Trăn Trở Từ Nghề Chăn Nuôi Heo Ở Đồng Tháp

Nghề chăn nuôi heo đang đối mặt với nhiều rủi ro. Trong lúc khó khăn kéo dài, giá heo hơi tiếp tục lao dốc, người chăn nuôi đành chọn giải pháp giảm số lượng heo nhằm đảm bảo nguồn vốn...
Được biết, sau khi có thông tin việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã ảnh hưởng rất lớn đến những người nuôi heo chân chính. Cũng từ đây mà giá heo bắt đầu sụt giảm liên tục. Hiện nay, giá heo hơi dao động từ 3,1 - 3,3 triệu đồng/tạ, với mức giá xuống thấp như vậy người dân phải chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng/tạ.
Anh Nguyễn Văn Nương - phường 2 - thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết: “Đối với những hộ làm bột chăn nuôi heo, do có phụ phẩm nên có thể cầm cự được. Riêng những hộ chăn nuôi chỉ dựa vào thức ăn công nghiệp xem như trắng tay, lỗ rất nặng. Hiện tại, những bầy heo đang nuôi, tôi vẫn mong nó lớn chậm thôi để có thể chờ giá. Trước tình hình này, không chỉ người chăn nuôi heo đang giảm số lượng mà thương lái mua heo cũng ít dần”.
Với những khó khăn trên, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có phần sụt giảm. Xã Tân Phú Đông được xem là nơi sản xuất bột nuôi heo với số lượng khá lớn, đã giảm trên 20% tổng đàn. Ông Nguyễn Tấn Khoa, xã Tân Phú Đông cho biết: “Lúc trước tôi nuôi khoảng 150 - 170 con heo (kể cả heo thịt và heo sinh sản) nhưng trước tình hình khó khăn, tôi đã giảm 50% số lượng heo để cầm cự. Đây là tình hình chung, không chỉ riêng tôi mà những hộ nuôi heo lân cận cũng đã nghỉ nuôi hoặc giảm đàn khá nhiều”.
Anh Huỳnh Văn Cười - xã Tân Phú Đông, cho biết: “Thực tế, nhiều người chăn nuôi đang đối diện với lỗ lã có nguy cơ chuyển nghề. Nếu tình trạng này kéo dài thì lượng thịt cung ứng cho thị trường giảm sút, người nuôi cũng không còn đủ vốn để cầm cự trong thời gian dài. Mặc dù từ đây đến Tết Nguyên đán, người tiêu dùng sử dụng thịt heo nhiều, nhưng giá cả cũng tăng không đáng kể, do họ vẫn còn lo ngại chất cấm và số lượng heo đang trong giai đoạn cung lớn hơn cầu. Chỉ mong đến Tết, giá lên trên 3,8 triệu đồng/tạ thì người chăn nuôi sẽ đỡ lỗ hơn”.
Ngoài ra, người chăn nuôi đang đối diện với gánh nặng giá thức ăn tiếp tục tăng cao. Hiện giá mỗi bao thức ăn tăng khoảng 25.000 - 30.000 đồng. Riêng những hộ mua thức ăn theo kiểu gối đầu chờ heo xuất chuồng thanh toán thì lại được kê lên khoảng 2% so với giá trị thực tế.
Trước tình hình trên, người chăn nuôi không đầu tư tập trung mà dàn trải xoay vòng nhằm đảm bảo nguồn vốn cho sản xuất. Anh Nương cho biết thêm: “Theo tính toán, mỗi con heo đầu tư gần 4 triệu đồng, nếu nuôi 100 con, số tiền đã lên 400 triệu đồng trong khi việc chăn nuôi gặp nhiều rủi ro, nếu không được giá hoặc bị dịch bệnh xem như lỗ nặng. Hiện nay, tôi chuyển sang hướng phân nhỏ số lượng heo ra đầu tư, mỗi lần xuất chuồng khoảng vài chục con, lấy tiền đó đổ vào cho đợt tiếp theo, xoay trong vòng một năm, vừa có thể giữ vốn vừa tránh tình trạng sản xuất ồ ạt bị ép giá.
Nỗi lo dịch bệnh
Trước sức ép về giá cả xuống thấp, người chăn nuôi lại đang phải lo lắng dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, vì nếu giá cả có xuống thấp vẫn bị lỗ, nhưng nếu dịch bệnh bùng phát thì xem như trắng tay. Trước tình hình đó, nhiều người chăn nuôi đã đẩy mạnh tiêm phòng các bệnh thông thường lẫn các bệnh nguy hiểm. Ngành thú y đã triển khai, cấp phát thuốc tiêu độc sát trùng cho các hộ chăn nuôi để nhằm vệ sinh chuồng trại, hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Đối với các bệnh thông thường thì chi phí vắc-xin tiêm phòng không cao, nhưng đối với bệnh như tai xanh thì giá vắc-xin có thể lên đến 35 - 40 ngàn đồng/liều. Mỗi con heo, người nuôi phải đầu tư tiền chích vắc-xin các loại bệnh dao động khoảng 100 ngàn đồng/con, đối với hộ nuôi số lượng lớn khoản này sẽ chiếm một phần chi phí khá lớn. Riêng những người chăn nuôi nhỏ lẻ thì ít quan tâm đến vấn đề này, nên nguy cơ bùng phát dịch là rất khó tránh khỏi. Anh Huỳnh Văn Cười cho biết: “Việc tiêm phòng là rất cần thiết. Tuy nhiên chỉ lo lắng những hộ không quan tâm chích ngừa, tạo điều kiện mầm bệnh xuất hiện sẽ lây lan cho những chuồng khác”.
Theo thống kê của ngành thú y, hiện nay tỷ lệ heo được chích ngừa đạt thấp, đối với bệnh dịch tả đạt tỷ lệ 48,63%/tổng đàn, tụ huyết trùng 34,23%, phó thương hàn là 30,64%, lở mồm long móng chỉ đạt 3,61%, tai xanh đạt 3,0%. Anh Bạch Tuấn Kiệt - Trưởng phòng Dịch tể - Chi cục Thú y tỉnh cho biết, hiện nay số lượng người dân chích thuốc ngừa cho heo đạt chưa cao. Trong thời gian tới, ngành thú y tiếp tục khuyến cáo người dân tiếp tục tiêm phòng để hạn chế thấp nhất dịch bệnh có thể xảy ra...
Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã tiến hành nghiệm thu, đánh giá xếp loại B đề tài "Ứng dụng quy trình chăn nuôi gà thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP", do Chi cục Quản lý Nông - Lâm sản và Thủy sản chủ trì, Kỹ sư Phan Ngọc Tâm làm chủ nhiệm.

Hiện gà công nghiệp bán tại trại có giá 24 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 4 ngàn đồng/kg so với hồi đầu tháng. Giá gà tăng do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này của thị trường đang rất tốt.

Từ đầu năm đến nay, do hạn hán kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đàn gia súc có sừng của các địa phương trong tỉnh Ninh Thuận. Để giúp nông dân duy trì sản xuất, tỉnh đã chi hơn 46 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chống hạn của Trung ương hỗ trợ hộ chăn nuôi mua thức ăn cho gia súc. Động thái tích cực này đã góp phần giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Năm nay, do tác động của hạn hán nên nhiều diện tích mía tím trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng nề. Bù lại, vào kỳ thu hoạch, giá mía tăng cao nên phần nào giúp người trồng mía bớt khó khăn.

Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam vừa phối hợp với Hội Nông dân huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo tổng kết mô hình bắp lai SK100 vụ hè thu năm 2015.