Tôm sú đầm nhà Mạc

Năm 1995, một người dân ở Liên Vị, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) là ông Đỗ Hữu Tờ, đã mạnh dạn lặn lội vào tận miền Trung học cách nuôi tôm sú và cũng chỉ nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Từ mô hình nuôi tôm sú này, dần dần nhiều người dân ở Liên Vị đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Khu vực nuôi tôm sú nhiều nhất là khu đầm nhà Mạc. Trải qua nhiều năm thăng trầm, lúc lên, lúc xuống, con tôm sú ở đầm nhà Mạc trở nên gắn bó, thành thương hiệu của vùng đất này. Với kinh nghiệm nuôi tôm sú hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Nhân, người dân xóm Quán ở Liên Vị, tâm sự: “Mấy năm nay, tôm sú được giá nên bà con nông dân ở Liên Vị càng nuôi nhiều hơn. Gia đình tôi có một đầm nuôi tôm tại khu đầm nhà Mạc, với diện tích 70ha. Con tôm với chúng tôi như một giống vật nuôi chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế rất cao…”.
Đầm nhà Mạc nằm trên địa bàn các xã, phường Liên Vị, Liên Hoà, Yên Hải, Phong Cốc (TX Quảng Yên). Khu đầm được bao quanh bởi những con sông chảy ra biển. Từ đó, hệ sinh thái rất đa dạng, phù hợp cho các loại thực vật ven biển phát triển như các loại cây sú, đước, đâng, vẹt mắm v.v.. Đây chính là “ngôi nhà” lý tưởng của loại động vật như tôm, cua, cá; nhất là con tôm sú…
Những năm gần đây, nhờ ứng dựng khoa học kỹ thuật hợp lý, thêm vào đó là con giống có chất lượng tốt, nên con tôm sú ở đầm nhà Mạc càng phát triển mạnh hơn, đạt năng suất cao. Anh Nguyễn Văn Nhân cho biết thêm: “- Năm 2015, tôi sang tận trại giống thuỷ sản bên Hải Phòng mua con giống về nuôi tại đầm. Khởi đầu là 4 triệu con tôm giống nuôi từ tháng 5, chỉ khoảng tháng 8 này là có thể thu hoạch được. Tôm sú nuôi không mấy vất vả, nhưng đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, thường xuyên kiểm tra môi trường nước và độ mặn. Tôm sú thường mắc một số bệnh như thân đỏ đốm trắng, bệnh đầu vàng (YHVD), bệnh Monodon Baculovirus (MBV). Trong quá trình nuôi cần rất chú ý tới các loại bệnh này ở tôm…”.
Cũng như gia đình anh Nhân, năm nay gia đình anh Vũ Văn Thụ cũng có tới 40ha nuôi tôm sú đang vào mùa thu hoạch. Anh Thụ cho biết: “Gia đình tôi mới nuôi tôm sú được hơn một năm nay. Với 150 vạn con giống nuôi từ tháng 5 đến nay là tháng 8, con tôm sú phát triển bình thường không có dịch bệnh. Tôi đang thu hoạch những lứa tôm đầu tiên. Một ngày tôi thu hoạch từ 70 - 80kg tôm sú…”.
Nhờ nuôi tôm sú mà người dân Liên Vị nói nói riêng, TX Quảng Yên nói chung, đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tôm sú đầm nhà Mạc đang là một nguồn lợi thuỷ sản quý với TX Quảng Yên, càng ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường khu vực.
Được biết, con tôm sú ở Quảng Yên đang được dự tính sẽ là nguồn hàng xuất khẩu trong nay mai…
Có thể bạn quan tâm

Thời gian gần đây, việc nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên phải đối mặt với nhiều khó khăn, diện tích ao đìa nuôi trồng thủy sản của năm 2012 chỉ 2.635 ha, giảm 12% so với năm 2011; sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 7.934 tấn, giảm 20%, do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Ngày 4-7, ông Nguyễn Văn Thành, nông dân nuôi cá điêu hồng ở phường Tân Long, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, giá cá điêu hồng đã tăng lên 42.500 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 18.000 đồng/kg; cá điêu hồng giống cũng có giá từ 30.000 - 41.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).

Nằm trong dự án phát triển nông thôn trong giai đoạn hiện nay, xã Hùng Lô được UBND thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đầu tư dự án nuôi thí điểm gà ri lai thả đồi, vườn. 35 hộ trải đều ở 10 khu dân cư trong xã được lựa chọn mô hình nuôi gà thí điểm, đó là những hộ có diện tích đồi, vườn phù hợp, có nhân công lao động, nhiệt huyết chăn nuôi, kinh tế ổn định. Với tổng đàn 7000 con gà 1 ngày tuổi, bình quân 200 con/hộ, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trong thời gian 4 tháng khi gà đảm bảo thời gian xuất bán.

Phải thuyết phục nhiều lần, chị Thắm (một tiểu thương chuyên kinh doanh trái cây ở chợ đầu mối Bình Điền, TP HCM) mới cho tôi tháp tùng nhóm người làm công của chị xuống Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) để thu mua sầu riêng, chuối, mít chở lên TP HCM bán.

Huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có diện tích nuôi nghêu khoảng 2000 ha, tập trung ở các cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão, ấp Cây Bàng, Cầu Muống và Tân Phú thuộc xã Tân Thành, hàng năm ngư dân thu hoạch từ 20.000 - 30.000 tấn nghêu thương phẩm đem lại lợi nhuận rất lớn cho ngư dân vùng biển, riêng Ban Quản lý cồn bãi trực thuộc UBND huyện, quản lý, nuôi và khai thác 350 ha thuộc khu vực cồn Ông Mão, hàng năm từ nguồn thu hoạch nghêu, thu về cho ngân sách huyện chiếm gần 50%.