Tìm Lại Vị Ngọt Của Nho

Du khách đến Ninh Thuận thường có ấn tượng khó quên về những chùm nho chín mọng, ngọt lịm. Thiên nhiên đã ưu đãi ban cho tỉnh ta điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp cho sinh trưởng của cây nho.
Là cây đặc sản, nho được trồng rộng rãi từ những năm 1978-1980, đã đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nông dân địa phương. Thời hoàng kim, chẳng hạn năm 1995 diện tích nho đã tăng lên trên 2.000 ha, với sản lượng bình quân 20 tấn/ha, mỗi năm có thể thu hoạch 2-3 vụ, người trồng nho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm/ha.
Cây nho, sau những bước thăng trầm, cho đến nay vẫn được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở tỉnh.
Theo quy hoạch của ngành, đến năm 2015 diện tích trồng nho toàn tỉnh đạt 2.000 ha, trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2.500 ha. Hiện nay với diện tích khoảng 800 ha (riêng huyện Ninh Phước có diện tích gần 300 ha), trong đó có trên 70 ha trồng mới trong vụ Đông Xuân 2013-2014, cây nho chiếm 3% tổng diện tích đất nông nghiệp ở tỉnh nhưng giá trị kinh tế chiếm 13% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ngoài giống nho đỏ Cardinal truyền thống chiếm đa số diện tích trồng, những năm gần đây giống nho xanh NH 01-48 đang được đưa vào sản xuất, là giống nho có chất lượng cao, giá trị thương phẩm hơn hẳn nho đỏ Cardinal. Đơn cử tại thời điểm này, nếu nho đỏ có giá 35.000 đồng/kg thì nho xanh có giá 65.000 đồng/kg.
Ở tỉnh Ninh Thuận, trừ huyện Bác Ái, còn lại địa bàn nào cũng có trồng nho nhưng tập trung trồng nhiều nhất tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Tp Phan Rang-Tháp Chàm. Từ thực tế nhu cầu thị trường, diện tích trồng giống nho xanh NH 01-48 đang tăng lên, thay thế dần cho giống nho đỏ Cardinal đang có những biểu hiện thoái hoá về năng suất và phẩm chất.
Nhiều người trồng nho vẫn còn nhớ đến giống nho Black Queen, có màu đen và hương thơm đặc trưng từng được tôn vinh là “nữ hoàng nho” không chỉ vì có tên theo ngữ nghĩa tiếng Anh, mà còn hàm ý về vị thế của nho giữa các cây trồng khác.
Bây giờ, hầu như không còn ai trồng giống này nữa. Ông Nguyễn Văn Mọi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nho Ninh Thuận và là chủ trang trại nho Ba Mọi (Phước Thuận, Ninh Phước) cho biết: “Có lẽ chỉ duy nhất tôi còn trồng giống nho Black Queen, đây là giống nho có chất lượng cao, giá trị thương phẩm tương đương với giống nho xanh NH 01-48. Nhưng vì mục đích chính là phục vụ khách tham quan nên tôi cũng trồng chưa nhiều”.
Với diện tích trồng 1,5 ha nho, trang trại nho Ba Mọi có 1 ha nho trồng ăn tươi và 0,5 ha nho rượu làm nguyên liệu chế biến rượu vang, riêng nho trồng ăn tươi có 1 sào trồng giống nho đen Black Queen, 1 sào trồng giống nho đỏ Cardinal và 7 sào còn lại trồng giống nho xanh NH 01-48.
Để phục vụ du khách đến tham quan, trang trại trồng đa dạng các giống nho, nhưng chính từ các cuộc tiếp xúc, các nhân viên làm việc trong trang trại nhận thấy giống nho đen Black Queen rất được du khách ưa chuộng từ màu sắc đến hương vị.
Một điều bất lợi thấy rõ là giá cả tiêu thụ nho ăn tươi thường không ổn định và trước sự biến động của thị trường, người trồng nho gặp không ít lao đao. Vì vậy cùng với việc khuyến khích chế biến các sản phẩm từ nho như rượu vang, nho khô, mật nho, việc sản xuất nho an toàn theo hướng VietGAP đang là lựa chọn ưu tiên.
Theo Sở NN&PTNT, trong năm 2013 toàn tỉnh đã có diện tích 25,03 ha nho được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP, bao gồm 1,5 ha của trang trại nho Ba Mọi và trên 23 ha nho của 9 tổ hợp tác (109 hộ) thuộc phường Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm). Trong năm nay, có 66,36 ha diện tích nho tiếp tục được cấp chứng nhận VietGAP, trong đó riêng ở thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) đã có 29,58 ha.
Bằng kinh nghiệm trực tiếp của người sản xuất VietGAP và dán nhãn chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho, ông Nguyễn Văn Mọi chia sẻ: “Để nho sản xuất VietGAP có chỗ đứng chắc chắn trên thị trường, theo tôi cần phải có vai trò định hướng của nhà nước, sự tham gia của doanh nghiệp ngay từ đầu, qua đó thay đổi trong cách tổ chức sản xuất, trong cách đưa sản phẩm ra thị trường, mà quan trọng là ở khâu quảng bá, giới thiệu và có địa điểm bán sản phẩm nho VietGAP”.
Điều ít ai biết, chính khí hậu khô hạn và lượng mưa trung bình hằng năm thấp của tỉnh ta đã tạo thuận lợi cho cây nho phát triển, là lợi thế mà các vùng khác không thể có được. Vì vậy việc đưa các giống nho mới, kể cả giống nho đen Black Queen trước kia vào sản xuất an toàn theo hướng VietGAP nhằm tăng năng suất và phẩm chất là xu hướng tất yếu. Khôi phục lại diện tích trồng nho như đã từng có, nông dân tỉnh ta đang tìm lại vị ngọt của nho ngày nào.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù mới bước vào chính vụ chưa đầy tháng nhưng giá khóm thu mua tại vườn đã giảm gần một nửa so với cách đây vài tháng. Giá khóm đạt mức 2.700-2.900 đồng/trái (loại 1kg), thời điểm sau tết đạt 5.400 đồng/kg.

Cây tiêu được xem là một trong những cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai trong những năm qua. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu tính bền vững, gây ra sự lây lan của dịch bệnh… đã làm thiệt hại không nhỏ đến đời sống của người dân trồng tiêu trên địa bàn.

Ông Đoàn Kiệm nổi tiếng ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán - Đồng Nai) là nông dân có đôi tay “vàng”. Trên vùng đất khô hạn, nhiều loại cây trồng dễ tính còn khó phát triển, ông lại trồng thành công các loại cây đặc sản khó tính, như: cam, quýt, bưởi.

Tôi cũng đã nghĩ đến làm thêm một số việc khác nhưng phần thì không có vốn, phần không có kỹ thuật nên rất khó khăn. Vừa qua, được Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn mô hình làm nấm, mộc nhĩ, bước đầu tôi thấy khá hiệu quả. Sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đấy, gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Những ngày qua, giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL tăng khá mạnh, mà nguyên nhân chính là nhiều thương nhân đang tăng cường thu mua để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.