Tìm Thị Trường Cho Chè Ba Trại

Xã Ba Trại thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội) với thương hiệu chè sạch truyền thống. Chè sạch Ba Trại đã được chứng nhận thương hiệu cách đây 4 năm nhưng người nông dân nơi đây vẫn đang vất vả tìm đường cho sản phẩm truyền thống của mình, nơi mà một thị trường rộng lớn chỉ cách 60km...
Năm 2010 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận cho nhãn hiệu chè Ba Vì. Việc xây dựng thành công thương hiệu đã tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất, chế biến chè tại huyện Ba Vì nói chung và xã Ba Trại nói riêng.
Có lợi thế về khí hậu và đất đai rất thuận lợi cho cây chè phát triển, Ba Trại là xã có diện tích trồng chè lớn nhất huyện Ba Vì với khoảng gần 500ha. Với diện tích đất tự nhiên 2.017 ha, trong đó có gần 1.000ha đất canh tác, diện tích trồng chè trong toàn xã chiếm 1/3 diện tích chè của cả huyện.
Toàn xã có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Với người dân nơi đây, chè là nguồn thu nhập chính. Trung bình mỗi năm, chè của xã Ba Trại cho thu hoạch từ 7 - 8 lứa, vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Những tháng còn lại, sản lượng chè giảm nhưng giá sản phẩm thường tăng gấp đôi.
Gian nan tìm đầu ra
Theo ông Nguyễn Quang Hùng ở thôn 3, xã Ba Trại, đã hơn 4 năm kể từ khi được công nhận thương hiệu, gia đình ông và các hộ dân trồng chè vẫn tự loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, chưa từng có một doanh nghiệp nào đứng ra nhận bao tiêu cho sản phẩm.
Người dân tự trồng, tự chế biến và mang đi tiêu thụ tại các chợ. Chè không có bao bì, nhãn hiệu lại dễ tiêu thụ hơn chè được đóng gói với nhãn mác đầy đủ. Gia đình bác Hùng cũng đã đăng ký thương hiệu chè mang tên Huy Hoàng. Từ khâu chế biến đến đóng gói sản phẩm đều đảm bảo kỹ thuật, bao bì bắt mắt.
Nhưng sản phẩm chè đóng gói rất khó tiêu thụ, chỉ có thể bán cho khách du lịch với số lượng rất ít. Không những thế, chè ở đây còn bị mang sang một số địa phương để lấy thương hiệu khác trong quá trình tiêu thụ. Việc người trồng chè tự tiêu thụ sản phẩm khiến cho đầu ra của chè Ba Trại trở nên rất bấp bênh, giá cả thất thường, gây khó khăn cho việc nâng cao sản lượng và chất lượng chè.
Anh Hoàng Tiến Dũng, thôn 5, xã Ba Trại cho biết:
“Mặc dù chè Ba Trại đã nổi tiếng về chất lượng nhưng sản xuất chè ở đây còn manh mún, chưa có quy hoạch sản xuất và bao tiêu cụ thể.
Từ khi chè Ba Trại có nhãn hiệu chính thức, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội và Trạm Bảo vệ thực vật Ba Vì đã mở một số lớp tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất chè an toàn cho bà con, tuy nhiên người dân thường trồng và chăm sóc chè theo kinh nghiệm nên chất lượng chè chưa đồng đều”.
Anh Dũng mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ có sự phối hợp giữa Hội Nông dân, người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo đầu ra của chè Ba Trại, giúp bà con yên tâm sản xuất, trồng trọt.
Đổi mới giống nhằm tăng sản lượng
Chè được trồng ở xã Ba Trại hiện nay chủ yếu là giống chè trung du lá nhỏ, đã trồng được gần 50 năm. Cây mới lại thường được ươm từ hạt của cây cũ nên chè kém phát triển, sản lượng chè rất thấp chỉ đạt khoảng 10kg chè khô/sào Bắc Bộ.
Hiện nay, xã Ba Trại đang tiến hành trồng thí điểm giống mới cao sản cho sản lượng chè gấp đôi mà chất lượng chè lại không hề giảm sút. Một số hộ gia đình đã và đang trồng thí điểm và kết quả thu lại khá khả quan.
Chè sạch truyền thống trên đất đồi xã Ba Trại đã được khẳng định chất lượng cao từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, chỉ sự nỗ lực của người nông dân trong việc nâng cao chất lượng thì không đủ. Điều quan trọng nhất lúc này là được sự quan tâm của chính quyền, giúp người trồng chè xã Ba Trại phát triển thương hiệu, đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn của thủ đô. Chỉ có như vậy thương hiệu chè Ba Vì mới thực sự là động lực kinh tế làm thay đổi diện mạo vùng quê miền núi còn khó khăn này.
Giống chè được trồng ở Ba Trại chủ yếu là chè trung du lá nhỏ cho năng suất thấp nhưng chất lượng chè được đánh giá rất cao. Chè Ba Trại có đặc điểm nước xanh, thơm, vị chát ngọt dễ chịu nên khá được thị trường ưa chuộng.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Sóc Trăng, đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có gần 60.000 ha, đạt gần 87% kế hoạch năm, trong đó, tôm nuôi nước lợ chiếm trên 42.000 ha. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại vẫn còn ở mức cao, với hơn 18.000 ha, chiếm trên 42% diện tích thả nuôi, tăng hơn 12% so với vụ tôm năm 2013.

Cũng theo Quyết định này, diện tích mặt nước nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL đến năm 2016 sẽ có tối đa là 5.400 ha và cho ra sản lượng từ 1,25 đến 1,3 triệu tấn cá tra nuôi. Ước tính, sản lượng này sẽ cho kim ngạch xuất khẩu vào khoảng từ 2 tỷ đến 2,3 tỷ USD.

Ngày 13/9, tại TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ với sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội nghề cá, cá ngừ Việt Nam, ngư dân 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa…

Trung tâm hỗ trợ 50% chi phí giống cho hộ tham gia mô hình. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia làm đệm lót và hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật và bảo dưỡng đệm lót theo đúng quy định.

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Ngãi đã thực hiện mô hình nuôi ghép tôm với cá dìa trong ao đất tại xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh.