Trái Cây Giá Rẻ Dồn Ứ Chợ Sài Gòn

Thanh long ruột đỏ trước đây 30.000-35.000 đồng một kg nay chỉ còn 12.000 đồng, thơm thay vì 10.000 đồng một trái thì nay mua được 4 trái.
Khảo sát của VnExpress.net tại các chợ ở TP HCM như Thị Nghè, Bà Chiểu, Văn Thánh (quận Bình Thạnh), Thái Bình (quận 1), Bàn Cờ (quận 3) giá nhiều loại trái cây giảm tới 50% so với 2 tuần trước.
Tại chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) thơm (dứa) và thanh long rớt giá mạnh nhất. Thanh long ruột đỏ 2 tuần trước rất ít xuất hiện trên kệ, giá 30.000-35.000 đồng một kg, nay còn 12.000-15.000 đồng một kg. Thanh long ruột trắng trước đây cũng 15.000-20.000 đồng một kg, nay còn 6.000 đồng. Thơm tuần trước giá một trái 9.000-10.000 đồng, nay giảm mạnh còn 4 trái 10.000 đồng.
Không chỉ thanh long và thơm rớt giá, ngay cả những trái cây luôn giữ giá ổn định như măng cụt, chôm chôm, xoài cát Hòa Lộc cũng giảm giá từ 5.000 đến 10.000 đồng.
Tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), măng cụt từ 30.000 đồng giảm còn 25.000 đồng một kg. Xoài cát Hòa Lộc cũng giảm 10.000 đồng một kg. Dưa hấu còn 6.000-8.000 đồng một kg.
Lý giảm việc trái cây rớt giá mạnh, anh Hòa, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho hay, hiện nay trái cây vào mùa nên giá rẻ hơn so với trước. So với cùng kỳ năm trước, trái cây năm nay rớt giá mạnh hơn nhiều, đặc biệt là những loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Thời gian trước, thanh long ruột đỏ được các thương lái cũng như các nhà nhập khẩu Trung Quốc thu gom mạnh, nhưng gần đây họ đã ngưng mua. Vì vậy hàng ùn ứ tại các chợ đầu mối nhiều hơn so với trước, trong khi đó sức mua thì không mấy cải thiện”, anh Hòa nói.
Anh Thanh, tiểu thương tại chợ Thị Nghè (Bình Thạnh) cũng cho biết, ngoài việc trái cây được mùa, năm nay lượng trái cây ở khu vực phía Bắc cũng đổ dồn vào TP HCM với số lượng lớn. Đặc biệt là vải thiều, giá giảm mạnh cộng với tâm lý đám đông đua nhau mua khiến các loại trái cây khác muốn bán được phải đồng loạt giảm theo để kích cầu.
Tại chợ Bà Chiểu, lượng trái cây về chợ cũng tăng 20-30% so với bình thường, nhiều tiểu thương không chỉ bán ở sạp cố định mà còn bán cả ngoài trời.
Tại các hệ thống siêu thị, một số mặt hàng giảm từ 5.000-10.000 đồng một kg. Nhiều siêu thị hỗ trợ nông dân bằng cách thu gom với số lượng lớn và bán với giá ưu đãi.
Trao đổi với VnExpress.net, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết, năm nay lượng trái cây đổ về chợ tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Một đêm có hơn 2.000 tấn đổ về, đặc biệt thời gian gần đây 40% vải để xuất khẩu sang Trung Quốc quay đầu đổ dồn về TP HCM khiến lượng trái cây tăng đột biến. Thông thường, lượng trái cây và rau củ tại chợ này luôn cân bằng ở mức 50/50. Nhưng nay trái cây chiếm tới 70%.
“Nếu năm ngoái giá vải 30.000-40.000 đồng một kg thì nay chỉ còn 20.000-25.000 đồng một kg. Vì giá rẻ nên người dân cũng như tiểu thương đổ xô mua vải khiến cho một số mặt hàng trái cây khác ế ẩm nên dội chợ”, bà Hà nói.
Mặt khác, trái cây Việt Nam không dùng chất bảo quản như trái cây ngoại nên dễ hư hỏng. Vì vậy, khi sức tiêu thụ của các loại trái cây khác lép vế so với vải, buộc tiểu thương phải “bán đổ bán tháo” để tránh hư hỏng.
“Chưa có năm nào trái cây lại giảm mạnh như năm nay. Ngay cả một số trái cây ngon, lạ và hiếm cũng giảm giá mạnh”, bà Hà cho biết.
Bà Hà dẫn chứng, trước đây bòn bon luôn ở mức giá trên 50.000 đồng một kg, nay đã xuống còn 20.000 đồng. Chôm chôm Thái giá từ 20.000 đồng rớt xuống còn 11.000 đồng một kg. Xoài cát Hòa Lộc loại một thay vì 40.000-45.000 đồng, nay còn 30.000 đồng một kg. Ngay cả măng cụt cũng rớt 10.000 đồng xuống còn 20.000 đồng một kg.
Có thể bạn quan tâm

Theo ông Đào Văn Trí, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, hiện những bệnh trên tôm hùm ở các tỉnh miền Trung là do vi khuẩn và nấm gây ra – đây là những bệnh có thể điều trị được, do đó khi tôm có kích thước lớn bị những bệnh này vẫn có thể làm thực phẩm mà không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) cho biết, từ đầu năm 2013 tới nay, bệnh LMLM gia súc đã xảy ra tại huyện Cát Tiên và huyện Đơn Dương làm 431 con trâu bò của 137 hộ và 13 con heo của 6 hộ dân bị nhiễm. Cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy 30 con trâu bò (đã chết) và 45 con heo (13 con mắc bệnh và 32 con nuôi cùng chuồng).

Bệnh cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác xét nghiệm mẫu tôm, mẫu nước, đo các thông số môi trường ở các xã trọng điểm, cảnh báo những mầm bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong nuôi trồng thủy sản và đề xuất giải pháp khắc phục địch hại và ô nhiễm môi trường ở vùng nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản.

Trung tâm chẩn đoán Thú y T.Ư (thuộc Cục Thú Y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt tại xã Gia Thủy (huyện Nho Quan - Ninh Bình) là do vi rút gây bệnh xuất huyết mùa xuân (SCV) trên mẫu bệnh phẩm cá trắm cỏ tại cơ sở nuôi cá của anh Nguyễn Văn Kiên (xã Gia Thủy, Nho Quan).

Có thể so sánh mô hình nuôi trồng thủy sản kiểu mới này ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cũng giống như mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà ở các huyện trong tỉnh. Mô hình này có nhiều ưu điểm là ít vốn, an toàn, ăn chắc, bảo vệ môi trường, phù hợp với bà con nông dân khi không đủ vốn để nuôi tôm theo hướng công nghiệp.