Trái Cây Miền Tây Vào Mùa

Cây trái miền Tây hầu như quanh năm đều rải vụ, nhưng dồi dào nhất là tháng 5, tháng 6 âm lịch. Mùa này chất lượng trái thơm ngon, ngọt đậm đà.
Vào những ngày này, du khách có dịp ghé qua “vương quốc” trái cây Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hoặc Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Phong Điền, TP Cần Thơ; Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long… sẽ không khỏi choáng ngộp trước những vườn cây trái sum suê, ngọt lành.
Dọc theo hai bên đường từ chợ xã đến chợ huyện, nơi nào cũng bày bán đủ loại trái ngon, tập trung nhiều nhất là trên quốc lộ 91 B, đoạn từ trung tâm huyện Phong Điền đến xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), từ Cái Tắc đi Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), từ phà Đình Khao đi Chợ Lách, tỉnh Bến Tre… Nhiều loại trái cây trông rất bắt mắt, nhất là xoài, sầu riêng, mít, chôm chôm, dâu, thanh long và măng cụt.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 288.000 ha trồng cây ăn trái. Hiện mặt hàng trái cây Việt Nam được xuất sang 76 nước, tạo cơ hội cho các nhà vườn phấn đấu vươn lên không ngừng.
Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến năm 2020 sẽ có 12 loại cây ăn trái chủ lực tập trung ở Nam bộ, trong đó có 5 loại tập trung rải vụ gồm: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn.
Riêng tại Bến Tre, dịp Tết Đoan Ngọ vừa qua cũng là năm thứ 14 tỉnh tổ chức Ngày hội Cây - trái ngon, an toàn, số người tham gia rất đông với nhiều sản phẩm đa dạng và phong phú.
Ngày nay, ai đến Cái Mơn sẽ được thưởng thức nhiều sắc màu, mùi vị thơm ngon của nhiều loại trái cây cao sản, nhất là sầu riêng Ri 6, sầu riêng Monthong, măng cụt. Ngoài ra, mùa này còn có dâu gia bảo, dâu bòn bon, chôm chôm Thái, chôm chôm đường, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh…
Gia đình ông Nguyễn Văn Kích, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, cùng 5 người con đều sống bằng nghề vườn và mua bán trái cây. Ông Kích cho biết vào những đợt cao điểm thu hoạch trái cây mùa này, mỗi ngày ông thu gom 2 - 3 tấn chôm chôm các loại để giao cho bạn hàng.
Còn ông Huỳnh Văn Dũng, người chuyên sản xuất cây giống ở ấp Sơn Châu, xã Sơn Định, cho biết: Cây ăn trái ở Chợ Lách hiện nay có nhiều chủng loại, đa dạng nên bà con nông dân cả nước đều tín nhiệm, đến đây chọn cây giống.
Có thể nói trái cây ở Cái Mơn, huyện Chợ Lách giống như một vườn sưu tập khổng lồ với nhiều giống mới, năng suất chất lượng cao, xứng đáng là vựa trái cây của cả tỉnh Bến Tre. Quan trọng là tại đây có một lực lượng nhà vườn rất hùng hậu, chuyên nghiệp, tay nghề cao, đặc biệt là kỹ thuật chiết, ghép, ươm trồng, nhân giống và xử lý phân thuốc rất thành thục.
Với ưu thế về đất đai, thổ nhưỡng, cộng với tinh thần cần cù lao động và sáng tạo của bà con nông dân, huyện Chợ Lách đã được Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là nơi sản xuất cây ăn trái nhân dân tự lai tạo lớn nhất nước.
Có đến thăm miệt vườn miền Tây mới thấy ở mỗi vườn trái cây đều có sự kết hợp hài hòa giữa con người cần cù lao động với những giá trị nhân văn, gắn liền với lịch sử, văn hóa của một vùng đất.
Có thể bạn quan tâm

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, nhiều yếu tố thị trường đang diễn biến không thuận lợi cho hoạt động thu mua chế biến và xuất khẩu.

2 giống đu đủ này do Khoa Nông học, Trường Đại học nông nghiệp Hà Nội tuyển chọn, lai tạo từ nguồn giống bản địa và nhập nội

Theo các cơ sở sản xuất giống cá tra ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, cá tra giống đã bắt đầu tăng giá trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 11.305 hộ ngư dân ở các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh thả nuôi khoảng 40,8 triệu con cua biển giống trên diện tích 12.270 ha, tăng gần 2.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, thời gian qua nhờ thực hiện tốt công tác chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nông dân, cùng với điều kiện thuận lợi về môi trường nước, nguồn cua giống, nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương (cá vụn, ruốc, còng...) nên ngư dân ở các vùng ven biển trong tỉnh đang tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích mặt nước nuôi cua biển, tập trung nhiều nhất ở các xã Long Toàn, Long Khánh, Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải; xã Long Hòa, Hòa Minh, huyện Châu Thành...

Từ TP HCM, biết tin nhiều hộ dân nghèo khó ở đảo Nhím (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh nhờ nuôi rắn mà thoát khỏi cơn bĩ cực của sự khó nhọc, chúng tôi lập tức lên đường