Tiêu Thụ Sôi Động, Gạo Thơm Tăng Giá Vùn Vụt

Trong khi gạo chất lượng thấp (IR 50404) đang rớt giá thảm hại những ngày gần đây, thì gạo thơm lại tăng giá vùn vụt, tiêu thụ sôi động hẳn lên nhưng nguồn cung trên thị trường hiện không còn nhiều.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc doanh nghiệp gạo Yến Ngọc (TP.HCM) - người chuyên lấy gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, khẳng định chỉ trong một tuần qua, giá lúa gạo thơm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tăng vọt lên khoảng 300-500 đồng/kg so với mức giá trước đó.
Cụ thể, hiện lúa thơm nhẹ OM 4900 có giá dao động khoảng 5.200-5.300 đồng/kg và 5.300-5.400 đồng/kg đối với lúa thơm Jasmines (lúa tươi), tăng 300-400 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần trước.
Riêng đối với lúa thơm Đài Loan, theo một số thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, hiện lúa khô của giống này có giá dao động khoảng 8.200-8.400 đồng/kg, tăng 400-500 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần trước.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Thọ, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết hiện gạo thành phẩm của giống gạo thơm OM 4900 và Jasmines tại đây có giá dao động lần lượt là 9.600-10.500 đồng và 10.100-10.500 đồng/kg, tăng khoảng 400-500 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tuần rồi.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, hiện giá chào xuất khẩu gạo thơm cũng tăng rất nhanh, tăng khoảng 20-30 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi cuối tháng 4 rồi, lên mức 520-530 đô la Mỹ/tấn.
Lý giải nguyên nhân giá lúa gạo thơm tăng mạnh trở lại, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho biết do nguồn cung trên thị trường hiện còn rất ít, trong khi xuất khẩu vào một số thị trường ở khu vực Đông Nam Á, châu Phi… đang tăng trở lại.
“Không chỉ xuất khẩu tăng, tiêu thụ nội địa cũng sôi động nên kéo giá lúa gạo thơm tăng theo”, ông Bình cho biết.
Còn theo bà Yến, dù không quá sôi động như hồi tháng 3-2014 nhưng hiện cũng có nhiều doanh nghiệp đã đóng hàng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc trở lại.
Ông Bình của Công ty Trung An nhận định, thời gian tới, giá lúa gạo thơm sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn cung của loại gạo này trong vụ hè thu không nhiều.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ đầu năm đến cuối tháng 4-2014, xuất khẩu gạo ở những doanh nghiệp hội viên của VFA đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá FOB khoảng 689 triệu đô la Mỹ.
Riêng trong tháng 4, doanh nghiệp của VFA xuất khẩu được khoảng 351.000 tấn, trong đó có khoảng 104.000 tấn gạo thơm các loại, chiếm khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu của tháng 4.
Có thể bạn quan tâm

Năm 1982, ông Thục từ chiến trường miền Nam trở về quê hương với thương tật ¼. Về quê, ông cùng với vợ con chăm chỉ làm ăn nhưng đói nghèo cứ bủa vây lấy gia đình ông. Năm 1988, ông “bén duyên” với nghề nuôi ong. Lúc đầu, ông nuôi thử 5 đàn ong.

Nhìn ông Tư Đắc khó ai biết được ông đã ở vào cái tuổi 70. Những bước chân thoăn thoắt bám theo đàn bò trên vùng đất gập gềnh sỏi đá của ông khiến chúng tôi đeo theo muốn bở hơi tai. 20 năm trước, ông Tư Đắc cùng hai người bạn từ phố thị Phan Rang rủ nhau lên đây thuê 120ha đất khai hoang.

Nhờ nuôi cá sấu, người nông dân tròm trèm 60 tuổi với nước da ngăm đen, giọng nói điềm đạm từng rướn mình chở khách trên khúc sông trước nhà, nay đã trở thành doanh nhân tỷ phú, đối tác mãi tận trời Tây .

48 tuổi đời, hơn 30 năm kinh nghiệm làm nông, anh Từ Đình Vang (thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã có được cơ ngơi bạc tỷ.

Theo đó, Công ty Rijk Zwaan sẽ phối hợp với các hộ nông dân Đà Lạt hình thành một cơ sở trồng và nghiên cứu các loại giống rau Đà Lạt và giống ngoại nhập (khoảng 3 - 5ha), đồng thời sẽ lập một trang trại chuyên sản xuất hạt giống, đặc biệt là hạt giống rau, để cung cấp cho Việt Nam và xuất khẩu (khoảng 15 - 20ha).