Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trái Cây Đồng Nai Xuất Ngoại

Trái Cây Đồng Nai Xuất Ngoại
Ngày đăng: 12/02/2014

Từ cuối năm 2013 đến nay, một số loại trái cây của Đồng Nai đã ký được hợp đồng xuất khẩu. Cơ hội vẫn đang mở ra với nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất - kinh doanh trái cây.

Đến đầu tháng 2-2014, đã có 5 loại trái cây của Đồng Nai được xuất khẩu là: xoài, mít, chuối sấy, thanh long, sầu riêng. Nếu đảm bảo chất lượng, truy được nguồn gốc thì việc xuất khẩu có thể không chỉ dừng lại ở 5 loại trái cây trên.

* Thêm nhiều thị trường lớn

Trước đây, chỉ trái sầu riêng của Đồng Nai được Công ty phát triển công nghệ sinh học Dona-Techno (TX.Long Khánh) xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, thì nay đã có 5 loại trái cây của tỉnh xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Trong đó, với những thị trường khó tính trái cây Đồng Nai cũng đã bắt đầu xâm nhập và được chấp nhận.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) cho hay: “Trước đây, trái xoài tươi của HTX chỉ xuất khẩu được sang Trung Quốc với giá cao hơn chút đỉnh so với bán tại vườn. Nhưng từ đầu 2014, HTX đã ký được hợp đồng xuất khẩu xoài tươi sang Ukraine với giá cao gấp 2 lần. Mới đây, xoài sấy khô gửi qua châu Âu chào hàng đã được chấp nhận và HTX đang gấp rút chuẩn bị để ký hợp đồng”. Ngoài 2 thị trường lớn trên thì phía Dubai đang dự tính sẽ nhập khẩu xoài ba mùa mưa từ HTX xoài Suối Lớn.

Giám đốc Công ty TNHH trái cây Long Khánh - ông Huỳnh Văn Hải, chia sẻ: “Công ty vừa ký được hợp đồng xuất khẩu mít, thanh long sang thị trường Trung Quốc, số lượng 5 tấn/tuần. Sau vài đợt giao hàng, phía đối tác đề nghị nhập khẩu với số lượng lớn, song công ty chưa dám ký vì lo không đáp ứng đủ”. Ông Hải cũng cho biết thêm, có 3 công ty ở TP.Hồ Chí Minh muốn làm trung gian để xuất khẩu một số loại trái cây khác của Long Khánh ra nước ngoài, nhưng công ty chưa đồng ý vì muốn xuất khẩu trực tiếp.

Ngoài trái cây tươi, các loại trái cây sấy khô, nước trái cây cũng được nhiều doanh nghiệp nước ngoài “để mắt” tới.

* Lo quy định về xuất xứ

Hiện một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, EU... đặt vấn đề nhập khẩu trái cây từ Đồng Nai với giá cao gấp 1,5-2 lần so với thị trường trong nước, nhưng sản phẩm phải có chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và trái cây bảo quản đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển.

“Khó nhất của doanh nghiệp hiện nay không phải tìm thị trường mà là bảo quản sau thu hoạch. Trái cây muốn xuất khẩu phải bảo quản tươi trong vòng 10-15 ngày mà không được dùng các chất có hại” - ông Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Long Khánh khẳng định.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Giám đốc Công ty TNHH Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), bày tỏ: “Tôi ký hợp đồng xuất khẩu chuối sấy sang Nga, khối lượng 18 tấn/tháng. Và nước trái cây cũng là mặt hàng được nhiều nước ưa thích và đặt mua, song đều đòi hỏi truy được nguồn gốc của các loại trái cây dùng làm nước”.

Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại sản xuất Thuận Hương (huyện Định Quán), cho hay: “Công ty đang nhắm tới thị trường Mỹ, EU nhưng vướng phải yêu cầu trái cây làm nguyên liệu phải truy nguyên được nguồn gốc. Đây chính là hạn chế khiến trái cây sấy của công ty chưa vào được thị trường đầy tiềm năng này”.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại hệ thống Siêu thị BigC Việt Nam, cho biết Phòng thu mua và xuất khẩu BigC Việt Nam đặt tại Đồng Nai. Mục tiêu chính là tìm kiếm nguồn hàng Việt chất lượng cao, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước kiểm soát các quy chuẩn chất lượng và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp sang 9 nước trên thế giới thông qua hệ thống đại lý của Tập đoàn Casino. Trái cây là mặt hàng phòng thu mua đang nhắm tới để xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Bấp Bênh Nghề Nuôi Cá Nước Lạnh Bấp Bênh Nghề Nuôi Cá Nước Lạnh

Du nhập vào Việt Nam muộn (từ năm 2005), nhưng đến nay phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh ở 23 tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nghề này đang vấp phải rất nhiều khó khăn, nhiều nơi không thể duy trì nuôi như trước.

09/08/2012
Thái Lan Mua Gạo Việt Nam Để Xuất Khẩu Thái Lan Mua Gạo Việt Nam Để Xuất Khẩu

Nhu cầu nhập gạo trắng phẩm cấp thấp của khách châu Phi buộc các nhà xuất khẩu Thái Lan mua thêm hàng từ Việt Nam và Campuchia để đáp ứng. Lý do là nguồn cung gạo ở Thái Lan đang hạn hẹp do chương trình tạm trữ của chính phủ nước này.

10/08/2012
Người Nông Dân Và Cây Lúa Hôm Nay Người Nông Dân Và Cây Lúa Hôm Nay

“Được mùa rớt giá” cứ lập đi lập lại, nên dù là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới mà nông dân trồng lúa vẫn nghèo. Nghịch lý đó ai cũng thấy, nhưng không biết kéo dài đến bao giờ?

26/07/2013
Chuyển Hướng Khai Thác Cá Ngừ Chuyển Hướng Khai Thác Cá Ngừ

Ngày 9.8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội nghị chuyên đề tổ chức, khai thác, thu mua chế biến tiêu thụ cá ngừ.

11/08/2012
Công Bố Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Sóc Trăng Công Bố Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Ở Sóc Trăng

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành quyết định công bố dịch bệnh trên tôm nuôi tại 3 huyện, thị xã gồm: Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Đây là các đơn vị có tỷ lệ tôm bị bệnh và chết nhiều nhất tỉnh với hơn 50% diện tích thả nuôi. Trước khi công bố dịch ở 3 huyện, thị xã này, tỉnh Sóc Trăng cũng đã công bố dịch tại các xã Hòa Đông, Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu), Liêu Tú và Trung Bình (của huyện Trần Đề) và một số xã tại huyện Mỹ Xuyên.

15/08/2012