Tình Hình Tôm Nuôi Thiệt Hại Ở Sóc Trăng Đáng Lo Ngại

Mức độ thiệt hại tôm nuôi ở Sóc Trăng tăng liên tục. Hiện đã có hơn 260 ha tôm thẻ chân trắng dưới 2 tháng tuổi bị thiệt hại.
Ở huyện Trần Đề diện tích thiệt hại chiếm 11,3%, một số vùng nuôi ở thị xã Vĩnh Châu như xã Hòa Đông tôm nuôi bị thiệt hại trên 30%. Theo nhận định của ngành chuyên môn và bà con nuôi tôm, nguyên nhân thiệt hại là do nhiệt độ xuống thấp, kèm theo mưa đã ảnh hưởng đến tôm nuôi trong giai đoạn mẫn cảm với thời tiết.
Nhiệt độ giảm thấp kéo dài là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của tôm thẻ chân trắng, mặt khác là điều kiện để bệnh đốm trắng bùng phát gây thiệt hại trên diện rộng. Qua kết quả xét nghiệm của ngành thú y, tỷ lệ bệnh đốm trắng chiếm đến 90% so với các mẫu bệnh phẩm được xác định. Ông Mã Chí Thọ - Chủ tịch UBND xã Hòa Đông cho biết: “Từ đầu vụ đến nay xã Hòa Đông đã thả giống được 210 ha, trong đó thiệt hại hơn 70 ha, chiếm tương đương 30% diện tích thả nuôi. Tình hình thời tiết giảm quá thấp đã gây nên thiệt hại. Đối với kết quả xét nghiệm cho thấy, trong 16 mẫu xét nghiệm thì 14 mẫu bệnh đốm trắng.
Chúng tôi khuyến cáo bà con ngưng thả giống để đến lúc thời tiết ổn định mới thả tiếp”. Kỹ sư Trần Minh Trí - Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cũng có nhận định sau: “Chúng tôi thấy rằng thời tiết giảm thấp như thế này và kéo dài là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, vì thời tiết vượt quá ngưỡng cho phép điều kiện phát triển của tôm thẻ chân trắng. Bà con phải thích nghi với biến đổi khí hậu, tùy vào điều kiện thích hợp mới thả tiếp tục. Ngành chúng tôi khuyến cáo bà con nên ngưng thả đến cuối tháng 3 mới thả, đặc biệt là những ao nuôi bị bệnh đốm trắng”.
Hiện nay lãnh đạo UBND tỉnh, ngành nông nghiệp thường xuyên tổ chức các đợt khảo sát nắm tình hình, chỉ đạo ngành thú y tập trung quản lý dịch bệnh để có biện pháp khống chế và khuyến cáo bà con tạm ngưng thả giống khi diễn biến thời tiết xấu và bệnh đốm trắng đang phát sinh trên diện rộng. Người nuôi tôm cần nhận thức rõ nguyên nhân thời tiết bất lợi cho tôm nuôi để tạm ngưng thả giống, nhằm hạn chế rủi ro.
Thạc sĩ Võ Văn Bé - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho rằng: “Đây là đỉnh điểm của bệnh đốm trắng diễn ra do thời tiết hạ thấp. Mầm bệnh đốm trắng bùng phát, tôm trong giai đoạn mẫn cảm với bệnh. Thực tế cho thấy có đến hơn 90% tôm thiệt hại do bệnh đốm trắng. Ngành cũng khuyến cáo bà con nên tạm ngưng thả giống. Riêng diện tích tôm còn lại phải tập trung nhiều biện pháp quản lý, như: giảm thức ăn, tăng cường khoáng chất cho ao nuôi, ổn định môi trường ao nuôi”.
Nhiệt độ giảm thấp là điều kiện để bệnh đốm trắng phát sinh gây thiệt hại cho tôm nuôi, là sự khẳng định của ngành chuyên môn. Bà con nên tạm ngưng thả giống để tập trung xử lý triệt để mầm bệnh đối với ao nuôi bị thiệt hại, tránh lây nhiễm ra vùng nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường quản lý dịch bệnh, làm tốt công tác quan trắc môi trường, nhận định tình hình thời tiết thuận lợi để có khuyến cáo thời điểm thả giống phù hợp cho hộ nuôi tôm.
Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn dừa xiêm lùn tươi tốt rộng gần 1 hécta của ông Trần Văn Nhẫn, ấp 2, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bắt đầu cho thu hoạch, nhiều người không khỏi trầm trồ khen ngợi vì đây vốn là vùng đất ngập mặn bị bỏ hoang do canh tác không hiệu quả. Trong vườn có ao nuôi cá, có nhà thủy tạ nghỉ mát.

Các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm, nếu muốn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất và phải ký hợp đồng mua tôm nguyên liệu có sự chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ trương của tỉnh là xây dựng thương hiệu mạnh cho con cá thát lát Hậu Giang, từ đó mà dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát Hậu Giang dùng cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh Hậu Giang” được triển khai thực hiện.

Nuôi thủy sản là một trong những lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa ở các xã ngoại thành. Tuy nhiên, vào mùa mưa, mực nước dâng cao, gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát tôm, cá. Vì vậy, người sản xuất cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi này phát triển bền vững, hiệu quả.

Mức hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với diện tích sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước; 100.000 đồng/ha/năm đối với diện tích sản xuất lúa trên đất lúa khác (trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa).