Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trăn Trở Của Người Trồng Rau

Trăn Trở Của Người Trồng Rau
Ngày đăng: 29/03/2014

“Năm nay hành trúng mùa nhưng chi phí 1 công hành khoảng 14 triệu đồng mà bán ra chỉ 12 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc của tôi suốt 3 tháng ròng”.

Đó là lời than thở của anh Nguyễn Văn Nhẫn, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), người đã gắn bó với nghề trồng hành từ bé.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, người trồng hành ở xã Long Thuận gặp không ít khó khăn khi hành liên tục rớt giá. Có thời điểm “dội chợ”, lái không mua, người trồng hành mất trắng vì không tiêu thụ được. Hiện nay, hành lá được thương lái mua tại ruộng giá 2.500 - 3.000 đồng/kg. Với giá này nông dân bị lỗ 1 - 2 triệu đồng/công.

Anh Trần Văn Hai, ở xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, trồng 2 công hành lá và 1 công cà chua buồn hiu nói: “Tôi làm rẫy hơn chục năm qua, nhưng chưa có khi nào gặp giá cả xuống thấp như vậy. Khổ nỗi bao nhiêu chi phí như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê nhân công... đều tăng cao nhưng giá bán lại quá thấp. Bây giờ tôi không biết làm sao để có đủ vốn làm vụ tiếp theo”.

Vùng rau màu của xã Long Thuận là một trong những vùng màu có diện tích lớn nhất tỉnh, với hơn 198ha. Trong đó, diện tích trồng hành lá và cải củ trên 110ha, còn lại là các loại rau màu khác.

Hằng năm, vùng rau của xã Long Thuận không những đáp ứng tốt nhu cầu của toàn tỉnh mà các mặt hàng chủ lực của vùng còn có mặt ở các địa phương lân cận như: An Giang, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh và nước bạn Campuchia... Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cải củ và hành lá của Long Thuận lên xuống thất thường, đầu ra bấp bênh.

Ông Kha Văn Liến, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết: “Gần đây, giá hành và cải củ không ổn định do nhiều nguyên nhân tác động. Hiện một số diện tích trồng lúa và cây màu khác được nông dân chuyển sang trồng hành, do đó sản lượng hành của Long Thuận mỗi mùa mỗi tăng nhưng thị trường tiêu thụ thì vẫn thế”.

Hiện nay, giá một số mặt hàng rau màu đang tuột dốc như cà chua có giá 1.500 - 2.000 đồng/kg, giảm 3 - 4 lần so với năm trước; bắp cải loại I có giá 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không chịu mua.

Theo bà Nguyễn Thanh Hương, thương lái thu mua rau màu ở huyện Lai Vung cho biết: “Cà chua và bắp cải rớt giá liên tục là do “đụng” phải hàng từ Đà Lạt về làm cho nguồn cung vượt cầu. Thêm vào đó sức mua các mặt hàng này trong những ngày qua rất chậm, nhiều thương lái như tôi phải lỗ vốn do “ôm hàng” nhiều, tiêu thụ không kịp”.

Anh Lê Hữu Phước, ở huyện Thanh Bình tâm sự: “So với trước Tết, giá ớt Chỉ Thiên giảm hơn một nửa. Hiện nay, lái mua ớt tại ruộng giá chỉ 16.000 - 17.000 đồng/kg. Do chi phí phân, thuốc khá cao, thêm vào đó là tiền nhân công thuê hái ớt cũng tăng nên cũng không có lãi”.

Bên cạnh một số rau màu bị xuống giá, gần đây do thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của nhiều loại màu nên giá cả một số mặt hàng như: dưa leo, khổ qua... đồng loạt sốt giá. Khoảng hơn 1 tuần nay, nhiều nông dân trồng dưa leo và khổ qua ở huyện Lai Vung rất phấn khởi bởi giá tăng khá mạnh.

Giá dưa leo tăng gấp 3 lần so với trước Tết. Hiện nay, dưa leo bán tại ruộng có giá từ 9.000 - 9.200/kg. Mặc dù dưa leo trồng mùa nắng năng suất thấp hơn mùa mưa 1 - 1,5 tấn/công nhưng với mức giá hiện tại, nông dân lãi trên 20 triệu đồng/công.

Anh Ngô Văn Vệ ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung phấn khởi cho hay: “Lâu lắm rồi dưa leo và khổ qua mới tăng giá mạnh như thế. Nhưng làm cái nghề này là vậy, vui đó rồi buồn đó, bởi vụ này trúng mùa trúng giá nhưng chưa biết vụ sau thế nào”.

Tại huyện Lấp Vò, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, một số loại rau màu hiện đã tăng giá, do thời tiết nắng nóng, thiếu nước bơm tưới, nguồn cung có hạn nhưng nhu cầu tăng cao.

Cụ thể: bắp non giá 10.000 đồng/kg; khoai môn giá 11.000 đồng/kg; dưa leo có giá 8.000-10.000 đồng/kg; gừng 45.000 đồng/kg; rau má 7.500 đồng/kg, cải trắng 6.000 đ/kg, rau dền 12.000 đ/chục, húng quế 10.000 đồng/kg... đều tăng khoảng 2.000-7.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2014.

Ông Võ Văn Đặng ngụ ấp An Thái, xã Mỹ An Hưng A, cho biết, “Chỉ với 700 m2 đất trồng khoai môn đã đạt sản lượng 3 tấn, gia đình tôi đã thu lời được 5 triệu đồng”.

Chị Lê Thị Ngọc Trắng, tiểu thương chợ Đất Sét, xã Mỹ An Hưng A, cho biết, thời tiết nóng lên, các loại rau xanh bắt đầu tiêu thụ mạnh, nhiều loại rau màu vào vụ có chất lượng tốt hơn nên giá đang trên đà tăng.

Nông dân trồng rau màu sợ nhất là đến khi thu hoạch bị “dội chợ” vì rau màu không thể dự trữ như lúa để chờ giá. Gần đây nhiều loại rau màu bị giảm giá sâu (nông dân thu hoạch bắp cải bỏ trôi sông) làm nông dân không an tâm đầu tư cho những vụ tiếp theo.

Làm sao để dự báo được nhu cầu, giá cả nông sản nói chung và rau màu nói riêng để nông dân tham khảo, hạn chế thấp nhất rủi ro là vấn đề nông dân quan tâm nhất hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím

Cá bố mẹ được chọn từ các ao nuôi thương phẩm hoặc các ao nuôi cá hậu bị của trại giống. Chọn cá bố mẹ khỏe mạnh, không bị trầy xước, có trọng lượng khoảng 600 - 1.200 g. Cá có trọng lượng khoảng 700 g có sức sinh sản tốt nhất.

12/08/2015
Tam Nông tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa Tam Nông tập trung phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Hiện nay là thời điểm lúa mùa đang sinh trưởng mạnh, đồng thời cũng là giai đoạn khá nhiều loại sâu bệnh hại lúa như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bọ xít, rầy… phát triển mạnh. Trong hơn 10 ngày qua thời tiết không thuận lợi, liên tục có mưa khiến cho việc phun thuốc phòng trừ không đạt hiệu quả cao. Nhiều địa phương đã xuất hiện sâu bệnh hại lúa với mật độ khá cao, trong đó có huyện Tam Nông.

12/08/2015
Kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại huyện Thanh Thủy Kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa mùa tại huyện Thanh Thủy

Vừa qua, đoàn công tác do đồng chí Hoàng Công Thủy - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình sâu bệnh hại lúa mùa năm 2015 tại thị trấn Thanh Thủy. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; Chi cục BVTV.

12/08/2015
Tư duy và cơ chế với cây sâm Tư duy và cơ chế với cây sâm

Cây sâm khúc trúc - tên gọi dân gian được dược sĩ Đào Kim Long phát hiện vào năm 1973 trên sườn núi Ngọc Linh. Cây sâm đã được đưa vào chữa trị và chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến. Sâm Ngọc Linh cũng có tên từ đó. Là cây dược liệu đặc hữu với nhiều hàm lượng vi chất có trong củ, lá, cành còn nhiều hơn cả sâm Hàn Quốc, được các nhà khoa học thế giới khẳng định. Cây sâm có công dụng bồi bổ sức khỏe, chữa trị nhiều bệnh, phục hồi sức khỏe…

12/08/2015
Thu tiền tỷ nhờ trồng đặc sản Thu tiền tỷ nhờ trồng đặc sản

Ông Nguyễn Văn Tân, nông dân tại xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ), nổi tiếng tại địa phương vì có vườn cây rộng 5 hécta trồng đặc sản bơ, sầu riêng thu lãi cao. Đặc biệt, ông tự lai tạo ra giống bơ “khủng” với trọng lượng từ 1-1,6kg/trái, luôn bán được giá cao vì được thị trường ưa chuộng.

12/08/2015