Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tôm Sú - Tôm Thẻ Chân Trắng Cuộc Chiến Giá Cả

Tôm Sú - Tôm Thẻ Chân Trắng Cuộc Chiến Giá Cả
Ngày đăng: 29/08/2014

Trong 3 tháng qua, giá tôm nước lợ tại Tiền Giang liên tục biến động bất thường với biên độ dao động 30.000-50.000 đồng/kg khiến “câu chuyện giá tôm” trở thành chủ đề được bàn luận sôi nổi.

Hơn 1 tuần nay, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng lại tiếp tục tăng - giảm theo hướng trái chiều nhau với mức chênh lệch 5.000-15.000 đồng/kg. Đáng lưu ý là, gần đây giá tôm cỡ nhỏ có xu hướng tăng so với tôm cỡ lớn.

Giá tôm biến động bất thường

Những ngày này, các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ tôm chính trong năm. Do đó, cứ đi vào vùng nuôi tôm ở địa phương này thì câu chuyện được nông dân bàn tán sôi nổi nhất vẫn là sự biến động của giá.

Ông Nguyễn Văn Năm ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) cho biết, trong tháng 5 vừa rồi, giá tôm sú nguyên liệu loại 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 250.000 - 280.000 đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg có giá 280.000 - 300.000 đồng/kg; tính ra giá tôm sú trong tháng 5 tăng 50.000 đồng/kg so với tháng 4.

Với giá tôm sú thời điểm này, nếu có tôm thu hoạch, nông dân lời trên 600 triệu đồng/ha với năng suất bình quân 5 tấn/ha do giá thành sản xuất tôm chỉ khoảng 120.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bước vào giữa tháng 6, giá tôm sú bất ngờ giảm tới 100.000 đồng/kg, rồi tăng trở lại khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg ngay trong tuần sau đó và duy trì ổn định đến cuối tháng 7. Thời điểm này, giá tôm sú loại 40 con/kg được thương lái thu mua với giá 190.000-200.000 đồng/kg, còn tôm sú loại 30 con/kg có giá 230.000 - 250.000 đồng/kg.

Đến cuối tháng 7, giá tôm tiếp tục giảm 20.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 220.000-230.000 đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg giá 170.000-180.000 đồng/kg.

Trái với tâm trạng của nông dân nuôi tôm sú, người nuôi tôm thẻ chân trắng đang chuyển từ tâm trạng buồn sang vui do giá tôm thẻ liên tục tăng trong 3 tuần đầu tiên của tháng 6 với tổng mức tăng khoảng 30.000 đồng/kg, rồi ổn định đến cuối tháng 8.

Cuối tháng 5 vừa qua, ông Lê Thanh Phong ở xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) cứ lắc đầu nhìn những ao tôm của mình khi gặp chúng tôi do giá tôm thời điểm đó chỉ nằm ở mức 70.000-73.000 đồng/kg, bằng giá thành sản xuất trong điều kiện tôm nuôi phát triển thuận lợi, không bị dịch bệnh, trường hợp tôm chậm lớn hay bị dịch bệnh thì coi như lỗ nặng. Còn hơn 1 tháng nay, ông Phong trở nên phấn khởi hơn do giá tôm thẻ chân trắng đã tăng vọt trở lại.

Với diễn biến giá tôm thời gian qua, thậm chí bà con nuôi tôm chỉ cần thu hoạch tôm sớm hay muộn vài ngày là 1ha mặt nước có thể mất hay lãi thêm vài chục triệu đồng.

Ông Lê Văn Bình ở xã Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) cho biết: “Giữa tháng 7, ao tôm thẻ chân trắng của gia đình tôi có dấu hiệu bệnh phải thu hoạch sớm nên tôm bán thời điểm này chỉ có giá 85.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg. Nếu tôm phát triển suôn sẻ, chỉ cần kéo dài thời gian nuôi thêm 1 tuần nữa thì tôi bán được với giá trên 100.000 đồng/kg”.

Tôm cỡ nhỏ có lợi về giá

Những ngày đầu tháng 8, giá tôm lại tiếp tục biến động nghịch chiều, trong đó giá tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ đều có giá biến thiên theo chiều hướng ổn định hoặc tăng, còn tôm sú cỡ lớn lại tiếp tục giảm mạnh.

Ông Phan Văn Hoàng ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) cho biết, mấy ngày qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng được thương lái thu mua với giá tăng giảm ngược nhau, trong đó giá tôm cỡ nhỏ có xu hướng tăng.

Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg giá 210.000-215.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg nhưng tôm sú loại 40 con/kg vẫn ổn định ở mức 170.000-180.000 đồng/kg. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 105.000-110.000 đồng/kg, tôm cỡ 60 con/kg có giá 130.000-135.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước.

Theo ông Hoàng, giá thành nuôi tôm sú ở địa phương này khoảng 125.000 đồng/kg, nên với mức giá như hiện nay, bà con lãi từ 45.000-90.000 đồng/kg, tương ứng với 200-450 triệu đồng/ha (tùy theo kích cỡ tôm thu hoạch và năng suất) trong thời gian nuôi 4-5 tháng. Trong khi đó, giá thành nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ khoảng 70.000 đồng/kg, năng suất cao gấp đôi so với tôm sú, nên với giá tôm hiện nay, bà con có thể lãi 350-650 triệu đồng/ha trong thời gian nuôi khoảng 2,5-3 tháng.

Gần 1 tháng nay, ông Phong rất phấn khởi do giá tôm tăng vọt lên mức 105.000 - 110.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg, còn tôm thẻ loại 60 con/kg có giá 120.000 - 125.000 đồng/kg. Chỉ vào những ao tôm với vẻ mặt rạng rỡ, ông Phong nói: “Lúc trước tôi tưởng đâu những ao tôm này cao lắm chỉ lời vài chục triệu đồng, nhưng với giá tôm hiện nay là lãi khá rồi. Hiện 1kg tôm lãi khoảng 30.000 đồng thì với năng suất tôm bình quân 10 tấn/ha có thể đạt lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha”.

Ông Phan Hữu Hội, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cho biết, sự tăng hay giảm của giá tôm là vấn đề được nông dân quan tâm nhất trong thời điểm này.

Bởi vì, giá tôm trong gần 3 tháng qua biến động rất mạnh nên chỉ khi đã thỏa thuận giá và thương lái bắt tôm xong thì bà con mới biết hiệu quả kinh tế vụ tôm này như thế nào. Mặc dù vậy, giá tôm từ đầu năm đến nay cũng nằm ở mức có lợi cho nông dân, trừ thời điểm đầu tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng nằm ở mức bằng giá thành sản xuất.

“Hơn 1 tuần nay, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng lại tiếp tục biến động theo hướng trái chiều nhau với mức chênh lệch 5.000-15.000 đồng/kg. Đáng lưu ý là giá tôm cỡ nhỏ có xu hướng diễn biến theo hướng tốt hơn tôm cỡ lớn. Nguyên nhân có thể do diện tích và sản lượng thu hoạch tôm sú tại các vùng nuôi tôm có sự tăng giảm theo từng thời điểm phụ thuộc vào biến động giá tôm trên thị trường”, ông Hội nhận định.


Có thể bạn quan tâm

Kết Quả Bước Đầu Của Chương Trình Quản Lý Lợn Đực Giống Kết Quả Bước Đầu Của Chương Trình Quản Lý Lợn Đực Giống

Nhằm nâng cao chất lượng đàn lợn đực giống, từng bước cải thiện chất lượng đàn lợn của tỉnh, phòng chống, hạn chế dịch bệnh tốt hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thì một trong những giải pháp mang tính chiến lược và quyết định là vấn đề quản lý lợn đực giống.

10/11/2014
Mô Hình Nuôi Giun Quế Mô Hình Nuôi Giun Quế

Vừa qua, chúng tôi được cán bộ Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Mường Ảng đưa đi tham quan mô hình nuôi giun quế của ông Quàng Văn Tây, bản Bua 2, xã Ẳng Tở. Đây là một trong những mô hình được Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đầu tư giống giun quế ban đầu.

15/11/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Trồng Xen Canh Tại Huyện Lấp Vò Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Trồng Xen Canh Tại Huyện Lấp Vò

Khai thác tốt tiềm năng đất đai trong trồng trọt và chăn nuôi đã giúp nhiều nông dân huyện Lấp Vò tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Điển hình như hộ ông Phạm Quang Tuyến ở ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung với mô hình nuôi cá lóc, cá thác lác cườm kết hợp trồng xen canh mít thái trên bờ ao đem lại hiệu quả kinh tế cao.

15/11/2014
Hiệu Quả Thực Hiện Đề Án Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Yên Lập Hiệu Quả Thực Hiện Đề Án Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Yên Lập

Điển hình là dự án phát triển sản xuất thâm canh lúa nếp gà gáy Mỹ Lung thành vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện năm 2009 - 2011; mô hình gieo trồng giống lúa (N ưu 838, N ưu 7), 2 giống ngô lai NK 4.300 và DK 9955 và một số mô hình của giống lúa, ngô khác đã được khảo nghiệm trong 4-5 năm trở lại đây…

10/11/2014
40 Ngư Dân Sắp Được Vay Vốn Để Đóng Mới Tàu Cá 40 Ngư Dân Sắp Được Vay Vốn Để Đóng Mới Tàu Cá

Ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đã thống nhất phê duyệt danh sách 40 ngư dân được vay vốn ngân hàng đợt 1 năm 2014 để đóng mới tàu cá theo chủ trương của Chính phủ. Đây là những ngư dân đầu tiên chuẩn bị được vay vốn theo Nghị định 67…

15/11/2014