Tín Hiệu Vui Cho Thủy Sản Xuất Khẩu

Từ đầu năm đến nay, các mặt hàng thủy sản khô và đông lạnh đang có chiều hướng sản xuất và tiêu thụ ổn định. Theo Cục Thống kê, tôm thẻ đông lạnh được xuất nhiều sang Nhật, Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc với gần 3.200 tấn. Mặt hàng mực ống tươi đông lạnh cũng được xuất sang những nước Anh, Đức, Ý, Nhật, Hàn... với con số xấp xỉ mặt hàng tôm đông lạnh. Cho thấy, thế mạnh thủy sản xuất khẩu của Bình Thuận là hai mặt hàng trọng điểm này.
Bình Thuận có khoảng 334 nhà máy, cơ sở chế biến, sơ chế đông lạnh và thu mua hàng thủy sản với tổng công suất thiết kế khoảng 39.000 tấn thành phẩm/năm. Trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu.
Công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đều được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp quan tâm, nhờ vậy, sản phẩm chế biến của tỉnh đã có mặt ở khắp các châu lục, kể cả những thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP và đạt tiêu chuẩn ngành, một số doanh nghiệp có chứng chỉ ISO, nhiều doanh nghiệp có phòng kiểm nghiệm vi sinh và đặc biệt là thiết bị kiểm kháng sinh cấm, đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giai đoạn 2008 - 2013 bình quân đạt 80 - 90 triệu USD/năm, thị trường xuất khẩu chủ yếu là thị trường châu Á, kế đến là thị trường Mỹ, châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu của một số thị trường chính năm 2013 như sau: Nhật Bản 21,22 triệu USD, Hàn Quốc 22,37 triệu USD, Mỹ 8,29 triệu USD, Đức 7,29 triệu USD...
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), liên tục trong nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Riêng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nhật đạt 1,15 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Sản phẩm xuất sang thị trường này chủ yếu là các sản phẩm chế biến từ tôm, cá ngừ và các loại hải sản khác như bạch tuộc, mực…Trong các tháng đầu năm 2014, tình hình xuất khẩu tôm diễn ra thuận lợi, vì Nhật Bản đã chính thức nâng mức dư lượng Ethoxyquin trong tôm Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản lên 0,2 ppm (tăng 20 lần so với mức 0,01 ppm trước đây).
Quyết định trên không chỉ tháo gỡ khó khăn cho hơn 20 doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam hiện nằm trong danh sách có lô hàng bị trả về từ các nhà nhập khẩu Nhật, do có hàm lượng Ethoxyquin vượt mức cho phép mà còn tạo điều kiện cho nhiều DN khác xuất khẩu tôm vào thị trường này. Với sự nới lỏng hàng rào Ethoxyquin, cộng thêm giá tôm xuất sang Nhật Bản cao sẽ làm tăng giá trị lẫn sản lượng mặt hàng xuất khẩu này trong năm 2014.
Điều quan trọng ở thị trường Nhật mà các DN xuất khẩu phải lưu ý: Phải xây dựng lòng tin về chất lượng sản phẩm, uy tín trong thực hiện hợp đồng.
Bởi chỉ cần một lần bất tín là DN Việt Nam có nguy cơ mất đối tác kinh doanh. Còn khi đã tạo được lòng tin, thị trường Nhật Bản sẽ mở rộng cơ hội cho DN. Ngoài ra, các DN cần tìm các nhà cung ứng Nhật Bản, bởi chính họ là những nhà phân phối trực tiếp và có uy tín cao cho hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, để giữ vững được thị trường nhập khẩu vào Mỹ và Nhật Bản, không chỉ doanh nghiệp phải tuân thủ những quy trình chặt chẽ trong quá trình chế biến mà ngay cả những người nuôi trồng thủy sản cũng cần phải hiểu rõ hơn những quy định và tuân thủ các nguyên tắc về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, công tác phát triển thị trường nội địa thông qua các hoạt động quảng bá tiềm năng của tỉnh; giới thiệu sản phẩm thủy sản tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong nước; tham gia các giải thưởng phát triển thương hiệu. Đồng thời, có chiến lược khảo sát thị trường tại nước ngoài, từng bước kết nối sản phẩm, doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các Hội doanh nghiệp Việt kiều phục vụ xuất khẩu sản phẩm thủy sản của địa phương.
Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 26,67% tổng giá trị xuất khẩu (XK). Trong tháng 1, XK thủy sản sang thị trường này đạt 155,6 triệu USD, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2013.
Xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cũng tăng trưởng đáng kể với mức tăng tương ứng đạt 17,85%, 29,27% và 31,45%. XK sụt giảm ở các thị trường như Trung Quốc (giảm 37,79%) và Thái Lan (giảm 7%). Cũng theo Bộ NN&PTNT, giá trị nhập khẩu (NK) mặt hàng thủy sản tháng 2 ước đạt 75 triệu USD, đưa kim ngạch NK 2 tháng đầu năm lên 175 triệu USD, tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2013.
Hai thị trường NK chính là Ấn Độ (chiếm 47,9%) và Đài Loan (chiếm 6%). Theo dự báo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2014 kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt 6,9 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2013.
Có thể bạn quan tâm

Sau thời gian dịch bệnh tôm nuôi kéo dài, người nuôi tôm lẫn các trại giống đều mòn mỏi đợi chờ một kết cục sáng sủa hơn. Bởi, hiện các trại sản xuất giống trong tỉnh Cà Mau ế, không bán được, một số đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Năm 2013, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ngành thủy sản khuyến cáo không mở rộng diện tích nuôi tôm sú mà chỉ giữ diện tích nuôi tương đương với năm 2012 là 580.000 ha. Vùng nuôi tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An; trong đó, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi lớn nhất với 265.650 ha.

"Giá heo hơi liên tục sụt giảm, giá bán ra không bằng giá thành sản xuất nên người chăn nuôi đang lỗ nặng. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì nguy cơ giảm tổng đàn thiếu nguồn cung là không tránh khỏi”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định.

Sò huyết ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là đặc sản nổi tiếng vì thịt dai, ăn ngọt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân sống ven đầm đã đi thu mua sò huyết từ các nơi về bán cho du khách dưới thương hiệu sò huyết Ô Loan!

Bạc Liêu có 394 cơ sở sản xuất và ương tôm giống để bán. Tuy nhiên, số cơ sở sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để tạo giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%.