Trái Cây Việt Nam Vươn Ra Thế Giới

Sau nhiều năm liền chật vật đi tìm thị trường và luôn gặp khó khăn khi cạnh tranh với trái cây ngoại, nhưng đến nay nhiều loại sản phẩm trái cây của Việt Nam đã dần giành được chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp về kết quả xuất khẩu trái cây cả năm 2014 cho thấy các doanh nghiệp và nhà vườn đều thắng lớn. Tính đến ngày 26-12, xuất khẩu trái cây các loại đã đạt tổng kim ngạch là 1,477 tỷ USD (tăng hơn 37% so với năm 2013). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu rau, quả chỉ khoảng 521 triệu USD. Như vậy, năm 2014 chúng ta đã đạt xuất siêu rau, quả gần 1 tỷ USD.
Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường xuất khẩu rau, củ, trái cây của Việt Nam đã mở ra nhiều thuận lợi hơn trong năm 2014. Mới đây, bên cạnh mặt hàng thanh long, chôm chôm, Mỹ đã cho phép nhập khẩu thêm vải và nhãn từ Việt Nam.
Đây là cơ hội để các loại cây đặc sản của chúng ta tiến sâu hơn vào những thị trường khó tính như Mỹ, EU. Bộ NN-PTNT cũng cho biết thêm, sau tín hiệu từ thanh long, nhãn và vải thì hiện các cơ quan chức năng của bộ đang đẩy mạnh đàm phán và xúc tiến thương mại để tiếp tục đưa các loại trái đặc sản khác như vú sữa, chôm chôm, xoài… thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Đài Loan...
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đơn vị phụ trách lĩnh vực kiểm dịch và xuất nhập khẩu nông sản của Bộ NN-PTNT cho rằng, bằng việc vươn rộng ra các thị trường khó tính sẽ giúp tăng thêm giá trị cho trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng thừa nhận hiện nay hoạt động xuất khẩu rau, củ, trái cây của Việt Nam vẫn chỉ chủ yếu dựa vào thị trường chính là Trung Quốc.
Theo bảng tổng hợp so sánh do Hiệp hội Rau quả Việt Nam cung cấp, trong năm 2014, thị trường Trung Quốc vẫn chiếm số 1 trong tốp 10 nước nhập nhiều trái cây Việt Nam và bỏ rất xa các nước còn lại về sản lượng nhập. Trong 11 tháng của năm 2014, chúng ta đã xuất hơn 358 triệu USD rau quả sang Trung Quốc và tăng hơn 34% so với năm trước.
Theo nhiều chuyên gia, việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ luôn tiềm ẩn những rủi ro như bị ép cấp ép giá, được mùa mất giá và các chiêu trò khác của tư thương Trung Quốc như chúng ta đã chứng kiến. Lý giải về câu chuyện này, PGS-TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, thị trường Trung Quốc khá dễ tính nhưng giá trị hàng xuất khẩu không cao và trong nhiều năm gần đây, liên tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa trái cây lên cửa khẩu biên giới phía Bắc bị ùn ứ, ùn tắc mà chỉ cần bị tư thương nước nhập khẩu làm khó là cả lô trái cây bị hỏng, phải đổ bỏ ngay. Nếu chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc sẽ rất nguy hiểm.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cũng đồng quan điểm và cho biết thêm, Bộ NN-PTNT đã có chính sách, chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trái cây - nông sản theo hướng đa dạng thị trường, nâng cao giá trị và sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo có nông sản sạch. Bộ NN-PTNT cũng đang có chính sách thu hút các doanh nghiệp và tập đoàn đầu tư công nghệ vào nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu các trái cây đặc sản.
Để nhãn, vải, thanh long và các đặc sản khác của Việt Nam có thể vươn rộng ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, EU… Bộ NN-PTNT cho biết sẽ tổ chức quy hoạch trái cây thành vùng chuyên canh lớn, cấp mã số vùng trồng cho các khu vực trái cây xuất khẩu để tăng khả năng truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và có biện pháp để khắc phục theo đúng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản trong việc đưa công nghệ sau thu hoạch tiên tiến vào bảo quản trái cây, để trái cây có thể để được lâu mà vẫn đảm bảo chất lượng và phổ biến việc áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào nông sản nhằm nâng chất lượng an toàn thực phẩm cũng như uy tín, thương hiệu cho nông sản - trái cây Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Trước đây ở Nghĩa Hưng (Nam Định) cua biển từng là mặt hàng xuất khẩu được khách hàng ưa chuộng, đem lại nguồn thu lớn cho ngư dân ở các xã ven biển của huyện. Lượng cua biển này đều được khai thác từ tự nhiên, người dân chưa biết cách duy trì nguồn giống để phát triển nghề nuôi cua biển nên sản lượng khai thác cua biển tự nhiên ngày càng khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi thủy sản của huyện đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất giống cua biển từ các tỉnh: Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa… để áp dụng vào thực tế tại địa phương.

Đến xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang bạn sẽ cảm thấy rất ngỡ ngàng bởi màu sắc sân vườn phía trước nhiều ngôi nhà rất ư là lạ mắt. Trong xanh thẫm mượt mà của cỏ cây, có màu xanh dương đậm của những tấm bạt ni-lon được che chắn thành hình chữ nhựt, mỗi ô chừng vài chục mét vuông. Trong bể có lục bình, điên điển đang trổ ra những bông hoa sắc màu mát dịu. Những cái bể ấy dùng để nuôi lươn đó bạn ạ! Điểm qua hành trình của con lươn từ tự nhiên đi vào bồn bể, bạn sẽ thầm cảm ơn bao người nông dân chân chất đã cần mẫn sớm hôm để tạo thêm nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho đời.

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Người dân ĐBSCL hy vọng đây là giải pháp khắc phục tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm khi vào vụ thu hoạch đông ken.

Trong năm qua, toàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thả tôm nuôi với diện tích 1.470 ha (67% tập trung tại khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), vượt 40% kế hoạch năm, trong đó có 194 ha tôm sú và 1.276 ha tôm thẻ chân trắng. Song do bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) xuất hiện, lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi trọng điểm với diện tích 625 ha (chiếm 45% diện tích thả nuôi toàn tỉnh và tập trung 82% diện tích bệnh tại Đầm Nại) đã làm cho sản lượng thu hoạch chỉ đạt 87% kế hoạch.

Qua nhiều năm, ông Võ Văn Vân (KP. Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An - Bình Dương) thử nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau từ trồng cây ăn trái, đến chăn nuôi… nhưng đều không mang lại hiệu quả. Chỉ khi quyết định nuôi cá tai tượng, ông mới thực sự thoát nghèo.