Trái Cây Thái Lan Vào Chợ Việt

Có thể thấy, nông sản của Thái Lan đang có mặt khắp các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh và lấp khoảng trống sau khi hàng Trung Quốc bị người tiêu dùng dè dặt.
Tâm lý người tiêu dùng ngày càng e dè với hàng Trung Quốc, đặc biệt là sau khi có thông tin các loại nông sản có nguy cơ “ngậm” hóa chất.
Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.
Chị Lê Thị Lệ Huyền, ở thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, cho biết: “Bản thân tôi rất thích mua nông sản nội, nhưng mùa này trái cây ít, trong khi trái cây Thái lại rộ mà giá cả cũng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. Từ trước đến giờ, tôi cũng chưa nghe thông tin gì về rau, quả Thái Lan nguy hiểm đến sức khỏe, nên cũng phần nào an tâm”.
Bà Thanh Đạm, một tiểu thương ở chợ Long Mỹ, cho hay: “Nguyên nhân chính là do thời gian gần đây trái cây Trung Quốc ít được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, nên sức mua bị giảm sút.
Thay vì lấy một lượng lớn nho, lê, táo Trung Quốc như trước, thì nay tôi bán hàng Thái nhiều hơn. Một số loại như bòn bon, nhãn, măng cụt, thậm chí là me, người dân cũng rất ưa chuộng, số lượng bán ra tăng gấp đôi.
Trung bình mỗi ngày tôi bán được 10-12kg trái cây các loại có nguồn gốc từ Thái Lan. Nguyên nhân hút hàng một phần vì trái cây nước mình đang ở cuối vụ, một số loại đã hết hàng, nhưng trái cây Thái thì lúc nào cũng có. Những loại trái cây hay rau, củ từ Thái nhập về không khác nhiều so với rau, quả Việt Nam, nên người mua dễ sử dụng hơn, chất lượng cũng tốt”.
Một nguyên nhân khác khiến lượng rau, quả của Thái Lan tăng cao, là do các nhà phân phối giảm nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc và quay sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một động thái giúp Việt Nam chuẩn bị cho xu hướng hội nhập và tự do hóa trong ASEAN vào năm 2015.
Theo nhận định của tiểu thương, trên 30% khách hàng đã và đang chuyển sang dùng hàng Thái, sức mua vài ngày gần đây cũng tăng lên. Được biết, tại các chợ như: Cây Dương (huyện Phụng Hiệp), Long Mỹ (huyện Long Mỹ), Nàng Mau (huyện Vị Thủy), Phường III (chợ Vị Thanh), Phường IV, Phường VII (thành phố Vị Thanh),… giá cả các sản phẩm đến từ Thái Lan cũng đang ở mức ổn định, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Cụ thể, bòn bon dao động ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, chôm chôm 18.000-20.000 đồng/kg, me 55.000-65.000 đồng/kg, xoài 27.000-30.000 đồng/kg…
Chị Thanh Ngọc, một tiểu thương tại chợ Nàng Mau, cho biết: “Hiện sạp bày bán nhiều nhất là bòn bon Thái Lan, giá lấy sỉ chỉ ở mức trên 20.000 đồng/kg tại các địa điểm phân phối hoặc các xe bỏ mối”. Còn tại hệ thống Siêu thị Co.opMart, các loại trái cây Thái còn được nhập về ở dạng sấy khô như: mít, đậu, khoai, sầu riêng… Những sản phẩm sấy khô này đang được phản hồi tốt từ khách hàng.
Thực tế cho thấy, các mặt hàng Thái Lan có giá chỉ nhỉnh hơn 15-20% so với hàng Việt Nam, nhưng nếu đặt vế so sánh với các loại trái cây có xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, thì giá còn thấp hơn rất nhiều.
Đại đa số người tiêu dùng khẳng định thích nông sản Thái, nhưng vẫn ủng hộ trái cây Việt nếu được lựa chọn. Tuy nhiên, sức hút của trái cây nhập cũng đặt ra vấn đề đáng quan tâm là loại sản phẩm nhập khẩu này có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Song, trước sức cạnh tranh mạnh mẽ này, nhà vườn Việt cần chủ động chuẩn bị để trái cây nội không bị “lép vế” trên sân nhà. Hơn nữa, ngành chức năng cũng cần có nhiều giải pháp giúp nông dân về khoa học kỹ thuật, điều chỉnh mùa vụ, quy hoạch vùng nguyên liệu,… để từng bước nâng cao chất lượng hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Duy trì mục tiêu phát triển bền vững đối với vùng tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) là 11.000 ha. Đây là vùng trọng điểm phát triển các giống lúa đặc sản chất lượng cao, đặc biệt là nhóm giống ST sau khi thu hoạch vụ nuôi tôm, đồng thời phát huy tốt các mô hình trồng màu trên bờ bao và nuôi các giống loài thủy sản khác để tăng thu nhập cho nông dân.

Những năm trước đây, anh Y Hô M’lô ở buôn Ea Sang, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar - Dak Lak) chủ yếu trồng lúa và hoa màu trên diện tích 3 ha đất canh tác của gia đình.

Hàu là loại ngư sản biển chuyên sống bám theo các vách đá. Ở tỉnh Trà Vinh, hàu sống nhiều theo vách các cống thoát nước xây bằng bê tông trong các ao tôm của người dân huyện Duyên Hải. Do đó, muốn săn bắt hàu, người ta phải ngâm mình dưới nước để dò tìm hàu.

Ở Diên Khánh - vùng trồng cây mía giải khát lớn nhất tỉnh Khánh Hòa - trong những ngày nắng hạn này, nông dân rất phấn khởi bởi mía bán được giá. Ông Lê Chơn (xã Diên Lâm) hồ hởi: “Tôi vừa bán 5 sào (5.000m2) mía tuần trước được 9,5 triệu đồng, so với giá mía đường hiện nay lãi gấp 3 lần nhưng thương lái vẫn hỏi mua vì đang hút hàng…”.

Chỉ thị trên yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố cùng các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, nắm chắc các đối tượng tàng trữ, lắp ráp và vận chuyển vật dụng cấm dùng khai thác thủy sản; Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai chủ trì phối hợp với các sở, ngành cùng các địa phương vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ, ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản bằng chất cấm và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.