Tôm sú đầm nhà Mạc

Năm 1995, một người dân ở Liên Vị, huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) là ông Đỗ Hữu Tờ, đã mạnh dạn lặn lội vào tận miền Trung học cách nuôi tôm sú và cũng chỉ nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Từ mô hình nuôi tôm sú này, dần dần nhiều người dân ở Liên Vị đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Khu vực nuôi tôm sú nhiều nhất là khu đầm nhà Mạc. Trải qua nhiều năm thăng trầm, lúc lên, lúc xuống, con tôm sú ở đầm nhà Mạc trở nên gắn bó, thành thương hiệu của vùng đất này. Với kinh nghiệm nuôi tôm sú hơn 10 năm, anh Nguyễn Văn Nhân, người dân xóm Quán ở Liên Vị, tâm sự: “Mấy năm nay, tôm sú được giá nên bà con nông dân ở Liên Vị càng nuôi nhiều hơn. Gia đình tôi có một đầm nuôi tôm tại khu đầm nhà Mạc, với diện tích 70ha. Con tôm với chúng tôi như một giống vật nuôi chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế rất cao…”.
Đầm nhà Mạc nằm trên địa bàn các xã, phường Liên Vị, Liên Hoà, Yên Hải, Phong Cốc (TX Quảng Yên). Khu đầm được bao quanh bởi những con sông chảy ra biển. Từ đó, hệ sinh thái rất đa dạng, phù hợp cho các loại thực vật ven biển phát triển như các loại cây sú, đước, đâng, vẹt mắm v.v.. Đây chính là “ngôi nhà” lý tưởng của loại động vật như tôm, cua, cá; nhất là con tôm sú…
Những năm gần đây, nhờ ứng dựng khoa học kỹ thuật hợp lý, thêm vào đó là con giống có chất lượng tốt, nên con tôm sú ở đầm nhà Mạc càng phát triển mạnh hơn, đạt năng suất cao. Anh Nguyễn Văn Nhân cho biết thêm: “- Năm 2015, tôi sang tận trại giống thuỷ sản bên Hải Phòng mua con giống về nuôi tại đầm. Khởi đầu là 4 triệu con tôm giống nuôi từ tháng 5, chỉ khoảng tháng 8 này là có thể thu hoạch được. Tôm sú nuôi không mấy vất vả, nhưng đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, thường xuyên kiểm tra môi trường nước và độ mặn. Tôm sú thường mắc một số bệnh như thân đỏ đốm trắng, bệnh đầu vàng (YHVD), bệnh Monodon Baculovirus (MBV). Trong quá trình nuôi cần rất chú ý tới các loại bệnh này ở tôm…”.
Cũng như gia đình anh Nhân, năm nay gia đình anh Vũ Văn Thụ cũng có tới 40ha nuôi tôm sú đang vào mùa thu hoạch. Anh Thụ cho biết: “Gia đình tôi mới nuôi tôm sú được hơn một năm nay. Với 150 vạn con giống nuôi từ tháng 5 đến nay là tháng 8, con tôm sú phát triển bình thường không có dịch bệnh. Tôi đang thu hoạch những lứa tôm đầu tiên. Một ngày tôi thu hoạch từ 70 - 80kg tôm sú…”.
Nhờ nuôi tôm sú mà người dân Liên Vị nói nói riêng, TX Quảng Yên nói chung, đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tôm sú đầm nhà Mạc đang là một nguồn lợi thuỷ sản quý với TX Quảng Yên, càng ngày càng khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường khu vực.
Được biết, con tôm sú ở Quảng Yên đang được dự tính sẽ là nguồn hàng xuất khẩu trong nay mai…
Có thể bạn quan tâm

Chè là một trong 6 cây trồng chủ lực nằm trong định hướng phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Những năm gần đây, huyện đã từng bước mở rộng diện tích, chú trọng xây dựng thương hiệu “chè sạch”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tính đến ngày 15/1, cả nước đã gieo cấy được 1.927.600 ha lúa Đông Xuân, bằng 99,2% cùng kỳ năm trước.

Sau 6 năm nghiên cứu, đưa 1 ngàn cành bưởi đường lá cam lên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để chiếu xạ và ghép cành vào 1 ngàn cây bưởi Tân Triều, các nhà khoa học đã tạo ra 3 giống bưởi không hạt. Đó là những kết quả ban đầu trong việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ năng lượng hạt nhân để tạo ra giống bưởi đạt chuẩn quốc tế.

Sau 2 năm thực hiện đề án sạ lúa trên đất nhiễm phèn ở một số xã của huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hiệu quả đạt được cho thấy khá khả quan. Đây là đề án do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm chủ, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật.

Sáng 25/1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đi kiểm tra và làm việc với UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) về triển khai ứng dụng mô hình gieo mạ bằng khay tự động và cấy máy trên địa bàn.