Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiếp Vốn Cho Nông Dân Nuôi Thủy Sản

Tiếp Vốn Cho Nông Dân Nuôi Thủy Sản
Ngày đăng: 24/05/2012

Thông qua Dự án Nuôi thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (do T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Nam Định thực hiện), 26 hộ dân vùng ven biển xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã được tiếp vốn để nuôi tôm.

Những năm gần đây, do cách nuôi truyền thống không còn phù hợp nên tôm thường chết nhiều, năng suất không cao. Việc tiếp cận được nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) với lãi suất thấp là động lực để các hộ nông dân ở Hải Đông mở rộng quy mô, thay đổi phương thức nuôi thuỷ sản.

Mở rộng quy mô sản xuất

Các hộ được tiếp vốn dự án lần này đều có kinh nghiệm nhiều năm nuôi thủy sản nước lợ và nước mặn. Anh Nguyễn Văn Cường là một trong những hộ đầu tiên ở xã Hải Đông thực hiện chuyển đổi từ ruộng làm muối sang đào ao nuôi tôm. Do nuôi theo cách thủ công và thiếu kinh nghiệm nên 3 vụ đầu tiên tôm chết nhiều, số tiền thu lại chẳng được bao nhiêu.

Muốn duy trì nghề nuôi tôm nhưng anh Cường chẳng biết vay tiền ở đâu. Anh cho biết: “Vay ngân hàng phải thể chấp tài sản, lãi suất lại cao nên tôi chẳng dám vay. May vừa rồi được vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi của Quỹ HTND, tôi dồn vào mua thức ăn công nghiệp cho tôm nuôi, mở rộng ao thả và xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy định. Năm nay, tôi không còn lo tôm bị chết nữa”.

Còn anh Đỗ Văn Tiến nuôi tôm đã 4 năm mà diện tích ao mới chỉ có 500m2, 600m2 còn lại là ruộng muối. Vì chưa có tiền để chuyển đổi ruộng muối thành ao nên việc nuôi tôm của anh gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Anh đã chạy vạy nhiều nơi nhưng đều không vay được vốn. Được Quỹ HTND cho vay 25 triệu đồng, anh Tiến đã đào thêm ao, mua thêm tôm giống, mở rộng quy mô chăn nuôi.

“Vay vốn bên ngoài lúc này không dễ. Tivi, đài, báo nói là Nhà nước hạ trần lãi suất huy động thì lãi suất cho vay sẽ giảm. Tôi lên huyện hỏi thì lãi suất cho vay của Ngân hàng Thương mại vẫn cao. Làm nông nghiệp, lợi nhuận không cao, rủi ro lớn nên Nhà nước cần có dòng vốn ưu đãi như nguồn Quỹ HTND cho ND vay là cần thiết” - anh Tiến tâm sự.

Được Quỹ HTND tiếp vốn, nhiều hộ nông dân ở xã Hải Đông đã có tiền chuyển đổi từ ruộng muối sang đào ao nuôi thủy sản, chuyển đổi từ cách nuôi thủ công sang nuôi công nghiệp, mang lại năng suất cao hơn.

Hình thành Câu lạc bộ nuôi tôm

Với đường bờ biển dài 9km, xã Hải Đông có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thủy sản. Hiện người dân trong xã có 4 nghề chính là chăn nuôi gia súc - gia cầm, làm muối, trồng lúa và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Trong đó khai thác và nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao nhất, chiếm 40% tổng thu nhập của toàn xã.

Trước đây các hộ nuôi thủy sản theo hướng tự phát, ít khi tham khảo hay trao đổi kinh nghiệm với nhau. Với việc cho vay vốn Quỹ HTND thông qua Dự án Nuôi trồng thủy sản, các hộ vay vốn đã tập hợp lại thành nhóm theo sở thích. Ông Đỗ Văn Kinh - Chủ tịch Hội ND xã Hải Đông cho biết: “Ngoài trao đổi thông tin với nhau về giá thức ăn, phòng dịch bệnh, hàng tháng các hộ còn tham gia dự án họp kiểm đếm tiến độ đầu tư của từng hộ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi...”.

Anh Phạm Văn Quang chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề nuôi tôm đã gần chục năm. Nhu cầu về sản phẩm tôm trên thị trường ngày càng lớn, nhận thấy mình nuôi không đạt hiệu quả, tôi đã đăng ký tham gia Câu lạc bộ nuôi tôm của xã. Tham gia Câu lạc bộ nuôi tôm, tôi được vay vốn ưu đãi của Quỹ HTND, hàng tuần, được học những kinh nghiệm nuôi tôm mới, theo đúng hướng dẫn khoa học”.

Nhận xét về mô hình này, ông Nguyễn Hùng Mạnh - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho hay: "Các hộ được vay vốn thành lập một tổ trao đổi với nhau kinh nghiệm, góp phần giảm chi phí sản xuất. Trên cơ sở nhóm ngành nghề, họ sẽ liên kết với các nhà khoa học để được hướng dẫn phương pháp nuôi thủy sản cho đúng kỹ thuật”.

Có thể bạn quan tâm

Lâm Đồng Xác Định Nguyên Nhân Khiến Cà Phê Rụng Trái Lâm Đồng Xác Định Nguyên Nhân Khiến Cà Phê Rụng Trái

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng cho biết, hiện cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng cà phê rụng trái bất thường tại xã Tam Bố (huyện Di Linh) trong thời gian gần đây.

28/07/2014
Huyện Như Thanh Đẩy Mạnh Phát Triển Kinh Tế Đồi Rừng Huyện Như Thanh Đẩy Mạnh Phát Triển Kinh Tế Đồi Rừng

Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Như Thanh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo để nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng, đưa kinh tế đồi rừng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nhờ vậy, kinh tế của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

06/08/2014
Đông Anh (Hà Nội) Tạo Đột Phá Từ Cơ Giới Hóa Đông Anh (Hà Nội) Tạo Đột Phá Từ Cơ Giới Hóa

Xác định đưa cơ giới hóa vào sản xuất là động lực để hiện đại hóa nền nông nghiệp và góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Anh (Hà Nội) quyết tâm ứng dụng mô hình mạ khay, máy cấy vào sản xuất lúa, từng bước giúp người dân nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập.

28/07/2014
Huyện Hoằng Hóa Tập Trung Chăm Sóc Lúa Vụ Mùa Huyện Hoằng Hóa Tập Trung Chăm Sóc Lúa Vụ Mùa

Vụ mùa năm 2014, huyện Hoằng Hóa gieo cấy gần 8.000 ha lúa, trong đó chủ yếu là các giống ngắn ngày như BC15, DQ11, Bắc Thơm... Tính đến ngày 31-7, cây lúa sinh trưởng, phát triển nhanh, lúa đại trà vụ mùa đang ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh bước vào giai đoạn đứng cái làm đòng.

06/08/2014
Tam Bình (Vĩnh Long) Đầu Tư Nâng Cao Chất Lượng Cam Sành Tam Bình (Vĩnh Long) Đầu Tư Nâng Cao Chất Lượng Cam Sành

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT Tam Bình (Vĩnh Long), từ nay đến năm 2015, huyện sẽ khuyến khích nhà vườn không trồng mới mà tập trung đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng cam sành, ổn định diện tích trồng theo quy hoạch khoảng 2.000ha ở các xã Bình Ninh, Loan Mỹ, Ngãi Tứ, Mỹ Thạnh Trung, Tường Lộc, Hòa Lộc và Hòa Hiệp; đồng thời kêu gọi hợp tác xã xây dựng mạng lưới thu mua.

28/07/2014