Tôm Việt đuối theo tỷ giá

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú than thở, 6 tháng đầu năm tôm xuất khẩu của Việt Nam giảm giá mạnh nhưng vẫn cao hơn các nước trong khối ASEAN khoảng 10 - 20%. Đây chính là thách thức lớn nhất khiến thời gian qua sản lượng tôm xuất sang các nước trong khối châu Âu giảm mạnh. Đặc biệt, tại Minh Phú tôm xuất sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng xuất tôm sang thị trường châu Âu, một doanh nghiệp ở An Giang cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, xuất khẩu của công ty ông giảm tới 20% về doanh số do gặp nhiều bất lợi về tỷ giá, thị trường tiêu thụ chậm.
“Nếu những năm trước, Nhật Bản, châu Âu tăng nhập hàng Việt Nam thì năm nay họ chuyển hướng sang Ấn Độ, Indonesia. Nếu tình trạng phá giá đồng tiền của Trung Quốc và Indonesia ngày càng gay gắt thì nguy cơ hàng của công ty xuất ngoại có thể giảm tới 50%”, giám đốc công ty này cho biết.
Lý giải cho nguyên nhân giá tôm Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực 10 - 20%, ông Quang cho hay, giá thành nguyên liệu, giá nhân công, chi phí đầu vào như điện, nước tăng nhanh và cao.
“Cụ thể, tại nhà máy của tôi ở Cà Mau giá nhân công luôn ở mức 5,5 - 6 triệu đồng một tháng một người, trong khi đó, tại Thái Lan, đối với khu vực ngoại thành chỉ 180 USD, tương đương 3,8 triệu đồng, còn trong nội thành giá cao nhất là 250 USD (khoảng 5,3 triệu đồng). Nếu chúng tôi trả lương cho công nhân mà chênh nhau 50.000 - 100.000 đồng là họ bỏ công ty ngay”, ông Phú dẫn chứng.
Ngoài ra, vị này cũng cho biết, theo quy định của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, cả doanh nghiệp và người lao động phải có trách nhiệm đóng. Nhưng tại công ty ông, doanh nghiệp phải đóng 100%, nếu trừ vào lương của công nhân họ sẽ bỏ việc. Thêm vào đó, doanh nghiệp còn phải trả khoản tiền xã hội, kinh phí công đoàn cho người lao động.
Cùng với chi phí đầu vào cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, ông Quang cho biết còn bị cạnh tranh gay gắt bởi tỷ giá. 6 tháng đầu năm nay các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia đua nhau phá giá đồng tiền. Đặc biệt là tại Indonesia, nước này đã phá giá tới 28%, khiến giá sản phẩm Việt không thể đuổi kịp.
Xác nhận xuất khẩu tôm năm nay khó khăn hơn rất nhiều so với năm ngoái, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, nếu cố gắng thì kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm cũng sẽ chỉ đạt 3,2 tỷ USD, giảm khoảng 900 triệu USD so với năm ngoái (4,1 tỷ USD).
Ông Hòe cũng lý giải, thời gian qua do biến động của tỷ giá, tại Nhật đồng yen mất giá nhiều so với đôla Mỹ khiến giá xuất khẩu sang thị trường này giảm kéo kim ngạch giảm theo.
“Sáu tháng cuối năm, dưới tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ khiến biến động tỷ giá cũng sẽ lan sang nhiều nước trong khu vực. Điều này khiến tôm Việt càng khó cạnh tranh về giá so với các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador…”, ông Hòe nói.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tôm cả nước 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,3 tỷ đôla Mỹ, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 741 triệu đôla, còn lại là tôm sú.
Trong 6 tháng, tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 262,7 triệu USD, giảm 50,2% so với cùng kỳ 2014 - mức giảm mạnh nhất trong số 3 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Nguyên nhân là do nhu cầu tôm ở Mỹ thấp vì lượng hàng tồn kho năm 2014 của nước này ở mức cao. Ngoài ra, đồng USD tăng giá mạnh so với các tiền tệ khác khiến các nước xuất khẩu đổ xô vào thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho các nhà nhập khẩu Mỹ “ép giá” tôm Việt Nam. Giá trung bình tôm nhập khẩu vào Mỹ giảm ngay từ tháng đầu năm và hiện giữ ở mức khoảng 10 USD một kg.
Còn tại thị trường Nhật, nơi Việt Nam đứng số một về lượng hàng xuất khẩu năm nay, cũng giảm nhập hàng để tăng hàng Ấn Độ và Indonesia. Báo cáo của Vasep cho thấy, tôm Việt xuất sang Nhật đạt 252,9 triệu USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, giá tôm ViệtNam tại thị trường này giảm tới 16,7%, trong khi đó, các nước trong khu vực chỉ giảm 1 - 2%. Thế nhưng, giá tôm Việt Nam bán ra vẫn cao hơn các nước trong khu vực 5 - 10%, ở mức 11 USD một kg, trong khi các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ chỉ dưới 10 USD một kg.
Có thể bạn quan tâm

Tổng Cục Thủy sản vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam”. Đây là dịp để những người làm công tác quản lý liên quan đến nguồn lợi thủy sản của các địa phương trao đổi, thảo luận về việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nuôi thủy sản tốt Việt Nam) trong nuôi trồng thủy sản.

Năm 2030, ngân hàng thế giới (WB) dự kiến Châu Á chiếm 70% nhu cầu thủy sản. Báo cáo của Viện Tài nguyên Thế giới chỉ ra sản lượng thủy sản toàn cầu cần gấp đôi để đáp ứng nhu cầu trong đó tăng trưởng bền vững sản lượng nuôi và các trại nuôi cũng rất quan trọng.

Có thể nói, 2014 được xem là năm nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế tỉnh ta. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011- 2013 đạt thấp so với mục tiêu kế hoạch, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hạn chế, nợ đọng trong xây dựng cơ bản nhiều…

Vừa qua, tại TP. Sóc Trăng, Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFISH) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam” nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất để phát triển VietGAP trong nuôi trồng thủy sản.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng Lại Thế Hưng cho biết các dấu hiệu cho thấy cây cà phê bị nhiễm nấm hồng (Corticium salmonicolor) do sau một thời gian Lâm Đồng có mưa kéo dài và lượng ánh sáng mặt trời giảm mạnh. Cà phê bị nhiễm nấm hồng không thể chữa được mà chỉ có thể cắt cành để hạn chế lây lan.