Tìm lại hương quế Trà My

Qua rồi thời quế đổi... vàng
Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, ở các tỉnh miền Trung, dường như ai cũng dự trữ quế trong nhà như báu vật. Quế có nhiều công dụng: làm gia vị, chữa bệnh... Có thời điểm, người dân Quảng Nam dùng hương quế để làm hương (nhang) đốt thay cho hương trầm.
Thấy cây quế Trà My hiệu quả, người dân ở các địa phương ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) kéo về Trà My để nhân giống và học tập kinh nghiệm trồng quế. Bỗng chốc, quế Trà My trở thành thương hiệu lớn xuất khẩu sang thị trường Hồng Công, Đài Loan. Và cây quế thời đó trở thành cây làm giàu.
Quế Trà My được đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, Cor, M’nông... của vùng Trà My (nay tách ra thành hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My) trồng trong những cánh rừng quanh nhà có vỏ dày, tinh dầu nhiều. Ngày ấy, bất cứ gia đình nào ở Trà My cũng có ít nhất vài trăm gốc quế, có nhà đến cả ngàn gốc. Quế Trà My ngày ấy được ví như... vàng.
Bởi lẽ, 1kg quế Trà My đổi được 1 chỉ vàng, một cây quế 15 đến 20 năm tuổi bán tại vườn 2 cây vàng. Có thời điểm, giá quế lên cao, tư thương lùng sục khắp vùng Trà My tìm mua và còn bỏ tiền ra xây dựng nhà cho người dân để chờ ngày đổi lấy quế.
Tìm lại hương quế Trà My Trước lợi ích quá lớn từ cây quế mang lại, người dân bắt đầu bán cả vườn quế để làm giàu, còn người đồng bằng lên rừng trồng quế. Người người trồng quế, nhà nhà làm quế và muốn làm giàu nhanh, nhiều người đưa cây quế lai từ Thanh Hóa, Yên Bái vào Trà My trồng và từ đó cây quế Trà My chính gốc nhanh chóng... mất dạng.
Tìm đến nhà anh Hồ Văn Vân (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My) hỏi chuyện về cây quế. Nghe có khách, anh Vân vội khoác chiếc áo công nhân, chỉ gốc quế to trong vườn, bảo: “Ngày xưa cây ni bán phải 2 cây vàng”. “Còn bây giờ?”, tôi hỏi. Anh buồn tiu nghỉu: “Khoảng bốn trăm ngàn đồng. Nếu trừ công lột vỏ còn được gần hai trăm ngàn đồng. Nhưng rẻ quá, không bán nữa. Nay nghe huyện hỗ trợ phát triển cây quế Trà My và tìm đầu ra ổn định cho cây quế, gia đình tôi mừng lắm”.
Ông Nguyễn Văn Điền, Trưởng ban Dân vận huyện Nam Trà My, tâm sự: Cây quế lai trồng ở Trà My do không hợp với thổ nhưỡng nên vỏ mỏng, tinh dầu thấp nên giá rất rẻ. Chính vì thế người dân chặt bỏ hết cây quế lai để làm củi hoặc bán với giá rẻ. Nhưng người dân vẫn gìn giữ và nhân rộng cây quế bản địa chứ không chặt bỏ.
Mấy năm qua, huyện Nam Trà My đã triển khai đề án phục hồi thương hiệu quế Trà My. Để khuyến khích người dân nhân rộng giống cây quế Trà My, huyện đã thành lập 9 trại ươm giống rồi giao cho dân trồng.
Đến nay, cả huyện Nam Trà My đã có trên 3.000 hộ dân trồng quế với trên 3 triệu cây quế đang trong thời gian sinh trưởng và phát triển tốt. Mục tiêu từ nay đến 2020, huyện sẽ ươm giống và cung cấp cho người dân phát triển thêm khoảng hơn 3 triệu cây quế giống trên diện tích gần 1.600ha với vốn đầu tư khoảng hơn 6,5 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay đã có hơn 100ha tôm nuôi tại các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu bị chết do dịch bệnh và thời tiết nắng nóng.

“Họ đã chế tạo thành công thuyền du lịch chạy bằng năng lượng mặt trời, không tiếng ồn, không ô nhiễm. Vậy là đã có phương tiện di chuyển không làm chim cò bay dáo dác rồi”.

Đối tượng áp dụng là cá nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã... Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sự thành công của nghiên cứu này dự báo sẽ cho ra 1 chất có cùng chức năng bổ sung protein cho heo, nhưng lại rẻ hơn bột cá mà các trại heo vẫn hay sử dụng.

Đến thăm khu nuôi tôm công nghiệp theo hình thức khép kín của gia đình ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà (Móng Cái - Quảng Ninh) chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, khâm phục trước quyết tâm và sự mạnh dạn của người nông dân dám nghĩ, dám làm này, mà còn bởi sự say mê, sáng tạo trong lao động của ông.