Tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đạt 4,25 triệu tấn, tăng 3,0%

Đối với khai thác, trong tháng 8, thời tiết trên các vùng biển thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, các đối tượng cá nổi (cá nục, bạc má) xuất hiện nhiều ở khu vực vùng biển miền Trung, Đông Nam Bộ, trong khi giá bán hải sản nguyên liệu giảm nhẹ và giá dầu tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn cùng kỳ 2014 khoảng 8.670 - 8.850 đồng/lít (giảm 39,0%).
Do đó hầu hết tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển lớn, không có tình trạng tàu cá nằm bờ.
Sản lượng khai thác thủy sản tháng 8 ước đạt 254 nghìn tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ 2015), đưa tổng sản lượng khai thác 8 tháng năm 2015 đạt 1.978 nghìn tấn (tăng 4,4% so với cùng kỳ 2014), đạt 73,3% kế hoạch năm. Trong đó sản lượng khai thác hải sản 8 tháng đạt 240,2 nghìn tấn (bằng 104,9% so với cùng kỳ 2014).
Đối với nuôi trồng, sản lượng tháng 8 ước đạt 335 nghìn tấn, đưa tổng sản lượng nuôi 8 tháng đạt 2.269 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2014 và đạt trên 57,4% kế hoạch năm.
Cụ thể, diện tích nuôi tôm 8 tháng đạt 648.568 ha (bằng 99,1% so với cùng kỳ 2014), trong đó tôm sú đạt 583.776 ha (bằng 102,9% so với cùng kỳ 2014), tôm chân trắng đạt 64.792 ha (bằng 74,4% so với cùng kỳ 2014), sản lượng thu hoạch đạt 287.215 tấn (bằng 80,0% so với cùng kỳ 2014), trong đó tôm sú đạt 149.307 tấn (bằng 89,9% so với cùng kỳ), tôm chân trắng đạt 137.908 tấn (bằng 71,5% so với cùng kỳ 2014).
Trong tháng 8, giá tôm sú nguyên liệu cơ bản ổn định ở mức 240.000 - 260.000 đồng/kg, tuy nhiên thấp hơn cùng kỳ 2014 từ 15.000 - 20.000 đồng/kg tùy loại và địa phương, giá tôm chân trắng có xu hướng tăng nhẹ (2.000 - 5.000 đồng/kg) vào cuối tháng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2014 từ 18.000 - 35.000 đồng/kg.
Tính đến hết tháng 8/2015, diện tích nuôi cá tra (bao gồm cả diện tích nuôi năm 2014 chuyển sang) đạt 3.878 ha (bằng 100,9% so với cùng kỳ 2014), sản lượng thu hoạch đạt 668.369 tấn (bằng 105,9% so với cùng kỳ). Giá nguyên liệu tại ao nuôi trung bình 20.128 đồng/kg (giảm 1.666 đồng/kg so với cùng kỳ 2014).
Về vấn đề thị trường, trong tháng 8 tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm sụt giảm do tôm chân trắng Việt Nam không cạnh tranh được với tôm các nước khác, giá tôm sú cao nhưng sản lượng giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu nhà nhập khẩu. Ước tính, giá trị xuất khẩu tôm 8 tháng giảm 700 triệu USD so với cùng kỳ 2014.
Tại cuộc họp Giao ban tháng 8, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng Vũ Văn Tám đã chỉ đạo các đơn vị tập trung giải quyết khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Cụ thể: Vụ Nuôi trồng thực hiện rà soát số liệu thống kê, đặc biệt trong nuôi tôm, tổ chức hội nghị chuyên đề về mô hình tôm-lúa, quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào, phối hợp với cục Thú y (Bộ NN và PTNT) trong kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục thực hiện đề án quan trắc cảnh báo môi trường, Nghị định 36…
Trong lĩnh vực khai thác, thực hiện sửa đổi bổ sung Nghị định 67, bám sát việc triển khai dự án đóng tàu, có giải pháp đối với nghề lưới rê…
Đối với thị trường xuất khẩu, Tổng cục trưởng yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế phối hợp VASEP tháo gỡ khó khăn về thị trường, tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cuối năm…
Có thể bạn quan tâm

Niên vụ cà phê 2014/15 đã thu hoạch xong và tin không vui: Sản lượng giảm trên 20% so với niên vụ trước. Các tỉnh Tây Nguyên phải đối mặt với nguồn nước bị thiếu hụt nghiêm trọng, một vài nơi có mưa nhưng lượng mưa thấp hơn từ 10 - 30%.

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Đại sứ quán Belarus tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Belarus nhằm tăng cường hợp tác thương mại giữa hai nước với sự tham gia của đoàn 7 doanh nghiệp Belarus.

Ngày 14/5 tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị quốc tế ngành Công nghiệp thực phẩm Việt Nam lần thứ hai (Food Vietnam 2015). Hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức, dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương.

Tại Hội nghị Bàn các giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ rau quả, trái cây theo hướng bền vững do Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, mặc dù có tiềm năng lớn, song chất lượng rau quả của Việt Nam chưa kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích tăng trưởng vẫn diễn ra phổ biến.

Do dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng năng suất cao nên nhà vườn miền Tây đua nhau tăng diện tích trồng ổi, dẫn đến bí đầu ra như hành tím Vĩnh Châu.