Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trăn Trở Cánh Đồng Mẫu Lớn

Trăn Trở Cánh Đồng Mẫu Lớn
Ngày đăng: 05/07/2013

Mặc dù lợi nhuận tăng trên 40%, nhưng cánh đồng mẫu lớn vẫn chưa thể làm thỏa mãn được kỳ vọng của người dân về hiệu quả đích thực mà mô hình kiểu mẫu này mang lại sau một năm thực hiện.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 5 điểm chỉ đạo thực hiện cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích khoảng 1.314ha. Trong đó, cánh đồng tại xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) và Trường Long Tây (huyện Châu Thành A) là 2 mô hình điểm của tỉnh, còn lại do các huyện, thị xã đảm nhận gồm CĐML thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ), xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp) và phường Hiệp Thành (thị xã Ngã Bảy).

Sau khi triển khai thực hiện, tỉnh đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống đê bao khép kín khá hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa cho người dân. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân canh tác trong khu vực CĐML. Chẳng hạn, ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy nấm xanh, mô hình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm... để phòng trừ sâu bệnh trên đồng ruộng.

Đặc biệt là từng bước tạo nên bước đột phá trong sự phối hợp giữa doanh nghiệp với người dân thông qua hình thức cung ứng vật tư đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa tại 2 CĐML xã Vị Thanh và Trường Long Tây. Qua đó, giúp cho người dân giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất nhưng vẫn thu được lợi nhuận cao so với trước đây.

Đáng ghi nhận là hình thành quy trình canh tác tập trung, với quy mô diện tích lớn, góp phần đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa trên đồng ruộng của tỉnh. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, khẳng định: Sau một năm triển khai, mô hình CĐML của tỉnh đạt 3/6 tiêu chí theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Đáng kể là đạt tiêu chí số 2 về quy mô diện tích 300 - 500ha liền canh và có khả năng phát triển rộng ra xung quanh thành vùng nguyên liệu 3.000 - 5.000ha.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, các biện pháp đầu tư về cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ bước đầu được tiến hành khá đồng bộ. Tuy nhiên, do khâu tổ chức sản xuất chưa thực sự gắn kết giữa người dân với các doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo. Nhất là chưa có doanh nghiệp mạnh dạn đứng ra đầu tư khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa cho người dân một cách thỏa đáng nên làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện mô hình CĐML.

CĐML xã Vị Thanh tưởng chừng sẽ trở thành mô hình điểm thực thụ của người trồng lúa tỉnh nhà ngay trong vụ lúa Đông xuân 2012 - 2013, khi mà Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang cùng các doanh nghiệp khác trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, giải quyết nỗi lo đầu ra hạt lúa cho người dân.

Thế nhưng, hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa HTX Vị Thanh và công ty thiếu chặt chẽ và tính ràng buộc lẫn nhau, dẫn đến công tác thu gom, giao nhận sản phẩm bế tắc giữa chừng. Vì doanh nghiệp bất ngờ thay đổi phương thức thu mua từ lúa sang gạo. Trong khi kinh nghiệm, năng lực thu gom, vận chuyển, giao nhận sản phẩm của HTX rất hạn chế.

Theo đại diện của HTX Vị Thanh, hơn một nửa diện tích lúa trong hợp đồng đã bị thương lái bên ngoài thu mua với mức giá cao hơn khoảng 30 đồng/kg lúa tươi cùng thời điểm. Vì thế, HTX chỉ thu gom được 245 tấn, kể cả 101 tấn lúa sấy khô bóc vỏ trước khi giao cho công ty trong tổng sản lượng khoảng 600 tấn. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao mà vụ Hè thu vừa rồi, không ít người dân trong khu vực CĐML xã Vị Thanh thay vì trồng lúa chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì lại chuyển sang gieo sạ giống IR 50404.

Chung số phận, hầu hết diện tích 30ha lúa OM 4900 của người dân trong CĐML xã Trường Long Tây được sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Lương thực Hậu Giang buộc phải bán cho thương lái bên ngoài cũng vì phương thức thu mua sản phẩm không được thực hiện như giao ước lúc đầu. Ông Lê Văn Hiện, Chủ nhiệm HTX Trường Thọ, xã Trường Long Tây, cho hay: “Có khoảng 90% diện tích đất lúa của HTX nằm trong vùng quy hoạch CĐML gieo sạ giống IR 50404 trong vụ Hè thu vừa qua”.

Bởi theo ông Hiện, người dân cảm thấy trồng lúa chất lượng cao chưa thực sự mang lại hiệu quả tương xứng với công sức, tâm huyết mà mình đổ xuống đồng ruộng. Vì vậy, muốn người dân “nhảy vào” CĐML thì cần phải tạo niềm tin cho người dân. Trước hết là tạo sự khác biệt về hiệu quả kinh tế, đảm bảo giá cả, đầu ra hạt lúa sau mỗi mùa vụ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Vị Thanh Mai Văn Bình đề nghị: Bên cạnh công tác quản lý quá trình cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào thì Nhà nước cần quan tâm giải quyết đầu ra sản phẩm một cách thỏa đáng cho người dân.

Cũng không thể phủ nhận rằng, giá cả, thị trường xuất khẩu lúa gạo diễn biến thất thường đã khiến cho các đơn vị thu mua, chế biến gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa nói đến hệ thống kho chứa chưa đảm bảo yêu cầu thu mua, tạm trữ lúa gạo.

Ông Lê Văn Đời kiến nghị, doanh nghiệp cần tham gia ngay từ đầu vụ sản xuất trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu để nông dân an tâm sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần phải kịp thời tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các kho dự trữ lúa gạo trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện mô hình CĐML mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục kiến nghị đối với Bộ NN&PTNT sớm có giải pháp xử lý thỏa đáng hơn trong vấn đề tiêu thụ lúa chất lượng cao trong thời gian tới.

Đồng thời, định hướng cho nông dân về cơ cấu giống thích ứng trong từng mùa vụ và thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, các địa phương sớm bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các kho chứa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn quản lý…

Kết quả từ vụ Đông xuân vừa qua cho thấy, năng suất lẫn giá thành sản xuất lúa trong 2 CĐML chỉ đạo điểm của tỉnh cải thiện rõ rệt. Cụ thể, năng suất đã tăng gần 5,5%, còn giá thành sản xuất giảm 19%, ước tính trên 4,5 triệu đồng/ha so với bên ngoài.


Có thể bạn quan tâm

Chuyển Giao Vịt Giống Cho Nông Dân Ở Trà Vinh Chuyển Giao Vịt Giống Cho Nông Dân Ở Trà Vinh

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) tỉnh Trà Vinh vừa chuyển giao 6.850 con vịt giống (01 ngày tuổi, giống vịt Triết Giang) cho 18 hộ nông dân trên địa bàn huyện Càng Long và Cầu Kè thực hiện mô hình trình diễn chăn nuôi vịt đẻ hướng trứng áp dụng phương pháp an toàn sinh học.

07/05/2013
“Vỡ Mộng” Chăn Nuôi Tập Trung “Vỡ Mộng” Chăn Nuôi Tập Trung

Năm 2009, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thí điểm 11 khu chăn nuôi tập trung (CNTT) và năm 2010, bổ sung 26 khu tại các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Lập Thạch... Thế nhưng, đến nay toàn tỉnh chỉ còn 4 khu hoạt động, song cũng rất èo uột, gây lãng phí đất đai, tiền của.

19/08/2013
Triệu Phú Nhãn Xuồng Cơm Vàng Triệu Phú Nhãn Xuồng Cơm Vàng

Nói đến ông Lê Văn Tường ở xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu ai cũng biết đến vì ông là một trong ít người theo đuổi mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng thành công.

18/07/2013
Hàng Chục Hộ Dân Nuôi Ếch “Cầu Cứu” Hàng Chục Hộ Dân Nuôi Ếch “Cầu Cứu”

Hơn 1 tháng nay, hàng chục hộ dân ở xã Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), sau khi cho ếch ăn bằng thức ăn công nghiệp làm ếch nhảy rộ đàn và chết hàng loạt. Đến nay, Công ty thức ăn vẫn chưa có động thái gì đối với các hộ dân trong việc hỗ trợ thiệt hại, khiến nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh khó khăn.

20/08/2013
Điêu Đứng Vì Nuôi Chồn Nhung Đen Điêu Đứng Vì Nuôi Chồn Nhung Đen

Hiện lượng chồn nhung đen này không tiêu thụ được do người hứa sẽ bao tiêu sản phẩm đã “cao chạy xa bay”, khiến người nuôi thiệt hại nặng nề

18/07/2013