Tôm nước lợ lãi tiền tỷ

Quyết tâm cao
Hòa Bình vốn là xã thuần nông, đồng chiêm trũng. Gia đình anh Vịnh đông người, trước đây chỉ trông vào mấy sào ruộng, năng suất bấp bênh.
Để tìm hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo, anh mạnh dạn nhận thầu 4 ha đất bãi ngoài đê ven sông Thái Bình, dự định xây dựng trang trại tổng hợp nuôi cá, trồng cây.
Anh Vịnh chia sẻ: “Những ngày đầu lập trang trại, gia đình tôi gặp muôn vàn khó khăn, hầu như cái gì cũng thiếu, đặc biệt là vốn, cây giống, con giống, khoa học - kỹ thuật. Tôi rất lo lắng, không biết nên nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả, tinh thần hoang mang...”.
Lúc đầu, anh cải tạo đất bãi để cấy lúa nhưng đây là vùng gần cửa sông, nước lợ không thích hợp với cây lúa. Sau đó, anh nuôi trồng mỗi thứ một ít, cấy lúa kết hợp nuôi và khai thác thủy sản trong tự nhiên, hiệu quả kinh tế không cao.
Qua bạn bè, anh được biết về giống tôm thẻ chân trắng công nghiệp thích hợp trong môi trường nước lợ, chu kỳ nuôi ngắn, mật độ cao từ 100 - 150 con/m2 và giá bán khá cao.
Mặc dù biết tôm thẻ chân trắng đòi hỏi kỹ thuật nuôi cao, lại dễ nhiễm bệnh nếu môi trường nước không đảm bảo vệ sinh nhưng anh Vịnh vẫn quyết tâm theo đuổi.
Anh tự tìm tòi, nghiên cứu trên đài, báo, internet, trực tiếp đi học hỏi thêm bạn bè ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng) và sang các tỉnh bạn như Thái Bình, Ninh Thuận… để học tập, nắm vững quy trình nuôi tôm công nghiệp.
Trở về, anh huy động 800 triệu đồng đầu tư vào trang trại, chuẩn bị nuôi tôm. Từ cuối năm 2011 đến mùa hè năm 2012, 2ha tôm cho hai vụ nuôi thành công: Sản lượng đạt 9 tấn/ha, giá bán 80.000 đ/kg. Trừ chi phí thức ăn, con giống, điện, thuốc chế phẩm sinh học, công lao động, khấu hao đầu tư…, anh thu lãi 220 triệu đồng.
Năm 2012-2013, do thời tiết cùng sự biến động thị trường, anh chỉ nuôi 1 vụ trên toàn bộ diện tích trang trại là 4 ha, thu sản 29 tấn. Với giá bán 130.000 đ/kg, anh thu về 3,7 tỷ đồng, lãi 1,3 tỷ đồng.
Anh Vịnh tính bình quân 6 khẩu trong gia đình thu nhập khoảng 20 triệu đồng/người/tháng. Mô hình làm ăn kinh tế của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động trong thôn và vùng lân cận với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2014, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp gây nhiều dịch bệnh, tôm chết hàng loạt. Không nản chí, với sự cố gắng của gia đình, năm 2014-2015, anh Vịnh lại đầu tư 2,3 tỷ đồng vào 4 ha tôm, nuôi 2 vụ tổng cộng 2 triệu con giống.
Ngoài ra, anh còn kinh doanh thêm dịch vụ máy nông nghiệp (máy làm đất, máy gặt đập liên hợp). Đến vụ thu hoạch, doanh thu từ nuôi tôm và cho thuê máy nông nghiệp đạt hơn 3,4 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng.
Còn trăn trở
Sau một số lần thất bại trong SX, anh Vịnh rút ra kinh nghiệm, cần đa dạng hóa SX, kinh doanh, nếu gặp rủi ro ở mảng này thì đã có mảng khác gánh đỡ.
Bên cạnh đó, cần mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tích cực vận dụng sáng tạo tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào SX.
Niên vụ 2014-2015, anh Vịnh thu lãi trên 1 tỷ đồng từ 4ha nuôi tôm
Mặc dù đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng theo anh Vịnh, hiện trang trại của anh nói riêng và kinh tế trang trại nói chung gặp không ít khó khăn.
Trước hết, việc giao và cho thuê đất chưa ổn định lâu dài khiến chủ trang trại chưa yên tâm đầu tư SX. Người đầu tư cũng chưa tiếp cận được các nguồn vốn lớn.
Một số trang trại có quy mô lớn đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, còn phần lớn các trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được hưởng những ưu đãi của nhà nước về đầu tư, tài chính, tín dụng. Vì thế, anh rất mong Nhà nước có chính sách cụ thể, ưu đãi về tài chính, tín dụng, đất đai cho kinh tế trang trại.
Bên cạnh đó, theo anh, trình độ quản lý của các chủ trang trại và tay nghề của người lao động còn thấp do phần lớn chưa qua đào tạo hoặc không được đào tạo chuyên sâu. Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho những người làm kinh tế trang trại.
Đồng thời, họ cần nhiều hơn nữa những thông tin chính thống về thị trường, giá cả, thời tiết, khoa học -kỹ thuật, giống mới…
Có thể bạn quan tâm

Chỉ còn khoảng 3-5 ngày nữa, vựa vải thiều Thanh Hà sẽ bước vào thu hoạch chính vụ. Thời điểm này, các nhà vườn vải thiều ở các vùng vải trọng điểm như Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn... (huyện Thanh Hà) cũng đã bắt đầu rục rịch vào vụ thu hoạch. Dọc hai bên tỉnh lộ 390, các chủ vựa thu mua vải thiều đã bắt đầu hoạt động tấp nập.

Đánh giá lại thực trạng diễn biến tình hình bệnh tôm ở Cà Mau, đề xuất giải pháp khắc phục nhằm trao đổi kinh nghiệm và phát triển nghề nuôi tôm bền vững là nội dung quan trọng tại hội thảo khoa học được tổ chức ngày 1/7 do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Phân viện nghiên cứu thủy sản Minh Hải đồng tổ chức.

Mặc dù Ấn Độ và Ecuador vẫn trúng mùa, nhưng tôm nuôi của Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia đang bị thiệt hại nặng do hội chứng chết sớm (EMS) nên nguồn cung không còn dồi dào như ở thời điểm tháng 5 vừa qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường vẫn không suy giảm, giúp giá tôm tăng trở lại trong tháng 6.

Sáng 12/6, tại UBND xã Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam), Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam phối hợp với Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ hỗ trợ vốn cho 150 hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 15 tàu của huyện Núi Thành.

Để khắc phục tình trạng trên, An Giang thực hiện tái cơ cấu con cá tra với các giải pháp như: Quy hoạch gắn với thị trường, giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về tổ chức sản xuất... Trong đó liên kết trong khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được xem là một trong những yếu tố quan trọng để giựt dậy ngành cá tra hiện nay.