Tìm thị trường cho trái cây loay hoay chuyện cũ

Trước thực tế thị trường tiếp tục đối mặt với nhiều mặt hàng nông sản như vải, dưa hấu, thanh long... ùn ứ, ngày 14-5, Bộ Công thương, Bộ NN PTNT đã có buổi họp tìm giải pháp. Thế nhưng, kết thúc buổi họp vẫn chưa có giải pháp sáng sủa nào được đưa ra.
Theo bà Dương Phương Thảo - cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, thực tế tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả của VN rất nhanh, bình quân 5 năm qua đạt tới 26,5%/năm.
VN đã xuất khẩu rau quả sang 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. Bà Thảo nêu thực tế xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc ba tháng đầu năm vẫn tăng. Tuy nhiên, “gần đây Trung Quốc thắt chặt quản lý chất lượng.
Trước sức ép từ trung ương, chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt hơn nên xuất khẩu gặp khó khăn”...
Phá vỡ quy hoạch
Là “quê hương” vụ dưa hấu được nhắc đến nhiều vừa qua, ông Lê Văn Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nêu thực tế liên kết trong tiêu thụ của doanh nghiệp với người sản xuất rất lỏng lẻo.
Mấy tháng qua giá thấp hơn cùng kỳ, giữa vụ dưa hấu rớt giá, tiêu thụ khó khăn. Nguyên nhân do thông tin thị trường chưa nhiều và đề nghị Bộ Công thương, các tham tán thương mại cần đánh giá thị trường sâu hơn.
“Họ tiêu thụ những loại gì, bán thế nào, dự báo ngắn, dài hạn nên có chỉ đạo cho địa phương, nếu không sẽ xảy ra tình trạng khi Trung Quốc mua nhiều thì người dân ồ ạt trồng, đến khi họ mua ít thì lại phá đi” - ông Thanh nói.
Trao đổi về vai trò của địa phương, ông Trần Tuấn Anh - thứ trưởng Bộ Công thương - hỏi: Hiện đã có quy hoạch vùng trồng, nhưng sản xuất có theo không? Nếu tiếp tục phá vỡ quy hoạch thế này thì tiêu thụ, lưu thông sẽ như thế nào?
Bộ Công thương phải cung cấp thông tin thị trường, kể cả ngắn và dài hạn, nhưng ông Trần Tuấn Anh cho rằng: Với mặt hàng dưa hấu, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các tỉnh rà soát, đánh giá sản lượng, tính khả năng tồn đọng để đảm bảo thông quan. “Tuy nhiên, không có bất cứ tỉnh nào trả lời” - ông Tuấn Anh đặt vấn đề.
Ông Cao Văn Hóa - phó giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang - bày tỏ nỗi lo vụ thu hoạch dưa hấu tại địa phương mình tháng 6 tới, khi giá sẽ chỉ khoảng 3.600 đồng/kg với quả loại 1. Không nêu yêu cầu dân giữ diện tích trồng rau quả theo quy hoạch đã được chính quyền duyệt nhưng ông Hóa cho biết thực tế “nếu không làm dưa hấu thì phải làm lúa, trong khi vụ lúa xuân hè hiệu quả không cao”.
Ông Hóa cũng khẳng định thiếu thông tin thị trường. Địa phương đã tự tìm tòi, hợp đồng với Viettel để họ thông tin giá cả thị trường, định hướng giá trong 10 ngày, 1 tháng, 3 tháng nhưng không làm được. “Đề nghị bộ kết nối Viettel, VNPT để có thông tin thị trường chuyển đến cơ quan địa phương” - ông Hóa nói.
Đi tìm thị trường ngoại
Theo bà Dương Phương Thảo, đang có nhiều hoạt động để tăng xuất khẩu hàng rau quả của VN. Cụ thể, với thị trường Nhật, bà Thảo nêu các mặt hàng VN như: nước quả cô đặc, quả đóng hộp, rau chế biến như cà tím chiên, đậu bắp luộc... đang được ưa chuộng. Bà Thảo cho biết VN đang tiếp tục đàm phán để phía Nhật cấp phép nhập khẩu xoài.
Đặc biệt thị trường Mỹ, hiện VN đã đệ trình danh sách 11 loại trái cây tiềm năng xuất khẩu của VN lên Cơ quan kiểm dịch động, thực vật Hoa Kỳ. “Đến nay, thanh long ruột đỏ, trắng và vải, nhãn của VN đã được cấp phép. Các sản phẩm khác như vú sữa, xoài... đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để cấp phép” - bà Thảo nói.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng nêu đang hoàn tất thủ tục cho xoài và vú sữa vào Hàn Quốc, mở cửa thị trường Úc cho xoài và thanh long, thị trường New Zealand cho chôm chôm...
Với thị trường Trung Quốc, bà Lê Hoàng Oanh, vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, cho biết thời gian tới vụ này sẽ làm việc với tỉnh Quảng Tây để tận dụng tuyến vận tải đường sắt đưa nông sản sang Bắc Kinh. Tuy nhiên, bà Oanh đề nghị các địa phương nên tổng hợp danh sách thương lái để tạo điều kiện phân luồng hàng hóa, thống nhất giá cả giao dịch...
Kết luận, ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nêu có nhiều quy hoạch cây trồng không được tuân thủ, nhất là khi có giá cao. Ông Doanh cho rằng: “Đừng chạy theo diện tích. Phát triển quá nhanh sẽ thiếu bền vững, rủi ro nhiều” và đề nghị chính quyền địa phương tham gia quyết liệt.
Nêu thực tế xuất khẩu khó còn do dịch bệnh, dân phun mấy chục loại thuốc, ông Doanh khẳng định tới đây Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát lại quy hoạch, tăng đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, ông Doanh nói sẽ sửa đổi quy trình VietGAP theo hướng đơn giản hóa, giảm tiêu chí phức tạp để dân dễ làm...
Có thể bạn quan tâm

Mới đây, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo "Liên kết trong chuỗi cá tra-vấn đề tín dụng và hợp đồng" do Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, theo Bộ Công thương trái thanh long đóng góp đến trên 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây hàng năm của cả nước. Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và truyền thống của trái thanh long.

Khi mặt trời mới ló rạng ở đằng Đông, anh Hoàng Văn Thấu ở xóm Đồng Nghè 2, xã Động Đạt (Phú Lương - Thái Nguyên) đã thả đàn trâu vào rừng.

Trong khi giá lúa đang ở mức thấp khiến người trồng lúa không có lãi, thì các mặt hàng ngô (bắp), đậu tương (đậu nành) lại tiêu thụ khá tốt, giá cao vì nhiều doanh nghiệp có nhu cầu mua để sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Ương giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu”, do thạc sĩ Phan Phương Loan, giảng viên Trường đại học An Giang làm chủ nhiệm.