Tín Hiệu Vui Từ Ngành Nông Nghiệp Quản Bạ

Đầu năm có dịp “xông đất” các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện Quản Bạ mới thấy sự háo hức, rạng rỡ xen lẫn niềm hy vọng trên khuôn mặt người nông dân bên thành quả lao động.
Với nhiều cơ chế hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, tăng năng suất, thu nhập, nâng cao đời sống... ngành Nông nghiệp Quản Bạ đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Thành lập HTX trồng cây dược liệu giúp người dân thôn Nặm Đăm (Quản Bạ) nâng cao thu nhập.
Đặc thù là huyện thuần nông, Quản Bạ gặp muôn vàn khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, giao thông chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là tập quán canh tác lạc hậu, ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Tận dụng lợi thế của địa phương, nông nghiệp vẫn là sự lựa chọn hàng đầu để “xua tan” cái đói nghèo.
Ngoài cơ chế hỗ trợ theo chủ trương chung của tỉnh, huyện đã đề ra cơ chế đặc thù, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương và bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét (đặc biệt là các chương trình hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo); định hướng phát triển hàng hóa tập trung và cụ thể cho từng vùng, miền, dựa vào thế mạnh và tập quán canh tác của đồng bào để thành lập các nhóm nông dân cùng sở thích, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực và tăng thu nhập.
Trong đó tập trung đầu tư hỗ trợ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các mô hình sản xuất mới, cải tạo đàn gia súc, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như: Hỗ trợ nhân dân giống ngô lai trồng đại trà với tổng số 43.255 kg; hỗ trợ 69.456 bao phân bón hóa học (đạm, NPK); hỗ trợ mua nilon che phủ ngô Đông - Xuân với diện tích 71,08 ha; thực hiện thí điểm mô hình đầu tư có thu hồi để tái đầu tư mô hình chăn nuôi lợn gắn với xây lắp bể Biogas 3 ba xã: Đông Hà, Quyết Tiến và Quản Bạ với tổng kinh phí là gần 1,2 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, phát huy lợi thế của ngành chăn nuôi đại gia súc, huyện hỗ trợ 118 con trâu, bò sinh sản cho 118 hộ nghèo và cận nghèo chưa có trâu, bò để phát triển chăn nuôi. Trong phát triển đàn ngựa, đã phối giống, lai tạo được 50 con; thụ tinh bò nhân tạo được 160 con bò...
Những mô hình này đang dần làm thay đổi tập quán canh tác, tạo thói quen chủ động và hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng chuyên canh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp Quản Bạ đang có những bước chuyển mình rõ nét; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tổng diện tích gieo trồng đạt 100% kế hoạch, tăng 347 ha so với cùng kỳ 2013, trong đó: Diện tích các cây trồng chính đạt 101,3%; các loại cây như ngô, lúa, đậu tương, lạc... đều đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Diện tích trồng cỏ chăn nuôi cũng được mở rộng, đáp ứng được thức ăn cho tổng đàn gia súc lớn của địa phương.
Tự hào với những kết quả đã đạt được, bước sang năm mới, ngành Nông nghiệp Quản Bạ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện trên cả 3 lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Phấn đấu đưa vào trồng mới trên 500 ha cây dược liệu.
Tiếp tục phát triển đàn đại gia súc, tập trung vào các nhóm hộ có kinh nghiệm chăn nuôi theo hình thức đầu tư có thu hồi. Thực hiện thí điểm chuyển đổi một phần diện tích đất xấu trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, bền vững đã đạt được những tín hiệu đáng mừng, thành tích khả quan và khá đồng đều trên tất cả các mặt. Tin rằng, đây vừa là nguồn động viên, vừa là tiền đề để ngành Nông nghiệp huyện Quản Bạ tiếp tục bội thu trong những năm tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm

Không biết chính xác hẹ được trồng từ khi nào, nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều nhà nông ở các vùng chuyên canh màu của Sóc Trăng như Đại Tâm, Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên), Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) đã vươn lên khá giàu, ổn định được kinh tế gia đình từ loại cây này. Bên cạnh nguồn lợi từ cây lúa và chăn nuôi thì trồng hẹ được xem là mô hình trồng màu đạt thu nhập cao, bền vững của những hộ nông dân Khmer vùng này.

Trong thời gian qua cá rô đầu vuông đã được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đây là loại cá phàm ăn, dễ nuôi, nhanh lớn, ít bệnh tật và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích nuôi thâm canh loài cá này trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do con giống chủ yếu được nhập từ các tỉnh phía Nam dẫn đến giá cá giống còn quá cao, quãng đường vận chuyển xa nên cá dễ mắc bệnh, tỷ lệ hao hụt cao.

Năm 2011, hơn 36.000 tấn thanh long Bình Thuận được xuất khẩu giúp nông dân thu về 20 triệu USD.

Năm 2010, năm phát triển mạnh nhất, diện tích atisô Đà Lạt cũng chỉ dừng lại ở 90ha. Không chỉ là cây thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng mà atisô Đà Lạt còn được Bộ Y tế đưa vào bộ hồ sơ "dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển" của quốc gia. Trong bộ hồ sơ này, atisô là một trong 6 dược liệu được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đầu (cùng với sâm Ngọc Linh, đại hồi, trinh nữ hoàng cung, quế và tràm).