Tìm Hướng Phát Triển Nghề Nuôi Chim Bồ Câu

Trong số các mô hình làm kinh tế gia đình, nuôi chim bồ câu là hướng đi khá mới của nhiều hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ - Thái Nguyên). Nuôi bồ câu có ưu điểm là vốn đầu tư ít, dễ chăm sóc, cho thu nhập cao. Tuy nhiên hầu hết các gia đình ở đây đều đang phát triển đàn một cách cầm chừng bởi họ lo sẽ khó tìm nơi tiêu thụ ổn định.
Nuôi chim bồ câu không còn mới đối với nhiều gia đình ở Nam Hòa, nhưng trước kia hầu hết mỗi hộ chỉ nuôi vài ba đôi để “làm cảnh” và cải thiện bữa ăn gia đình. Nhưng 2 năm trở lại đây, nắm bắt được tâm lý nhiều người coi thịt chim bồ câu là thực phẩm lành, sạch và bổ dưỡng nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhiều hội viên phụ nữ đã đầu tư nuôi chim bồ câu với số lượng lớn hơn.
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hiện có khoảng gia đình 50 hội viên đang nuôi chim bồ câu, trong đó tập trung nhiều ở các xóm: Chí Son, Đầm Cỏ, Bờ Suối, Gốc Thị.
Bình quân mỗi nhà nuôi từ 15-20 đôi. Nhiều gia đình chọn phương thức nuôi chăn thả, một số khác nuôi nhốt. Là một trong những người tiên phong nuôi chim bồ câu theo hướng hàng hóa, năm 2012, chị Hoàng Thị Thảo, xóm Bờ Suối, đầu tư 40 đôi chim bồ câu giống. Với diện tích đất vườn đồi 2ha chị chọn phương pháp nuôi chim bồ câu thả tự nhiên.
Chuồng chim được thiết kế đơn giản, chỉ bằng cây tre, gỗ đóng thành từng giá chia làm nhiều ô, xung quanh được quây lưới và để một khoảng trống để chim có thể ra vào. Vừa nuôi chim bán, vừa để gây giống, gia đình chị hiện có trên 100 cặp chim bồ câu sinh sản đều đặn.
Chị Thảo cho biết: Bồ câu sinh trưởng và phát triển nhanh, từ lúc nở đến khi bồ câu ra ràng là 45 ngày. Trong khoảng thời gian ấy bồ câu mẹ có thể vừa đẻ vừa nuôi con. Hầu như lúc nào gia đình tôi cũng có chim bồ câu bán, số lượng nhiều hay ít tùy thời điểm.
Khi không có khách đến nhà mua, tôi đem ra chợ Thái bán với giá 90 nghìn đồng/cặp, còn chim giống là 120.000 đồng/cặp, mỗi tháng thu được 3 đến 5 triệu đồng. Mặc dù vậy chị Thảo cũng không khỏi lo lắng bởi hiện nay nhu cầu tiêu thụ chim bồ câu là khá lớn, ngoài các nhà hàng đặt mua, chị vẫn mang ra chợ để bán.
Nuôi chim bồ câu cho thu lợi trong thời gian ngắn, chi phí và rủi ro thấp nên phù hợp với cả những hộ khó khăn về vốn cũng như nguồn nhân lực. Nuôi chim hoàn toàn có thể tranh thủ thời gian, ngày chăn 2 lần và 3 ngày mới phải dọn chuồng một lần. Để phòng bệnh chỉ cần hòa thuốc vào nước cho chim uống.
Gia đình chị Hoàng Thị Sáu, xóm Gốc Thị, cuối năm 2012 chỉ mua được 20 cặp chim bồ câu giống, đến nay gia đình chị cũng đã nhân ra được 100 cặp.
Chị cho biết: Riêng năm ngoái gia đình tôi thu lãi được hơn chục triệu đồng. Nuôi chim bồ câu kinh tế hơn trồng cấy, chăn gà, lợn rất nhiều, lại ít lo bệnh tật. Hiện nay, gia đình tôi nuôi được bao nhiêu có khách hàng đến tận nhà mua hết. Có điều khách mua lần nào chúng tôi chỉ biết lần đó nên vẫn lo lắng về vấn đề tiêu thụ.
Theo tính toán, chi phí đầu tư ban đầu xây chuồng nuôi nhốt chim là không lớn. Mỗi cặp chim chỉ ăn hết khoảng vài lạng thóc gạo/ngày, với giá bán bình quân 90 nghìn/cặp, nếu chăn 100 cặp chim giống sẽ giúp người nuôi thu về khoảng 35-40 triệu đồng/năm, một nguồn thu khá lớn ở nông thôn nhất là đối với các hộ dân có vốn ít.
Tuy nhiên, thực tế nuôi chim bồ câu ở Nam Hòa vẫn đang chỉ được coi là nghề phụ, trong khi với nhiều gia đình nó lại là nguồn thu nhập chính. Chị Trần Thị Bắc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã trăn trở: Hiện chúng tôi còn 20% hội viên phụ nữ nghèo (toàn xã có 1.734 hội viên), để giúp chị em thoát nghèo bền vững thì nuôi chim bồ câu có thể được coi là một hướng đi phù hợp.
Trong thời gian tới, Hội dự định sẽ tổ chức cho chị em thành lập các tổ, nhóm nuôi chim bồ câu. Chúng tôi tin, nếu được tiếp cận nhiều hơn với nguồn vốn hỗ trợ và đặc biệt tìm được đầu ra ổn định, lâu dài thì chim bồ câu sẽ trở thành vật nuôi giúp hội viên phụ nữ và nhiều người dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Một cây sầu riêng ít nhất cũng cho ta từ 20-70 trái. Nếu được chăm sóc tốt, có cây sầu riêng còn cho ta từ 200-500 trái/năm. Sầu riêng trồng 1 lần nhưng cho ta thu hoạch liên tục trong 50-60 năm.

Với mục tiêu năng suất, sản lượng trong sản xuất lúa mùa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của địa phương, huyện Mường Ảng tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án sản xuất, chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, vật tư phân bón và kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nhằm khuyến khích người dân tích cực sản xuất vụ mùa…

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông Na Hang, UBND xã Năng Khả tổ chức triển khai thực hiện dự án chăn nuôi trâu sinh sản cho 10 hộ gia đình trên địa bàn xã Năng Khả, với tổng số vốn đầu tư gần 400 triệu đồng.

Trong hai tháng 5 và 6/2013, các Trạm Khuyến nông ở huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu... của tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều đợt cấp cá giống cho các hộ dân trong vùng gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Tháng 4-2013, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh (Tứ Kỳ - Hải Dương) phối hợp với Công ty Nông sản Hải Dương triển khai sản xuất giống ngô ngọt trên diện tích 15 ha.