Tổ Tư vấn xây dựng NTM - Bà đỡ mát tay

Là nông dân chính hiệu, quanh năm cần cù, chịu khó tăng gia sản xuất và làm một số nghề phụ, anh Nguyễn Trọng Sơn ở thôn Quang Sơn (Thạch Đỉnh, Thạch Hà) đã tích lũy được một ít vốn.
Anh Sơn dự định đầu tư 1 chiếc máy làm đất, vừa phục vụ sản xuất cho gia đình, vừa kinh doanh phục vụ bà con trong xã. Tuy nhiên, theo anh Sơn, tiền đầu tư máy khá lớn (gần 100 triệu đồng) trong khi vốn tự có mới được hơn 30%.
Anh cũng đang lúng túng chưa biết làm thế nào thì được Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM của xã giới thiệu về các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của T.Ư, tỉnh; tận tình hướng dẫn cách làm thủ tục để tiếp cận được các nguồn hỗ trợ.
Theo đó, anh Sơn đã được hỗ trợ 40% kinh phí mua máy theo Nghị quyết 90 của HĐND tỉnh.
Ngoài ra, anh còn được tổ tư vấn hướng dẫn làm thủ tục để được hỗ trợ 50% lãi suất theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Mô hình chăn nuôi lợn nái liên kết với doanh nghiệp, quy mô 650 con của ông Nguyễn Trung Đức, ở thôn 1, xã Ân Phú (Vũ Quang) được hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của tỉnh.
Những vướng mắc tương tự cũng được Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM xã Đức Lĩnh (Vũ Quang) “hóa giải” cho ông Nguyễn Đình Trí (xóm Tân Hưng).
Ông Trí có nhu cầu vay 70 triệu đồng để mua giống, phân bón phát triển 3 ha vườn đồi trồng cam. Suốt ngày bám trang trại nên ông không có thời gian tìm hiểu và tiếp cận các chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, được sự tư vấn của Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM xã, những khó khăn này từng bước được giải quyết.
Ông Trí được cán bộ tổ tư vấn hướng dẫn làm hồ sơ để được hưởng hỗ trợ 50% lãi suất theo Quyết định 23 của UBND tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Thắng - cán bộ Tổ Tư vấn chính sách xây dựng NTM xã Đức Lĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 45 hộ vay vốn phát triển sản xuất thông qua sự hướng dẫn của tổ tư vấn.
Cán bộ tổ tư vấn còn hướng dẫn bà con kiến thức sản xuất, bảo toàn và phát triển đồng vốn.
Theo ông Trần Huy Oánh - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, những năm qua, T.Ư và tỉnh đã ban hành khá đồng bộ hệ thống chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, số hộ được hưởng chính sách chưa nhiều và nhiều hộ có nhu cầu vay vốn nhưng chưa vay được.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là do người dân chưa hiểu rõ được chính sách, điều kiện, hồ sơ, thủ tục.
Vì vậy, để giúp người dân tiếp cận các chính sách cũng như vay vốn từ các tổ chức tín dụng được thuận lợi, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn thành lập tổ tư vấn chính sách, vay vốn tại các xã. Tổ tư vấn chính sách, vay vốn do xã trực tiếp thực hiện, có sự tham gia của cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, huyện, thành phố, thị xã, Sở NN&PTNT, ngân hàng No&PTNT cấp tỉnh, huyện.
Người dân được tư vấn trực tiếp tại trụ sở UBND xã và trực tuyến qua điện thoại (số điện thoại các tư vấn viên được niêm yết tại trụ sở UBND xã), qua website tư vấn chính sách (tại địa chỉ tuvanchinhsach.nongthonmoihatinh.vn) về: điều kiện, cách thức xây dựng các mô hình, trình tự, thủ tục, hồ sơ để được hưởng chính sách, vay vốn...
Các chính sách hiện hành của T.Ư, của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM gồm có:
Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, chế biến, tiêu thụ, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xử lý môi trường, thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và cho một số đối tượng được ưu đãi khác...
Có thể bạn quan tâm

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch phải đi trước một bước. Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong khi một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị cán đích thì nhiều địa phương vẫn còn loay hoay với tiêu chí quy hoạch.

Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, những năm qua, xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) đã tập trung vận động bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất vụ đông theo hướng đa dạng trong cơ cấu sản xuất.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 trại sản xuất giống gà, trong đó có 58 trại gà đẻ và 45 trại ấp nở với các loại giống như gà lai mía, gà lông trắng, gà ta…

Thông qua Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số (Chương trình 135), thời gian qua nhiều hộ nghèo của huyện Định Hóa đã có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo...

Khảo sát tại chợ đầu mối Long Biên, điểm trung chuyển và buôn bán hoa quả sầm uất nhất Hà Nội, quy mô quầy bán hoa quả Trung Quốc teo tóp dần và có phần lép vế hơn so với các quầy hàng ngồn ngộn hoa quả Việt Nam nhập về từ các tỉnh phía nam như: xoài, bưởi, thanh long, quýt ngọt…