Tôm Thẻ Chân Trắng Lột Xác Ngoạn Mục

Kịp thời nắm bắt cơ hội, bù đắp vào sản lượng tôm sụt giảm tại nhiều nước do dịch bệnh, Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tôm và lần đầu tiên, tôm thẻ chân trắng đã “lột xác” ngoạn mục, vượt tôm sú cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Năm 2013 ghi nhận một năm thắng lợi của xuất khẩu thủy sản khi tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng và vị trí của các đối tượng chủ lực, trong đó tôm thẻ chân trắng đã góp phần tạo nên sự thay đổi ấn tượng, qua đó nâng giá trị xuất khẩu tôm cả năm 2013 đạt 2,5 tỷ USD, tăng gần 33% so với năm 2012 và chiếm đến 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Nhận định về kết quả này, Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá cao sự nỗ lực của toàn ngành, sự cần cù, sáng tạo của người nuôi tôm và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đến sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các cơ quan quản lý.
Trong năm 2013, trước việc Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ (COGSI) đệ đơn lên Bộ Thương mại Mỹ đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước trong đó có Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đã tích cực tham gia và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng, đặc biệt là phối hợp cùng Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương trong việc cung cấp thông tin, chuẩn bị các phương án ứng phó với vụ kiện này.
Cùng với việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ sau đó (20/9/2013) đã khẳng định sản phẩm tôm Việt Nam không bán phá giá, kết hợp cùng khả năng nhạy bén, chủ động nắm bắt tình hình, người nuôi tôm, doanh nghiệp xuất khẩu đã nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất tôm thẻ chân trắng ngay khi nguồn cung trên thị trường thế giới có nguy cơ mất cân đối do sản lượng tôm tại các nước sản xuất tôm chính như: Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Malayxia, Mexico giảm mạnh. Đây cũng là những nhân tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để xuất khẩu tôm có đà bứt phát trong những tháng cuối năm.
Với những diễn biến thuận lợi của tôm thẻ chân trắng, để tiếp tục đa dạng giống nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường và giảm thiểu rủi ro, ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục quản lý, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ.
Theo đó, một mặt xây dựng nhanh chương trình tôm chân trắng bố mẹ sạch bệnh, mặt khác quản lý chặt việc nuôi đúng quy hoạch, phát triển tôm thẻ chân trắng bán thâm canh và thâm canh ở các vùng nuôi có đủ điều kiện. Ông Điền cũng cho biết, sẽ tăng cường biện pháp quản lý giống, nhất là kiểm tra nguồn gốc xuất xứ giống tôm bố mẹ nhập khẩu ở các nước như Singapore, Thái Lan, Indonexia… kết hợp kiểm soát chặt chẽ việc già hóa tôm bố mẹ chân trắng trong nước. Theo lộ trình, năm 2014, Tổng cục Thủy sản sẽ khẩn trương xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chương trình nghiên cứu để chủ động sản xuất được giống bố mẹ tôm thẻ chân trắng.
“Bên cạnh các giải pháp đồng bộ nói trên, ngành thủy sản cũng khuyến cáo các địa phương phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở mức độ vừa phải với mức tăng sản lượng 20 – 30% là hợp lý, tránh phá vỡ quy hoạch; không chỉ đảm bảo sản lượng mà còn phải đảm bảo giá trị gia tăng bền vững”- ông Nguyễn Huy Điền nhấn mạnh.
Năm 2013 diện tích nuôi tôm cả nước đạt 666 nghìn ha, tăng 1,6% so với năm 2012 với sản lượng đạt 548 nghìn tấn, trong đó riêng tôm thẻ chân trắng đã đạt 66 nghìn ha với sản lượng 280 nghìn tấn, tăng 57,9% diện tích và 50,5% sản lượng.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt trên 254 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mùa hoa quả chín thì ai cũng mong, chứ “mùa tôm chín” thì chẳng ai đợi chờ. Ấy thế nhưng, dù không mong đợi, “mùa tôm chín” lại “vẫn về” với Tiên Yên (Quảng Ninh).

Mít Thái Lan siêu sớm là cây trồng cho trái quanh năm với năng suất, lợi nhuận cao; còn mai vàng là cây trồng “không thể thiếu” trong những ngày “năm hết tết đến”. Nắm bắt cơ hội này, nhiều nông dân tại TX Bình Minh (Vĩnh Long) đã vươn lên làm giàu nhanh chóng nhờ trồng mai vàng xen mít Thái Lan siêu sớm.

Sau thiệt hại từ dịch bệnh chổi rồng trên nhãn, nhiều nhà vườn của huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã tìm giống cây trồng khác tiếp tục canh tác. Trong đó, cây ổi lê Đài Loan (còn gọi là ổi lê) được nhiều nhà vườn chọn.

Lượng khai thác ổn định là do hằng năm ngành Thủy sản thả bổ sung từ 800.000 đến 1 triệu con cá cho hồ Dầu Tiếng. Mặt khác, ngành thường xuyên thực hiện công tác phối hợp tuyên truyền, kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng và sông Vàm Cỏ Đông, kịp thời xử lý vi phạm nên sản lượng khai thác ổn định.