Trái cây giống ngoại giá rẻ đắt khách

Vốn mê trái phúc bồn tử, chị Lan (quận Bình Thạnh, TP HCM) lâu nay thường đặt mua hàng nhập với giá cao. Gần đây, chị nhận thấy nhiều cửa hàng, siêu thị bắt đầu bày bán sản phẩm này nhưng có nguồn gốc trong nước, với giá rẻ hơn hẳn.
“Thay vì đặt mua phúc bồn tử nhập từ châu Âu với giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng/kg, nay tôi chỉ cần bỏ ra 360.000 đồng.
Hàng cũng sẵn nên tôi thường chỉ mua 1-2 hộp, khoảng gần 2 lạng mỗi hộp cho tươi ngon, chứ không đặt cả kg như trước”, chị Lan nói.
Tương tự, chị Hoa (quận 2) cho biết trước đây thường mua về gia đình những loại quả lạ như dâu New Zealand, mít Thái Lan, việt quất...
Song gần đây, thay vì sản phẩm nhập khẩu, chị thường mua loại mang giống ngoại, song được trồng ở Việt Nam do có giá rẻ hơn phân nửa.
"Như dâu New Zealand trước đây có giá 380.000 đồng/kg.
Bây giờ tôi chuyển sang mua hàng Việt. Chưa thật sự ngon bằng nhưng giá cả phải chăng", chị Hoa chia sẻ.
Khảo sát tại một số cửa hàng và siêu thị ở TP HCM cho thấy, các loại trái cây giống ngoại ở Việt Nam ngày càng được bán rộng rãi, giá cũng rất cạnh tranh so với hàng nhập.
Tại cửa hàng bán thực phẩm ở quận I, giá một hộp phúc bồn tử loại 170 gram là 65.000 đồng; việt quất dao động quanh mức 110.000 - 125.000 đồng một vỉ, loại 125 gram; mít giống Thái Lan là 35.000 đồng/kg…
Còn tại hệ thống siêu thị Big C, giá sản phẩm phúc bồn tử rẻ hơn 5.000 đồng. Riêng dâu giống New Zealand, hệ thống Metro bán giá 249.000 đồng/kg, rẻ hơn hàng ngoại nhập gần 100.000 đồng. Còn mít tươi giống Thái tách múi giá chỉ 45.000 đồng/kg.
Mít giống Thái được người tiêu dùng ưa chuộng.
Theo các chủ cửa hàng và siêu thị, phúc bồn tử, việt quất, dâu giống New Zealand chủ yếu được trồng ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được chuyển về TP HCM mỗi ngày nên quả tươi chứ không bị dập nhiều như hàng nhập.
Tuy nhiên, do chất đất và khí hậu tại Việt Nam khác châu Âu nên kích cỡ quả cũng nhỏ hơn, vị chua hơn.
Theo nhân viên quầy trái cây tại Big C (quận 2), phúc bồn tử là mặt hàng được nhập thường xuyên. Thời điểm này đang vào vụ, song loại này có diện tích trồng hạn chế nên hàng về cũng không nhiều. “Mỗi ngày siêu thị bán khoảng 5-8 vỉ loại 170gram với giá gần 60.000 đồng mỗi vỉ", nhân viên này cho biết.
Còn tại Metro, sản phẩm mít giống Thái và dâu giống New Zealand được khá nhiều khách ưa chuộng. Theo nhân viên ở đây, bình quân một ngày, siêu thị bán được khoảng 50 - 70kg mít, thậm chí có hôm cả tạ. Riêng dâu, số lượng hàng không có nhiều nên chỉ được vài kg.
Bà Nguyễn Thị Thiện - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Thiên Hưng cho biết, 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp thường lên Đà Lạt tìm nguồn sản phẩm mới.
Phúc bồn tử và việt quất là 2 mặt hàng thường được thu mua. Phúc bồn tử được công ty bán ra quanh mức 50.000 - 60.000 đồng một vỉ loại 170 gram, phấn phối trong các hệ thống Aeon mall và Maximart.
“Vì là số lượng có hạn nên mỗi tháng, công ty chỉ bán khoảng 2-3 tạ chứ không nhiều như các loại trái cây khác”, bà Thiện nói.
Là đơn vị chuyên trồng phúc bồn tử, chủ nông trại Thanh Xuân ở Lâm Đồng cho biết, ngoài bán tại một số cửa hàng, chị còn cung cấp cho 2 hệ thống siêu thị là Big C và Vinmart với số lượng dao động quanh mức 20 kg mỗi ngày.
“Loại cây này khá khó trồng và chỉ thích hợp ở một vùng đất và khí hậu nhất định. Trước đó, tôi và nhiều hộ có trồng thử nghiệm ở một số nơi ở Đà Lạt nhưng không thành công vì khí hậu không thích hợp”, chủ nông trại này cho biết.
Có thể bạn quan tâm

“Đây thực sự là thiên đường nuôi tôm trên cát” - một bậc thầy trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Nam đã đúc rút điều này khi tận mắt chứng kiến “cơ ngơi” của chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (Thạch Trị - Thạch Hà). Bí quyết “vẽ” nên bức tranh hoàn mĩ ấy chính là tập thể những con người đang gắn bó máu thịt với từng hồ tôm, với niềm tin tuyệt đối vào tấm lòng và bản lĩnh của nữ giám đốc này.

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT về danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Là tỉnh có truyền thống sản xuất nông nghiệp với trình độ thâm canh cao, hằng năm sản xuất một sản lượng lớn lương thực, rau quả và sản phẩm chăn nuôi, thủy sản. Ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, nông sản tỉnh ta đã được tiêu thụ ở các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Những ngày này công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Đây là một biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn GSGC; góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, bảo vệ chăn nuôi.

Tôi gặp Phạm Năng Thành lần đầu khi anh là 1 trong 5 nông dân của tỉnh Hưng Yên về Hà Nội dự Hội nghị biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV (tháng 5.2012). “Trong 2 năm đó, vợ chồng em nâng diện tích trồng chuối từ 10ha lên gần 20ha; xây căn biệt thự khang trang và sắm xe hơi...” - Thành chia sẻ trong lần gặp lại tôi mới đây.