Tiêu Chết Rụi Hàng Loạt

Một thời gian dài, cây hồ tiêu được xem là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao của nông dân xã Văn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, những vườn tiêu hàng nghìn gốc của bà con nơi đây bỗng dưng chết rụi…
Ông Phạm Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Văn Thủy cho biết, thời hoàng kim (năm 2007) toàn xã có hơn 50ha hồ tiêu, mỗi năm mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho bà con nông dân. Thế nhưng, những năm gần đây, cây tiêu liên tục đổ bệnh và chết hàng loạt mà không cách gì cứu chữa được. Đến hiện tại, toàn xã còn chưa đầy 25ha tiêu và số này cũng đang chết lần chết mòn.
Theo ông Thuỷ-cán bộ bảo vệ thực vật huyện đã xác nhận, cây tiêu ở địa phương chết do nhiễm một loạt bệnh như: Thối gốc, tuyến trùng rễ, đốm lá, thán thư, vàng lá chết nhanh, vàng lá... đồng thời khuyến cáo bà con dùng thuốc để phòng trừ. Tuy nhiên, bà con đã dùng nhiều cách nhưng vẫn bất lực nhìn vườn tiêu của mình chết rụi hàng loạt.
Rất nhiều hộ trồng tiêu ở xã Văn Thủy có tới 1.000 gốc tiêu (khoảng 1.000 m2) mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng nhưng chỉ với một thời gian ngắn, vườn tiêu của họ đã bị nhiễm bệnh, tất cả đều chết rụi.
Trong 7 thôn của xã Văn Thuỷ, Trạng Cau là thôn từng có diện tích tiêu lớn nhất xã. Thế nhưng hiện tại, cây tiêu hầu như “sạch bóng” ở thôn này. Trưởng thôn Trạng Cau Đỗ Tấn Công cho biết, cách đây 4 năm vườn tiêu của gia đình ông bình quân mỗi năm thu về khoảng 1 tấn hạt tiêu khô. Thế nhưng, bây giờ không biết vì bệnh gì mà cây tiêu cứ chết dần, không cứu nổi.
Tiếc vườn tiêu đang cho thu nhập ổn định, bỗng dưng tiêu tan, nhưng ông Công và bà con nông dân nơi đây cũng rất đau đầu vì không biết tìm ra cây gì có thể thay thế cho cây tiêu. Theo ông Công, trước đây cây tiêu dễ trồng, chỉ 3 năm là cho thu hoạch và thu hoạch kéo dài gần 20 năm.
Còn bây giờ nhiều hộ chuyển vườn tiêu của mình sang trồng cây cao su nhưng thiếu vốn vì thời gian trồng cây cao su mất rất nhiều năm mới có thu hoạch. Nhiều hộ dân vì thế đành chấp nhận bỏ hoang vườn trông rất xác xơ.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.

Dự án sản xuất phát triển kinh tế hộ được triển khai đến các hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Đức (Châu Thành - Tiền Giang), từ tháng 8-2012 đến tháng 8-2013 với sự tham gia của 20 hộ. Đây là những hộ khó khăn, không có nhiều đất cũng như vốn sản xuất nhưng chăm chỉ làm ăn và mong muốn thoát nghèo.

Vụ thu đông năm nay, toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 265 ha dưa hấu, tăng 160 ha so với cùng kỳ năm ngoái với các giống có năng suất, chất lượng cao như: Trang Nông 1786, Trang Nông 575, Tai Sơn 46, Tai Sơn 54. Ba xã dẫn đầu toàn huyện về diện tích dưa hấu là Ngọc Lý, An Dương, Cao Xá.

Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên khi chứng kiến mô hình xen canh nho - trôm độc đáo của anh Phương Bảo Toàn 51 tuổi ở thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận). Hàng chục cây trôm thẳng đứng tỏa cành tạo “mái che” xanh mát cho vườn nho đang mùa đơm bông kết trái. Mô hình nho - trôm đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp gia đình anh bảo đảm cuộc sống no ấm, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vào một ngày đầu đông, chúng tôi có dịp tìm tới trang trại gà siêu trứng của ông Đôn Đức Hùng tại Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Từ một người tàn tật, giờ đây ông Hùng không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều người, giúp họ có công ăn việc làm ổn định.