Tôm Thẻ Chân Trắng Chết Hàng Loạt

Hơn 10 ngày trở lại đây, nhiều hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn hai huyện Cần Đước, Long An có số lượng tôm thẻ chết hàng loạt khiến hơn 30% diện tích nuôi tôm của hai huyện này tạm thời bị bỏ không, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trạm khuyến ngư vùng Hạ thuộc Chi cục thủy sản Long An, từ tháng 1 đến nay, tôm thẻ chân trắng của nhiều hộ nuôi tôm tại Cần Đước bắt đầu bị chết do nhiễm bệnh đốm trắng. Qua tháng 2 lượng tôm thẻ chân trắng của nhiều hộ nuôi bị chết tăng mạnh, và gần như lứa nuôi vào tháng 1 đã chết gần hết.
“Nguyên nhân ban đầu được chúng tôi xác định là do nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm, trong khi bà con nông dân lâu nay có tập quán nuôi tôm thường lấy nước trực tiếp từ sông Vàm Cỏ mà không qua hệ thống ao lắng nên gây chết tôm hàng loạt”, bà Vân cho biết.
Ngoài ra, do năm 2010, nhiều hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận cao, từ 45-50 triệu đồng/héc ta (sau 2 tháng nuôi) nên sang năm 2011 người dân chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng.
Số liệu thống kê của Trạm khuyến ngư vùng Hạ cho thấy, năm 2010 có gần 80% diện tích nuôi tôm sú, 20% nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng sang năm 2011 có gần 80% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vì thời gian nuôi tôm thẻ chân trăng ngắn mà lợi nhuận lại cao hơn.
Ông Bảy Bé, ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh, xã có gần 550 héc ta nuôi tôm thẻ, chiếm 60% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Cần Đước cho biết, trong 10 ao nuôi tôm (có diện tích từ 0,5 -0,65 héc ta) thì có đến 5 ao nuôi tôm chết hàng loạt, tổn thất từ con giống, công lao động, thức ăn vào khoảng 10-15 triệu đồng/ao.
Theo ông Bé, chưa có năm nào mà nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao như năm nay. Ban ngày nhiệt độ ở mức 30-32 độ C nhưng ban đêm xuống còn 19-20 độ C. Với sự chênh lệch nhiệt độ lớn như vậy khiến tôm thẻ chân trắng (dưới 20 ngày nuôi) bị sốc và kèm theo nguồn nước đang có dấu hiệu ô nhiễm nên tôm thẻ chết hàng loạt. Theo cán bộ khuyến nông xã Tân Chánh, hiện có khoảng 40% diện tích nuôi tôm thẻ bị bệnh trên tổng diện tích đã thả.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trạm khuyến ngư vùng Hạ thuộc Chi cục thủy sản Long An, do lợi nhuận cao từ nuôi tôm thẻ chân trắng khiến số lượng hộ dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trong năm nay quá lớn, nhiều hộ dân lại không nghe theo khuyến cáo của trung tâm khuyến ngư nên thả tôm giống với một lượng dày đặc, trên 70 con/mét vuông, trong khi, đạt tiêu chuẩn là từ 40-50 con/mét vuông. Vì thế, tôm thẻ chân trắng không có không gian để sống nên tôm chết hàng loạt.
Theo bà Vân, hai huyện Cần Đước, Cần Giuộc có diện tích nuôi tôm lớn nhất Long An, vào lúc cao điểm có tổng diện tích lên đến 4.000 héc ta. Nhưng vài năm trở lại đây, các khu công nghiệp Phước Đông, Tân Lập, Tân Chánh được mở ra nên nhiều diện tích nuôi tôm chuyển sang làm khu công nghiệp. Cụ thể, vào năm 2005 Cần Giuộc có 2.200 héc ta nuôi tôm thì nay còn lại khoảng hơn 610 héc ta. Còn diện tích nuôi tôm của Cần Đước là 1.100 héc ta, giảm 300 héc ta.
“Những kết quả quan trắc môi trường nước trên sông Vàm Cỏ, sông cung cấp nguồn nước chính cho nuôi tôm ở Cần Đước, Cần Giuộc đang có dấu hiệu bị ô nhiễm vì hứng chịu một lượng nước thải từ các khu công nghiệp nói trên. Có thể, 2 năm nữa, nguồn nước trên sông Vàm Cỏ không còn phù hợp để nuôi tôm”, bà Vân lo lắng.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thêm nguồn thu cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo ở địa phương, trong đó, mô hình nuôi ếch đầu tư ít, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, đang ngày càng có nhiều nông dân áp dụng.

Đợt rầy này đang nở trên lúa thu đông trong giai đoạn đứng cái, trỗ đòng. Mật số rầy trung bình 1.500 - 3.000 con/m2, có nơi mật số cao 6.000 - 7.000 con/m2, cá biệt một số nơi lên đến hơn 10.000 con/m2.

Mô hình nuôi tôm càng xanh huyện Tam Nông dần mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều địa phương nhân rộng. Tuy nhiên, trong 2 năm nay chất lượng nguồn tôm giống đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, năng suất sau thu hoạch. Vì vậy, nhu cầu có trạm cung cấp giống chất lượng là chất xúc tác mạnh để mô hình giàu tiềm năng tiếp tục phát huy hiệu quả...

Nếu có dịp tham quan Vịnh Hạ Long, du khách hãy thử một lần theo tàu ra thăm ngư trường nuôi trai cấy ngọc trên biển Hạ Long (nằm ở khu vực gần hang Bồ Hòn), chắc chắn bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng thích thú bởi không chỉ vì cảnh đẹp nơi này mà còn có cơ hội tìm hiểu thêm về công việc nuôi trai cấy ngọc...

Hiện giá lợn hơi chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, trung bình người chăn nuôi lỗ gần 10.000 đồng/kg lợn hơi. Đối với gà lông, giá cũng giảm từ 10.000 đồng tới 12.000 đồng/kg. Giá sản phẩm chăn nuôi của chúng ta đang thấp hơn Thái Lan từ 5000 - 6000 đ/kg; Trung Quốc gần 10.000 đ/kg.