Tìm đường tiêu thụ cho hành tím Sóc Trăng

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có quyết định gửi Công ty TNHH một thành viên đường sắt Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên đường sắt Sài Gòn về việc hỗ trợ vận chuyển miễn phí hành tím của nông dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh ở miền Nam bằng đường sắt nhằm chia sẻ khó khăn cho nông dân.
Thông tin trên khiến bà con nông dân trồng hành ở Sóc Trăng- nơi chiếm hơn 80% lượng hành tím sản xuất ở miền Tây Nam bộ, khấp khởi mừng vì có thêm lối đi ra thị trường cho củ hành tím vốn đang chất đống trong kho chứa.
Ông Lưu Việt Sơn - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Sóc Trăng - cho biết, theo kế hoạch của niên vụ 2014 - 2015, hành tím trồng ở Sóc Trăng là 6 ngàn ha, sản lượng đạt 105 ngàn tấn, thực tế diện tích trồng và sản lượng có thể tăng thêm con số mà kế hoạch đặt ra khoảng 10%. Trước đây, hành tím Sóc Trăng sản xuất ra phần lớn xuất khẩu đi Indonesia, mấy năm nay, mãi lực xuất khẩu giảm dần, nguyên nhân không phải do hàng kém chất lượng mà vì nhu cầu tiêu thụ của đối tác giảm.
Theo ông Sơn, hiện tại ở Sóc Trăng, lượng hàng tồn kho là bao nhiêu ngành nông nghiệp không nắm được, bởi lẽ hành tím được trồng tự phát, việc trồng, thu hoạch, tiêu thụ do người nông dân “tự quyết”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Chí - Phó phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng)- cho hay, vụ hành tím năm nay, thị xã Vĩnh Châu đạt khoảng trên dưới 90 ngàn tấn, sản lượng hành tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2015 vào khoảng 20 ngàn tấn, 20 ngàn tấn bà con để dành làm giống cho vụ tới. Như vậy, tại Vĩnh Châu hiện có từ 50 - 60 tấn hành tím đang nằm trong kho chờ bán.
Ông Huỳnh Thanh Tân - ngụ xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu - chia sẻ, hành tím Vĩnh Châu trước Tết giá lên tới 27 - 30 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 4 - 5 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, người trồng cầm chắc lỗ không dưới 4 triệu đồng/ha. Mặc dù bây giờ bán thì lỗ nhưng chí ít thì cũng giải phóng được hàng và có tiền trả lãi ngân hàng.
Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNN Sóc Trăng Lưu Việt Sơn cho rằng, cây hành tím ở Sóc Trăng được trồng nhiều nhưng dưới hình thức tự phát và khâu khó nhất là đầu ra cho sản phẩm. Trong nhiều cuộc họp về xúc tiến thương mại cấp tỉnh, thậm chí khu vực, vấn đề tìm giải pháp để tiêu thụ hành tím đều được đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải. “Tập quán sử dụng củ hành làm gia vị trong ẩm thực là thói quen truyền thống của người Việt. Với sản lượng hành tím Sóc Trăng và tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), chỉ cần hệ thống siêu thị bao tiêu thì sẽ không còn xảy ra chuyện được mùa mất giá, sản phẩm thu hoạch xong chất đầy kho như hiện nay” - ông Sơn khẳng dịnh.
Thông tin từ ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc marketing, Saigon Co.op - ngày 16/4, đại diện hệ thống siêu thị Coop Mart đã làm việc với các Sở Công Thương và nông dân ở khu vực miền Tây Nam bộ để thu mua hành tím đưa vào siêu thị tiêu thụ. Coop Mart mua sản lượng hành tím cho nông dân được bao nhiêu, giá cả ra sao còn phụ thuộc vào thực tế, nhưng chắc chắn lợi ích của việc hợp tác tiêu thụ mặt hàng này thuộc về nông dân.
Ngành đường sắt miễn 100% giá cước cho đối tượng là hộ nông dân có nhu cầu vận chuyển sản phẩm ra miền Bắc tiêu thụ. Quãng đường vận chuyển miễn phí từ ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) đi các ga khu vực phía Bắc đến hết ngày 15/5/2015.
Có thể bạn quan tâm

Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.

Vụ tôm sú 2013 đã qua một nửa thời gian nhưng người dân ở Trà Vinh, Bến Tre vẫn không dám thả nuôi do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp và đã cạn vốn.

Nhờ được vay vốn không phải trả lãi, nhiều hộ ND ở Hải Dương đã có điều kiện mua máy cày, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp, ô tô tải nhẹ...

Với sự năng động, dám nghĩ dám làm và bằng kiến thức tích lũy được qua tìm tòi, nghiên cứu, anh Trần Văn Biên ở thôn Bình Tiến, xã Phước Minh (Bù Gia Mập - Bình Phước) đã có một trang trại nuôi ong mật quy mô lớn, đem lại nguồn thu không dưới 400 triệu đồng mỗi năm.

Ngày 4/6/2013, tại khu nuôi tôm công nghiệp 200 ha ấp Long Thạnh, xã Long Toàn, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Trà Vinh; phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Duyên Hải và bà con ngư dân xã Long Toàn tham dự tổng kết Mô hình trình diễn nuôi cá chẽm trong ao đất bằng thức ăn công nghiệp.