Tìm Giải Pháp Tối Ưu Khai Thác Và Xuất Khẩu Cá Ngừ

Bộ NN&PTNT cần sớm ban hành các mẫu thiết kế tàu cá đóng mới để ngư dân lựa chọn; đồng thời ban hành một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng cá và kỹ thuật khai thác.
Ngày 13/9, tại TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp khai thác và xuất khẩu cá ngừ với sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội nghề cá, cá ngừ Việt Nam, ngư dân 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa…
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hiện trên cả nước có khoảng 3.600 tàu khai thác cá ngừ, sản lượng khai thác từ năm 2012 đến nay vẫn giữ ổn định ở mức 16.000 tấn/năm.
Tuy nghề khai thác cá ngừ có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây, song vẫn còn bộc lộ một số bất cập như tàu cá nhỏ, công nghệ khai thác và bảo quản lạc hậu, tổ chức sản xuất thiếu chặt chẽ, công tác thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ còn nhiều bất cập…
Để thúc đẩy nghề khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ phát triển ổn định, đồng bộ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để tổ chức khai thác và xuất khẩu cá ngừ đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc hiện nay mà nghề khai thác, xuất khẩu cá ngừ gặp khó khăn: Ngư trường, rủi ro trên biển và chất lượng không đảm bảo, giá cả bấp bênh, công nghệ lạc hậu… rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Đào Tấn Lộc, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời đã tạo một động lực, cơ hội mới để ngư dân vươn khơi bám biển làm ăn. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể để triển khai thực hiện nghị định tốt hơn.
Bộ NN&PTNT cần tập huấn kỹ thuật, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến… để ngư dân áp dụng và chọn những đối tác nước ngoài giới thiệu cho các tỉnh nhằm liên kết hợp tác làm ăn.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ban hành các mẫu thiết kế tàu cá đóng mới để ngư dân lựa chọn; đồng thời ban hành một số quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng cá, đá lạnh dùng ướp cá, kỹ thuật khai thác.
Ngoài ra, Trung ương cần thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi…
Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu thời gian tới Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh tiếp tục nắm bắt sát hơn về yêu cầu thị trường, đặc biệt là Nhật Bản, để xây dựng thành những quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng về cá ngừ để thống nhất, hướng dẫn, tập huấn cho ngư dân.
Các tỉnh tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân sử dụng một số trang thiết bị mới như máy thu câu, xung điện, đá lạnh đạt chất lượng, cách bảo quản, vận chuyến… nhằm đảm bảo chất lượng cá ngừ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tiếp tục vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp và ngư dân thực hiện tốt đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.
Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương sớm tổ chức tập huấn cho ngư dân về kỹ thuật khai thác, bảo quản, chế biến và đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân.
Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác điều tra, dự báo ngư trường, cơ cấu lại ngành nghề cho phù hợp, hướng dẫn đóng mới, cải hoán tàu cá và chuẩn bị kỹ các phương án để xây dựng một số cảng cá đạt tiêu chuẩn. Trước mắt, ưu tiên cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, mỗi tỉnh đầu tư xây dựng một cảng cá.
“Việc đề nghị thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, Bộ NN&PTNT thống nhất, sẽ cử Thứ trưởng Vũ Văn Tám chủ trì, đồng thời đề nghị 3 phó chủ tịch UBND của các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa cùng tham gia”, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm

Sống gần hồ đập thủy lợi, nhiều hộ dân trong tỉnh Bắc Giang mạnh dạn nhận thầu diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Từ đầu năm đến nay, ngư dân trong tỉnh Ninh Thuận khai thác được 23.319 tấn hải sản các loại, đạt gần 33% kế hoạch năm và bằng 57,36% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là dù đã vào cuối vụ Bấc, nhưng trong tháng đầu năm, trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, ngư trường quen thuộc của ngư dân tỉnh ta, luôn có gió mùa Đông Bắc cấp 6, giật cấp 7,8 đã làm ảnh hưởng đến sản lượng khai thác.

Ông Phan Hữu Đức (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết cách nay khoảng 15 ngày, thương lái đến tận vườn mua xoài cát Hòa Lộc với giá dao động 22.000-25.000 đồng một kg; xoài cát Chu cũng đứng ở mức 13.000-14.000 đồng một kg. Nhiều chủ vựa còn thu mua cả xoài non với cùng mức giá như xoài già để bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.

Giá dưa hấu tăng trở lại và tiêu thụ tốt giúp nông dân một số tỉnh miền Trung phần nào thoát khỏi khó khăn sau đợt rớt giá thê thảm hồi tháng 3.

Trường ĐH Cần Thơ triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh xen vườn dừa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giúp nhiều nông hộ tăng thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích.