Tôm chết vì nắng nóng

Ông Nguyễn Quốc Giang, thôn Tiên Du 1 có thâm niên nuôi tôm cho biết: “Nắng nóng kéo dài khiến độ mặn tăng cao, tôm bị sốc nhiệt chết hàng hoạt, chứ không phải bà con không dám thả liều, chờ có mưa tiểu mãn để ổn định nguồn nước thì mới nuôi trở lại”.
Theo ông Giang, chưa năm nào mà bà con nuôi tôm khó như năm nay, cứ thả nuôi là tôm chết. Những người nuôi cầm cự gọi là đạt khi thu hoạch lãi chẳng bao nhiêu. Độ mặn vùng nuôi tôm đã lên đến 38‰, trong khi đó những năm trước chưa vượt quá 30‰.
Gia đình ông nuôi 1 ao tôm sú (4.000m2) thả 9 vạn giống, 1 ao nuôi tôm thẻ chân trắng (5.000m2) thả 20 vạn giống và ao còn lại thả 3.000 con cua. Tôm nuôi đều chết sạch trong thời gian từ 30 - 35 ngày tuổi; cua cũng không lớn, cứ chết dần chết mòn, gây thiệt hại gần 100 triệu đồng. Hiện các ao nuôi đã bỏ hoang gần 1 tháng nay chưa tính đến chuyện cải tạo để thả lại.
Cũng lý do thời tiết nắng nóng nên khó nuôi, anh Võ Đình Đô, người cùng thôn cũng bỏ trống ao nuôi hơn 4.000m2. Gặp chúng tôi, anh Đô than vãn: “Chạy máy đảo oxy liên tục mà nguồn nước trong ao vẫn nóng ran, người chịu không nổi huống chi con tôm. Vụ nuôi tôm đợt đầu giữa tháng 4 (DL) vừa qua tôi thả 10 vạn giống, với giá đầu tư 85 đ/con. Nuôi được hơn 1 tháng thì tôm bị sốc nhiệt chết hàng loạt, thiệt hại hơn 20 triệu đồng, nên giờ chẳng dám thả nữa”.
Ông Tô Mỹ Khánh, Chủ tịch UBND xã Ninh Trung cho biết, tính từ đầu vụ thả nuôi đến nay toàn xã có 100/170 ha tôm bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm nay giảm khoảng 1/3 so với năm trước.
Tình trạng tôm chết do nắng nóng cũng ảnh hưởng ở các phường Ninh Giang, Ninh Hà (TX Ninh Hòa). Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang cho biết, trong tổng 81 ha thả nuôi tôm đợt 1 tại địa phương đã có 85% diện tích bị thiệt hại. Số còn lại bà con đang thu hoạch, nhưng nhìn chung không có lãi.
Chính quyền các địa phương đang khuyến cáo người nuôi không nên thả giống sớm đợt 2 khi thời tiết bất lợi mà đợi trời mát lại hoặc có mưa tiểu mãn. Cần lưu ý việc duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m; tăng cường quạt nước, thả nuôi với mật độ vừa phải để dễ chăm sóc và quản lý ao; định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước; tăng cường sức đề kháng cho tôm...
Theo Phòng Kinh tế TX Ninh Hòa, từ tháng 3 đến nay toàn TX thả nuôi 825 ha tôm, do nắng nóng và dịch bệnh đã có 70% diện tích ao nuôi bị thiệt hại. Hiện bà con đang tạm dừng thả giống.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2013, Việt Nam đã NK bông nguyên liệu từ 19 nước trên tổng số 55 quốc gia châu Phi. Các nước cung cấp chính chủ yếu nằm ở khu vực Tây Phi và một số nước Đông Phi. Một số DN Việt Nam nhận xét, nguồn bông này có chất lượng khá tốt, giá hợp lý và phù hợp với yêu cầu sản xuất tại Việt Nam.

Tuy diện tích tăng hàng năm không nhiều, nhưng sản lượng thì tăng khá nhanh, do được đầu tư sản xuất theo hình thức thâm canh, bán thâm canh theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với việc hình thành các vùng nuôi tập trung với các đối tượng như: cá tra, cá trê lai, rô đồng, thát lát…

Theo đó, Quy chuẩn quy định những điều kiện về địa điểm nuôi; cơ sở hạ tầng; hoạt động nuôi; nước thải, chất thải; lao động kỹ thuật của cơ sở nuôi thâm canh cá Tra trong ao (cơ sở nuôi) để bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Sò điệp quạt là đối tượng hải sản có giá trị xuất khẩu cao, nhưng nguồn lợi trong tự nhiên đang bị cạn kiệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động chế biến xuất khẩu. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 đã liên kết với doanh nghiệp và ngư dân thực hiện dự án “Sản xuất giống và nuôi thương phẩm sò điệp quạt” nhằm tái tạo nguồn lợi hải sản này.

Ông Nguyễn Văn Thống, ấp Tân Phong, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) là hộ dân rất thành công với mô hình nuôi sò huyết. Ông đang phát triển nhân rộng mô hình này trong đầm Thị Tường. Vụ sò huyết vừa rồi, từ đầu năm đến nay ông đã thu được hơn tỷ bạc.