Tìm Đầu Ra Cho Sò Huyết

Trong thời gian qua, mô hình nuôi cá bống tượng và các loài cá nước ngọt, lợ khác phát triển khá mạnh ở huyện Cái Nước (Cà Mau). Qua đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, người dân nhiều phen khốn đốn vì trúng mùa nhưng không trúng giá.
Hiện nay, con sò huyết cũng là đối tượng được chính quyền ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước, khuyến khích người dân phát triển sản xuất và thời gian qua nó cũng đem lại hiệu quả khá khả quan. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển thì việc tìm đầu ra cần được quan tâm một cách sâu sát và triệt để.
Với thế mạnh dễ dàng trong khâu nuôi như: kỹ thuật đơn giản, ít tốn công chăm sóc, mức độ rủi ro ít, giá cao, lại phù hợp với vùng có nhiều phù sa và thuỷ triều lên xuống, hơn 2 năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2012 đến nay, hiệu quả từ mô hình nuôi sò huyết thương phẩm mang lại cho người dân ấp Khánh Tư là không nhỏ. Nhiều hộ gia đình vươn lên khá giàu.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân thì thương lái thường xuyên mua ép giá sò của họ. “Giá trung bình 1 kg sò từ 55.000 - 65.000 đồng tuỳ con lớn hay nhỏ, nhưng họ chỉ mua với giá 45.000 - 55.000 đồng, cò kè dữ lắm họ mới chịu mua lên cho mình”, một người dân ở ấp Khánh Tư chia sẻ.
Anh Nguyễn Thanh Sang, người dân ấp Khánh Tư, cho biết: “Do các thương lái thường hạ giá xuống thấp hơn thị trường nên nhiều người đã tự mang sò đi Cái Nước bán. Nhưng trừ chi phí đi lại cũng không còn lời được bao nhiêu”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thới Lê Hoàng Anh cho biết: “Việc tìm đầu ra cho con sò huyết vẫn là vấn đề nan giải. Đa số thương lái đều làm ăn nhỏ lẻ theo hộ gia đình, họ mua sò của người dân và bán lại cho các cơ sở lớn, nên sẽ khó khăn khi thuyết phục họ mua với giá cao. Hiện xã đang liên hệ với các chủ cơ sở để thu mua sò ổn định cho bà con”.
Một khi mô hình nuôi sò huyết được nhân rộng thì việc tìm đầu ra cho con sò huyết là việc làm cấp bách cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng. Có như thế con sò huyết mới không phải chịu chung số phận với con cá bống tượng.
Có thể bạn quan tâm

Liên tiếp là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trồng rừng mới, với độ che phủ đạt 64%, song hiện nay tỉnh Tuyên Quang bị “tố” vì các dự án trồng rừng kém hiệu quả, nhiều nơi đã lợi dụng trồng mới để... phá rừng.

Như NTNN đã đưa tin, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đang xuất hiện tình trạng sâu đục thân mình trắng (Xylotrechus quadripes Chevrolat) tàn phá cây cà phê, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Theo các chuyên gia nông nghiệp, loại sâu này hoạt động quanh năm và phát triển mạnh ở những khu vực nhiệt độ cao và nhiều ánh sáng.

Chỉ với 4 con chim trĩ giống nuôi từ năm 2011, đến nay anh Trần Văn Chức, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã nhân thành công mô hình nuôi chim trĩ hàng hóa và trở nên khấm khá.

Hồi đầu năm 2014, trước mức giá hấp dẫn của khoai môn (dao động từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, có lúc lên đến 18.000 đồng/kg), nhiều nông dân ở An Giang đổ xô đi trồng khoai.

Ngày 19.7, Sở NNPTNT Thanh Hóa, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo tuyệt đối không được trồng rộng rãi cây mắc ca ở những diện tích chưa qua khảo nghiệm.