Tín Hiệu Vui Cho Người Chăn Nuôi

Từ giữa tháng 7, giá lợn hơi toàn tỉnh bất ngờ tăng mạnh trở lại, điều này cũng đồng nghĩa thu nhập của người chăn nuôi đang được cải thiện..
Gia đình anh Nguyễn Văn Nam, thôn Kỳ Lãm 2, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đầu tư nuôi lợn, có nguồn thu nhập ổn định.
Gần tháng nay, người nuôi lợn tại các huyện, thành phố trong tỉnh phấn khởi vì giá thu mua lợn hơi đã tăng thêm từ 6.000 - 8.000 đồng/kg so với trước đó. Cụ thể, lợn đẹp, vai mông săn chắc bán tại chuồng giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, tăng so với mức 30.000 - 32.000 đồng hồi cuối tháng 6.
Bà Đào Thị Mạnh, thôn 4 xã Tân Tiến (Yên Sơn) cho biết, ngày 5 - 8 gia đình bà vừa xuất hơn 1 tấn lợn hơi với giá 39.000 đồng/kg, hiện gia đình bà còn hơn chục con lợn bột đều trên tạ nhưng bà vẫn chưa bán để chờ giá “nhích” lên thêm một vài giá nữa, để gỡ gạc thêm thời điểm giá thấp.
Cũng niềm vui đó, anh Nguyễn Văn Nam, thôn Kỳ Lãm 2 là một trong những người có tiếng nuôi lợn với số lượng lớn ở xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) hồ hởi cho biết, trong 2 tuần nay, đã xuất hiện một số “xe tải 2-3 tầng” vào các ngõ ngách thôn bản thu gom lợn hơi và điều này đã “giải cơn khát” về giá cho người chăn nuôi. Anh Nam cho biết thêm: Cũng rất may đợt này gia đình anh có tới 20 con lợn trên 100 kg đang chuẩn bị một, hai ngày nữa là xuất chuồng với giá khoảng 40.000 - 41.000 đồng/kg, tính ra anh thu về được trên 80 triệu đồng...
Anh Nguyễn Việt Cường, lái xe chuyên vận chuyển lợn đi tiêu thụ tiết lộ, đợt này lợn được bán sang Trung Quốc. Giá thịt lợn bán tại các chợ theo đó cũng “leo thang”. Khảo sát tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang), chợ Cảng xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương), chợ xã Tân Tiến (Yên Sơn) giá thịt lợn bán ở mức từ 70.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại.
Như thịt ba chỉ là 75.000 đồng/kg, thịt nạc thăn là 100.000 đồng/kg, thịt mông là 85.000 đồng/kg... Đây chính là tín hiệu vui; nhiều người chăn nuôi hy vọng giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng cao để họ có thể bù đắp được vốn đầu tư và có lãi trong tình hình chăn nuôi khó khăn kéo dài thời gian qua.
Tuy nhiên, người nông dân không thể thấy giá lợn tăng trở lại mà đầu tư một cách ồ ạt, dàn trải mà không tính đến việc cung - cầu của thị trường, thì dễ rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá” và người chịu thiệt hại sẽ chính là nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Cơ sở ấp trứng gia cầm của gia đình chị Dương Thị Thư, ở xóm Việt Ninh, xã Lương Phú (Phú Bình - Thái Nguyên) mỗi năm cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng

Hiện nay, điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi cho hoạt động thả tôm giống vụ nuôi cuối năm, do đó, nông dân cần tranh thủ thả tôm giống, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.

Ngày 24/4/2015, ổ dịch đầu tiên được xuất hiện tại hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Diễn Trung, với diện tích ao nuôi bị nhiễm bệnh là gần 0,3 ha. Và chỉ trong một thời gian ngắn dịch đã xuất hiện ở nhiều diện tích nuôi tôm khác trên địa bàn xã Diễn Trung, Diễn Kỷ và Diễn Vạn, huyện Diễn châu, tỉnh Nghệ An.

Dọc tuyến đường quốc phòng từ các xã ven biển vùng Ngũ Điền và xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho thấy, môi trường biển ở đây đang bị đe dọa bởi hàng trăm ha tôm của các công ty và nhóm hộ.

Trong khi thị trường xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn thì con cá rôphi nổi lên như một đối tượng thay thế đầy triển vọng nhờ thị trường tương đối mở. Do khá dễ nuôi nên việc chuyển đổi nuôi từ cá tra sang cá rôphi đang được một số dn như công ty cp chế biến thực phẩm sông hậu (sohafood) thực hiện.