Trái cây đặc sản Việt vào Mỹ, Nhật

Từ đầu năm đến nay, nhiều cánh cửa của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, EU, Úc đã mở ra với hàng loạt trái cây đặc sản Việt Nam.
Mất năm năm chuẩn bị
Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thông tin Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật vừa thông báo sẽ mở cửa cho trái xoài cát chu của Việt Nam vào thị trường này từ ngày 17-9. Đây là trái cây tươi thứ hai của nước ta được xuất khẩu vào thị trường cao cấp này sau trái thanh long.
Để xoài vào được thị trường Nhật, theo ông Trung, các cơ quan chức năng của Việt Nam mất năm năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận. Chưa hết, trước khi vào Nhật, trái xoài còn bắt buộc phải xử lý bằng hơi nước nóng. “Đến nay đã có bốn nhà máy hơi nước nóng Việt Nam được phía Nhật kiểm tra, cấp mã số” - ông Trung cho hay.
Không chỉ xoài mà hàng loạt trái cây Việt Nam khác như vải, vú sữa, thanh long, nhãn… cũng đã được xuất sang Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand. Điển hình như trái vải thiều trước đây phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc thì năm nay bước đầu chinh phục được cả những thị trường rất khắt khe như Mỹ, Canada, Pháp… Đặc biệt, hơn 30 tấn vải thiều Việt đã “bay” sang Úc và bước đầu nhận được phản hồi tích cực của người tiêu dùng.
Tuy vậy, để trái cây vào được Úc không phải dễ. “Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Úc sẽ mở ra cơ hội mới cho một số loại trái cây khác như thanh long, nhãn, xoài…” - một chuyên gia nhận định.
Nhiều thị trường khác cũng khó tính không kém Úc. Chẳng hạn, để xuất khẩu trái nhãn vào thị trường Mỹ, nông dân tham gia vùng nhãn xuất khẩu bắt buộc phải sản xuất theo đúng quy trình, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để trái nhãn đồng đều, mẫu mã đẹp, an toàn.
Còn khiêm tốn
Trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 945 tấn trái cây sang thị trường cao cấp như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand… Con số này được xem là quá khiêm tốn so với tiềm năng xuất khẩu của trái cây ngon đặc sản Việt Nam và nhu cầu của nước nhập khẩu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) Nguyễn Văn Kỳ cho biết số lượng trái cây xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… hiện chỉ chiếm khoảng 2%-3% thị phần xuất khẩu.
Trên thực tế, có một số loại trái cây, doanh nghiệp Việt chỉ xuất khẩu được một vài đợt rồi… ngừng vì không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu. “Như trái thanh long nước ta chủ yếu xuất sang thị trường dễ tính như Trung Quốc với giá rẻ” - ông Kỳ dẫn chứng.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú, nguyên nhân số lượng trái cây đặc sản xuất khẩu không nhiều vì còn nhiều hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Nông dân vẫn còn thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện.
“Hạn chế nữa là nguồn nguyên liệu trái cây đặc sản cung ứng cho xuất khẩu không ổn định, lúc thừa lúc thiếu, thậm chí có khi không đủ xuất khẩu vào thị trường khó tính.
Chúng ta khuyến khích nông dân trồng trái cây theo các tiêu chuẩn quốc tế để xuất đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc nhưng bà con không mặn mà vì trồng theo tiêu chuẩn này khó hơn bình thường, trong khi doanh nghiệp lại thu mua giá không cao và không bao tiêu sản phẩm” - vị đại diện này chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, theo bà Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Thu, kích cỡ trái cây Việt Nam cũng chưa đồng đều.
“Nhiều thị trường mở cửa nhưng Việt Nam chỉ lo đi mở cửa mà quên chuẩn bị để khai thác, đưa hàng vào thị trường đó. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch của chúng ta vẫn lạc hậu. Ví dụ: Mỹ mở cửa cho trái vải nhưng vấn đề là công nghệ bảo quản cho trái vải từ nước ta sang Mỹ đến tay người tiêu dùng phải giữ được chất lượng, tươi ít nhất trong vòng một tháng thì hầu như chưa công ty nào có năng lực này” - bà Thu nói.
Quy hoạch cho từng thị trường
Bàn về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái ngon Việt vào thị trường khó tính, ông Lê Duy Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, phân tích dù xuất khẩu vào thị trường nào thì trái cây Việt cũng cần thực hiện cơ bản những biện pháp như diệt khuẩn, ruồi, nấm... bằng chiếu xạ, xử lý nhiệt.
Ông Minh nhấn mạnh: “Biện pháp lâu dài và cơ bản nhất để trái cây Việt Nam có thể xuất khẩu là phải trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản theo các tiêu chuẩn quốc tế như GlobalG.A.P.”.
Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng phải quy hoạch đồng bộ vùng nguyên liệu cho từng thị trường, từng hợp đồng xuất khẩu, đảm bảo xuất xứ địa lý của nhà vườn theo quy định. Mặt khác, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương và doanh nghiệp xây dựng các vùng sản xuất và cơ sở đóng gói đạt chuẩn cho từng loại trái cây.
Đa dạng thị trường
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng đầu năm nay đạt 1,1 tỉ USD, cao hơn cả năm 2014 (năm 2014 đạt 1,05 tỉ USD).
Khi Việt Nam ký kết hàng loạt hiệp định tự do thương mại, thuế nhập khẩu sẽ giảm đáng kể đối với các sản phẩm trái cây, rau và các loại hạt xuất khẩu. Đây là cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu, đa dạng thị trường.
Thiếu nhà máy chế biến
Không nên chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu trái cây tươi mà Việt Nam cần có cả các nhà máy chế biến những loại trái tươi không đúng kích cỡ thành sản phẩm đóng lon, đóng hộp, làm nước giải khát… Nhưng Việt Nam lại đang thiếu các nhà máy như vậy. Bà Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Thu
Có thể bạn quan tâm

Ngày 26.2, ông Nguyễn Văn Bùi - Chủ nhiệm HTX số 1 Nhơn Phú, TP Quy Nhơn, cho biết: Từ 25 tháng Chạp năm Giáp Ngọ 2014 đến mùng 5 tháng Giêng năm Ất Mùi 2015, khoảng 10 ha rau má đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng do không có người mua, nhiều hộ nông dân phải cắt bỏ, hoặc cho người cắt về cho bò ăn để làm lứa mới. Lượng rau má buộc phải cắt bỏ, cho bò ăn trị giá khoảng 100 triệu đồng.

Con đường dẫn vào Cù lao Bạch Đằng, một xã nông thôn mới của tỉnh Bình Dương nằm giữa sông Đồng Nai nối với bến bờ TX.Tân Uyên bằng cây cầu bê tông dịp tết này vui như hội. Trên con đường nhựa chạy vòng quanh xã cù lao với bốn bề sông nước bao bọc, đập vào mắt chúng tôi nào là điện, đường, trường, trạm…; đó đây nhà xây, nhà tường đỏ au mái ngói mọc lên ngày càng nhiều.

Nhiều năm qua, gần Tết Nguyên đán, các thương lái từ TP Hà Nội đưa xe tải vào thu mua. Nhiều diện tích bưởi đã được các thương lái mua hết cách đây vài tháng. Với những gia đình để bưởi đến thời điểm này mới bán, giá bưởi đạt từ 30.000 đến 35.000 đồng/quả. Trung bình mỗi cây bưởi cho thu hoạch khoảng 80 quả, thu nhập trên dưới 40 triệu đồng/sào, tương đương 800 triệu đồng/ha.

Về kế hoạch năm 2015, Tổng giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm chia sẻ, với nền tảng thị trường trong nước và xuất khẩu được công ty mở rộng trong năm 2014, định hướng năm 2015 Unifarm sẽ tiếp tục tập trung tăng diện tích trồng dưa, chuối… để đáp ứng nhu cầu của thị trường mà công ty đã mở rộng.

Hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân huyện cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang đã chuyển đổi hơn 2.000 ha lúa và vườn tạp kém hiệu quả sang trồng rau, màu, vườn cây ăn quả, ngoài tiêu dùng hàng ngày còn phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt trong đó có cây quýt đường cho hiệu quả kinh tế cao nhất, chỉ tính riêng vụ bán Tết Ất Mùi 2015 này, nông dân đã thu về lợi nhuận gần 70 triệu đồng/ha, làm tăng thêm vị ngọt từ cây quýt đường ở xã cù lao màu mỡ này.