Tiêu được giá, nhưng lo dịch bệnh

Thu nhập cao từ cây tiêu
Vừa hái xong mấy sào tiêu, nông dân Trần Văn Ba đã nhanh chóng thuê người dọn cỏ cho vườn tiêu và tiến hành vô phân. Ông Ba là một trong những hộ dân có vườn tiêu lớn nhất nhì nông trường với 800 gốc tiêu. Mỗi năm ông thu về hơn 1 tấn tiêu khô. Sở dĩ tiêu của ông Ba luôn xanh tốt và cho quả là vì, ông biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Ba cho biết: “Tôi đã đưa hệ thống tưới phun tự động vào sử dụng được hai năm nay. Tuy chi phí đầu tư ban đầu có cao nhưng về lâu dài thì đem lại lợi nhuận cao hơn. Vì sử dụng hệ thống tưới phun tự động tôi có thể tiết kiệm được nhiều thứ như nhân công, tiền điện… Đặc biệt là vào mùa nắng có thể tiết kiệm được một lượng nước tưới đáng kể vì ở đây đào được cái giếng có nước là rất khó và phải đào trên 45m mới có nước”.
Theo tính toán của ông Ba thì mùa vụ năm nay trung bình mỗi gốc tiêu của ông cho ra 1,5kg tiêu khô. Như vậy với 800 gốc tiêu, ông thu được 1,2 tấn tiêu khô. Với giá bán 220 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, ông lãi hơn 150 triệu đồng. “Đối với người nông dân ở đây thì cây tiêu là nguồn thu nhập chính. Và cũng nhờ năm nay giá tiêu tăng cao hơn năm trước mà tôi mới thu được lãi cao. Nếu so với các loại cây trồng khác thì đúng là cây tiêu cho thu nhập cao gấp nhiều lần”, ông Ba chia sẻ.
Không chỉ riêng ông Ba mà từ khi cây tiêu có chỗ đứng trên thị trường thì nhiều hộ dân trồng tiêu ở nông trường cũng đã khá lên nhờ loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao này. Hiện tại khu dân cư Nông trường 25.3 có 74 hộ dân sinh sống. Hầu hết các hộ này đều sống dựa vào cây tiêu.
Nông dân vẫn lo
Mặc dù giá tiêu năm nay tăng đột biến, nhưng hàng chục hộ dân trồng tiêu ở Nông trường 25.3 vẫn ăn ngủ không yên. Nguyên nhân là do từ nhiều tháng nay, hàng trăm gốc tiêu tự nhiên héo rũ rồi chết mà không rõ nguyên nhân. Điều này đã khiến cho năng suất tiêu giảm xuống đáng kể.
Nhìn những gốc tiêu xanh mướt dần bị khô héo, bà Trần Thị Nhương chỉ biết lắc đầu tiếc nuối: “Tuy giá tiêu năm nay cao hơn nhiều so với mấy năm trước, nhưng do tiêu bị chết khi quả còn non nên đã làm cho năng suất giảm đi rất nhiều. Trung bình mọi năm với 240 gốc tiêu tôi cũng thu được khoảng 3 tạ tiêu khô. Vậy mà mùa vụ năm nay chỉ thu được 1 tạ…”.
Lo lắng cho nguồn thu nhập chính bị giảm sút, người trồng tiêu ở nông trường cũng đã tìm mọi cách để cứu chữa. Tuy nhiên, đến nay người nông dân vẫn không tìm được lời giải nào về loại bệnh này. Để hạn chế tình trạng bệnh lây lan sang các gốc tiêu còn lại, người trồng tiêu đã tiến hành chặt bỏ và đốt cây tiêu. Còn những vùng đất xung quanh gốc tiêu bị bệnh thì họ cũng tiến hành xử lý bằng cách rải vôi để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Song liệu rằng với cách làm trên có xử lý được hết mầm bệnh, không lây lan sang các vườn tiêu khác hay không thì người dân vẫn chưa biết.
“Hiện tại thì bệnh mới phát triển, lây lan ở phía dưới nông trường. Còn khu vực phía trên thì cây tiêu vẫn phát triển xanh tốt. Thế nhưng nếu như không tìm ra nguyên nhân và trị được bệnh, thì những diện tích còn lại cũng có khả năng bị nhiễm bệnh. Song bây giờ mình chỉ có thể phòng chứ không thể chống được. Do đó trước mắt là phải chăm sóc tốt cho cây tiêu. Nhất là vào mùa mưa phải làm sao cho gốc tiêu thoát nước nhanh, tránh tình trạng ứ đọng nước”, nhiều nông dân chia sẻ.
Quảng Ngãi chưa phải là tỉnh phát triển về cây tiêu. Thế nhưng những năm gần đây, số lượng cây tiêu trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng. Và thực tế cây tiêu đã phát huy được giá trị của một loại cây công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Quảng Ngãi. Song điều mà nông dân trồng tiêu lo lắng chính là dịch bệnh đang lây lan trên cây tiêu…
Có thể bạn quan tâm

Ngày (2/8), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Công ty Yanmar (Nhật Bản) phối hợp với Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang khánh thành tàu khảo sát và huấn luyện bằng vật liệu composite Yanmar, đồng thời giới thiệu chương trình hợp tác với ngư dân để nâng cao chất lượng cá ngừ.

Vợ chồng anh Lương Văn Luyên (1972) và chị Lang Thị Hà (1970) tại bản Kẹ Lè, xã Châu Hội là những người đầu tiên áp dụng công nghệ nuôi lợn sạch bằng phương pháp ủ men vi sinh nền đệm lót sinh học ở Qùy Châu. Đây là phương pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể xảy ra cho người và vật nuôi.

“Gần 20 năm trong nghề nuôi trồng thuỷ sản, cái nghề như “đánh bạc” với trời này tôi đã từng có giai đoạn mất trắng, phải bán cả nhà cả cửa” - đó là tâm sự của ông Lương Thanh Phương, chủ trại giống Hải Hoà, phường Hải Hoà (TP Móng Cái, Quảng Ninh), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phương Thanh.

Nhằm thực hiện Dự án nuôi thử nghiệm bò lai chất lượng cao, sáng 19/7, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) tổ chức thu mua hơn 60 con bê giống của bà con nhân dân trên địa bàn 3 huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân.

Dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đang triển khai có hiệu quả góp phần bảo tồn, tái tạo và phục hồi nguồn lợi bào ngư, duy trì ổn định hệ sinh thái tại Bạch Long Vĩ nói riêng và ở Việt Nam nói chung.