Tính kế sách mới cho ngành lúa gạo Việt Nam

Đáng ngại trước những thị trường mới nổi
Theo Bộ NN-PTNT, trong 30 năm qua, từ chỗ thiếu lương thực Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo với sản lượng xuất khẩu bình quân khoảng 6 - 7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,6 - 2,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo GS-TS Vũ Văn Viết, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tăng trưởng sản xuất lúa gạo của chúng ta trong thời gian qua chủ yếu chạy theo chiều rộng và sản lượng, trong khi còn rất yếu về chế biến sâu nên giá trị từ hạt gạo chưa cao, còn nhiều tổn thất sau thu hoạch.
Nhưng điều đáng lo là hiện nay năng suất cả lúa lai và lúa thuần hiện đã tới hạn, khó có thể tăng thêm được nữa. “Diện tích sản xuất lúa gạo mặc dù đã được quy hoạch nhưng vẫn có thể có xu hướng giảm, mà nếu không thể tăng trưởng về năng suất thì không thể tăng thêm sản lượng nữa” - GS-TS Vũ Văn Viết chia sẻ. Lúa gạo Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc nâng cao chất lượng
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đang có những dấu hiệu kém khả năng cạnh tranh so với nhiều quốc gia và thị trường mới nổi như Myanmar, Campuchia, Malaysia… và vẫn đứng sau các nước có truyền thống về lúa gạo như Thái Lan, Ấn Độ.
Điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là chất lượng không cao nên phải bán giá thấp, chỉ tiếp cận được những thị trường dễ tính như Philippines, châu Phi… nhưng trong tương lai cũng có thể bị các thị trường lúa gạo chất lượng hơn thay thế, nếu chúng ta không thay đổi.
Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan 10 - 15 USD/tấn. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất lúa lại cao hơn rất nhiều các nước, hiện ở mức 13%, trong khi Thái Lan từ 6,1% - 9,1%, Ấn Độ 6%.
Phải bán giá rẻ trong khi hiện nay “đầu ra” cho hạt gạo lại đang khó khăn. Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn còn giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lúa gạo Việt Nam đang có nguy cơ mất dần vị thế nhưng cơ chế xuất khẩu và sản xuất còn nhiều nghịch lý.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thái Bình, chia sẻ, xuất khẩu gạo từ đầu năm tới nay mặc dù chậm nhưng doanh nghiệp vẫn phải xin phép mới được xuất. Đây là một nghịch lý cần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, mức hạn điền không quá 3ha đối với trồng lúa cũng đang là rào cản cho nông dân tham gia sản xuất lớn.
Phải tái cơ cấu và “lột xác” mạnh mẽ hơn
Tại nhiều cuộc họp về phát triển nền nông nghiệp theo hướng thúc đẩy giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát trăn trở nêu ra câu hỏi với các chuyên gia và các cơ quan quản lý: liệu chúng ta có thể tăng thêm năng suất lúa gạo, đẩy mạnh sản lượng thủy sản không? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đã đến lúc không thể chạy theo số lượng, sản lượng mà phải chuyển sang nâng cao giá trị, chất lượng nông sản gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng hàng rào kỹ thuật, nâng cao năng lực cạnh tranh… bằng việc tái cơ cấu mạnh mẽ nền nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT cũng xác định trong những năm tới, lúa gạo vẫn được xem là thế mạnh của ngành nông nghiệp. Trong Quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ cũng đã xác định mục tiêu giữ vững 3,8 triệu ha đất lúa.
Tuy nhiên, để nâng cao vị thế và giá trị của hạt gạo Việt Nam nhằm đủ sức cạnh tranh với các đối thủ mới nổi, xâm nhập vào những thị trường khó tính, đòi hỏi phải có quy hoạch mang tầm quốc gia và xây dựng được bản đồ lúa gạo, trong đó xác định rõ vùng nào trồng lúa phục vụ xuất khẩu, vùng nào phục vụ tiêu dùng trong nước, vùng nào có thể được phép chuyển đổi sang cây trồng khác.
Mới đây, Thủ tướng cũng đã cho phép chuyển đổi một phần diện tích từ trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long sang trồng bắp và cây ăn quả có giá trị cao hơn so với lúa. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, đây là một chủ trương đúng và vẫn đảm bảo quy hoạch diện tích đất lúa, lúc cần thiết vẫn có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa.
Còn theo TS Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện nay nông dân trồng lúa đang rất thiếu kiến thức, nhất là thị trường.
Vì vậy cần tập trung nâng cao nhận thức về sản xuất hàng hóa cho người trồng lúa, xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Để nâng cao chất lượng lúa gạo, cần tổ chức lại sản xuất lúa, hướng mạnh vào xây dựng bộ giống chất lượng cao, mang thương hiệu riêng của Việt Nam. “Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo, tránh tình trạng trói buộc dẫn tới quyền lợi chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn như hiện nay” - TS Trần Văn Khởi đề xuất.
Có thể bạn quan tâm

Với mục tiêu đa dạng hoá các loại cây ăn quả, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích, vài năm lại đây, một số hộ dân ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang) đã mạnh dạn đưa cây hồng xiêm vào trồng. Đến thăm mô hình trồng hồng xiêm xen nhãn Miền Thiết của gia đình chị Phạm Thị Chúc, ở thôn Bắc 2, xã Quý Sơn thấy rõ sự năng động và cần cù của người dân nơi đây.

Ngư dân khai thác tôm hùm giống tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) cho biết, hiện nay, giá tôm hùm giống cuối vụ đạt 200 nghìn đồng/con, tăng 50 nghìn đồng/con so với cùng kỳ năm 2012.

Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bà con tập trung xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 5 đến ngày 25-5-2013 để né rầy, sâu bệnh và thời tiết. Nhưng thực tế, cho đến bây giờ, bà con ở Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm mới chỉ dọn đất và chờ “mưa già”, vì nước còn mặn.

Có thế mạnh trong xuất khẩu nông sản, song nhiều năm qua, ngành chăn nuôi nước ta lại luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi... Ðây là một nghịch lý, khiến giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước liên tục biến động, gây bất lợi cho người chăn nuôi. Bởi thế, việc chủ động sản xuất TĂCN từ nguyên liệu trong nước là giải pháp hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.