thêm 18 con bò lai. Trung bình mỗi năm ông xuất bán từ 3 - 4 con bò, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đầu tư vào chăn nuôi, ông Ba còn trồng thêm 1ha lúa, hơn chục hécta keo, mì, cao su và 5 sào cỏ để phục vụ chăn nuôi. Mặt khác, ông Ba còn đào thêm 4 ao cá để vừa thả cá cải thiện kinh tế, vừa có nước cung cấp cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời ông tận dụng ao nước để nuôi thêm vịt xiêm. Hiện tại trang trại kinh tế của ông Ba cho thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương.
Đặc biệt, ông Ba cũng là người đầu tiên đưa máy cày về địa phương. Ông Ba chia sẻ: “Do làm nhiều ruộng nên việc làm đất cũng như vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Sau khi tìm hiểu thông tin, năm 1996, tôi quyết định bỏ ra hơn 20 triệu đồng khăn gói vào tận TP.Hồ Chí Minh mua chiếc máy vừa làm máy cày, vừa làm xe vận chuyển lúa, rơm rạ”. Cũng nhờ vậy mà những người dân ở thôn Tây Phước 1 được nhờ, đỡ được sức người trong việc làm nông nghiệp.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Ba còn hăng hái tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương. Đối với những hộ có chí hướng làm ăn, ông Ba cũng đều nhiệt tình hướng dẫn người dân địa phương cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu…
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, nhiều năm nay, xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã quy hoạch và đưa nhiều giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Hiện xã có 412 ha đạt giá trị 120 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 260 ha cánh đồng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, 30 ha dưa chuột, hơn 10 ha ớt xuất khẩu...

Ông Đào Anh Thư, 58 tuổi, một người dân đã có nhiều năm trồng cà phê ở huyện Đác Hà cho biết, đây là những cơn mưa trái mùa, thường niên khi bước vào tháng 12 ở Tây Nguyên rất hiếm khi xảy ra mưa vì thời tiết đã chuyển hẵn sang mùa khô. Mưa trái mùa làm cho không khí dịu xuống, thời tiết mát mẻ. Nhưng đối với những người dân trồng cà phê thì đây là những trận mưa không như mong muốn.

Dù ủng hộ chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển dần sang đóng tàu vỏ sắt, nhưng nhiều ngư dân và chuyên gia cho rằng cần tránh chạy theo phong trào đóng tàu vỏ sắt, bởi tàu gỗ công suất lớn vẫn mang lại hiệu quả cao tùy theo mô hình, phương thức đánh bắt...

Ngoài 2 vụ lúa chính trong năm, 5 năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm sạch.

Sử dụng phương pháp sạ hàng có nhiều ưu điểm như: giảm được lượng giống so với sạ lan khoảng 5 - 10 kg/công, sạ hàng dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí giảm, nhưng năng suất từ bằng đến cao hơn sạ lan. Ngoài ra, sạ hàng khi bị mưa dập thì tỷ lệ chết giống cũng ít hơn sạ lan.