Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trái Cây Thái Lan Vào Chợ Việt

Trái Cây Thái Lan Vào Chợ Việt
Ngày đăng: 18/09/2014

Có thể thấy, nông sản của Thái Lan đang có mặt khắp các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh và lấp khoảng trống sau khi hàng Trung Quốc bị người tiêu dùng dè dặt.

Tâm lý người tiêu dùng ngày càng e dè với hàng Trung Quốc, đặc biệt là sau khi có thông tin các loại nông sản có nguy cơ “ngậm” hóa chất.

Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.

Chị Lê Thị Lệ Huyền, ở thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, cho biết: “Bản thân tôi rất thích mua nông sản nội, nhưng mùa này trái cây ít, trong khi trái cây Thái lại rộ mà giá cả cũng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh. Từ trước đến giờ, tôi cũng chưa nghe thông tin gì về rau, quả Thái Lan nguy hiểm đến sức khỏe, nên cũng phần nào an tâm”.

Bà Thanh Đạm, một tiểu thương ở chợ Long Mỹ, cho hay: “Nguyên nhân chính là do thời gian gần đây trái cây Trung Quốc ít được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận, nên sức mua bị giảm sút.

Thay vì lấy một lượng lớn nho, lê, táo Trung Quốc như trước, thì nay tôi bán hàng Thái nhiều hơn. Một số loại như bòn bon, nhãn, măng cụt, thậm chí là me, người dân cũng rất ưa chuộng, số lượng bán ra tăng gấp đôi.

Trung bình mỗi ngày tôi bán được 10-12kg trái cây các loại có nguồn gốc từ Thái Lan. Nguyên nhân hút hàng một phần vì trái cây nước mình đang ở cuối vụ, một số loại đã hết hàng, nhưng trái cây Thái thì lúc nào cũng có. Những loại trái cây hay rau, củ từ Thái nhập về không khác nhiều so với rau, quả Việt Nam, nên người mua dễ sử dụng hơn, chất lượng cũng tốt”.

Một nguyên nhân khác khiến lượng rau, quả của Thái Lan tăng cao, là do các nhà phân phối giảm nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc và quay sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một động thái giúp Việt Nam chuẩn bị cho xu hướng hội nhập và tự do hóa trong ASEAN vào năm 2015.

Theo nhận định của tiểu thương, trên 30% khách hàng đã và đang chuyển sang dùng hàng Thái, sức mua vài ngày gần đây cũng tăng lên. Được biết, tại các chợ như: Cây Dương (huyện Phụng Hiệp), Long Mỹ (huyện Long Mỹ), Nàng Mau (huyện Vị Thủy), Phường III (chợ Vị Thanh), Phường IV, Phường VII (thành phố Vị Thanh),… giá cả các sản phẩm đến từ Thái Lan cũng đang ở mức ổn định, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Cụ thể, bòn bon dao động ở mức 30.000-35.000 đồng/kg, chôm chôm 18.000-20.000 đồng/kg, me 55.000-65.000 đồng/kg, xoài 27.000-30.000 đồng/kg…

Chị Thanh Ngọc, một tiểu thương tại chợ Nàng Mau, cho biết: “Hiện sạp bày bán nhiều nhất là bòn bon Thái Lan, giá lấy sỉ chỉ ở mức trên 20.000 đồng/kg tại các địa điểm phân phối hoặc các xe bỏ mối”. Còn tại hệ thống Siêu thị Co.opMart, các loại trái cây Thái còn được nhập về ở dạng sấy khô như: mít, đậu, khoai, sầu riêng… Những sản phẩm sấy khô này đang được phản hồi tốt từ khách hàng.

Thực tế cho thấy, các mặt hàng Thái Lan có giá chỉ nhỉnh hơn 15-20% so với hàng Việt Nam, nhưng nếu đặt vế so sánh với các loại trái cây có xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, thì giá còn thấp hơn rất nhiều.

Đại đa số người tiêu dùng khẳng định thích nông sản Thái, nhưng vẫn ủng hộ trái cây Việt nếu được lựa chọn. Tuy nhiên, sức hút của trái cây nhập cũng đặt ra vấn đề đáng quan tâm là loại sản phẩm nhập khẩu này có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Song, trước sức cạnh tranh mạnh mẽ này, nhà vườn Việt cần chủ động chuẩn bị để trái cây nội không bị “lép vế” trên sân nhà. Hơn nữa, ngành chức năng cũng cần có nhiều giải pháp giúp nông dân về khoa học kỹ thuật, điều chỉnh mùa vụ, quy hoạch vùng nguyên liệu,… để từng bước nâng cao chất lượng hàng nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Heo Bằng Kỹ Thuật Sử Dụng Đệm Lót Lên Men Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Heo Bằng Kỹ Thuật Sử Dụng Đệm Lót Lên Men

Kết quả thí nghiệm cho thấy: 15 con heo dùng nuôi trong thí nghiệm đều tăng trọng tốt. Heo nuôi ở chuồng có hầm ủ biogas tăng trọng cao nhất (108,6 kg/con) kế đến là đối chứng (99 kg/con), thấp nhất là heo nuôi trên đệm lót sinh thái (97,1 kg/con). Khử mùi khí NH3 và H2S tốt nhất thuộc về nghiệm thức nuôi bằng đệm lót sinh thái, khả năng phòng bệnh ở mô hình nuôi trên đệm lót sinh thái cũng tốt, heo không bị bệnh và cho hiệu quả kinh tế, kế đến là biogas và đối chứng - anh Phong phấn khởi.

29/10/2013
Thu Hoạch Sớm 600 Ha Sắn Bị Ngập Úng Thu Hoạch Sớm 600 Ha Sắn Bị Ngập Úng

Do ảnh hưởng của mưa bão, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có 600 ha sắn bị hư hại

29/10/2013
Hiệu Quả “Kép” Từ Mô Hình “Lúa - Cá” Mùa Lũ Ở Tiền Giang Hiệu Quả “Kép” Từ Mô Hình “Lúa - Cá” Mùa Lũ Ở Tiền Giang

Sau hơn năm tháng triển khai thực hiện thí điểm dự án “nuôi luân canh lúa-cá” tại ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) bước đầu đã mang lại hiệu quả “kép”, đồng thời mở ra triển vọng giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, giải quyết lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập.

30/10/2013
Mở Hướng Liên Kết Cho Nông Dân Mở Hướng Liên Kết Cho Nông Dân

Sau 4 ngày diễn ra (từ ngày 25 đến 28-10), Hội chợ chăn nuôi - thú y - thủy sản thành phố Hà Nội lần thứ nhất đã khép lại và các sản phẩm chăn nuôi - thú y - thủy sản được trưng bày tại hội chợ đã khẳng định được thương hiệu, nhãn hiệu an toàn, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô. Thông qua hội chợ đã mở ra cơ hội bao tiêu sản phẩm cho người dân và xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

30/10/2013
Hội Thảo Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp Hội Thảo Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp

Ngày 29/10, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình nuôi tôm sú công nghiệp theo hướng VietGap tại hộ ông Lê Chí Linh, ấp Kinh Tư, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước.

31/10/2013