Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tiền Giang Trồng Nhãn Thạch Kiệt Cho Lợi Nhuận Cao

Tiền Giang Trồng Nhãn Thạch Kiệt Cho Lợi Nhuận Cao
Ngày đăng: 07/11/2014

Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.

Ông Nguyễn Ngọc An (ấp Mỹ Nghĩa 1, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là 1 trong những người đầu tiên đưa cây nhãn Thạch Kiệt về trồng trên địa bàn huyện. Hiện khu vườn 3.000 m2 của ông có 50 gốc nhãn Thạch Kiệt 8 năm tuổi đang cho thu hoạch.

Ông An cho biết, trước đây khu vườn này trồng chanh nhưng chanh đã già cỗi hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2007 qua tìm tòi, học hỏi, ông nhận thấy nhãn Thạch Kiệt là giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có nhiều ưu điểm nên mua về trồng xen với vườn chanh.

Kết quả cho thấy nhãn Thạch Kiệt phát triển xanh tốt nên ông đốn bỏ chanh để dễ chăm sóc vườn nhãn. Với 50 gốc nhãn Thạch Kiệt, vụ rồi có giá bán từ 20 - 28 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất (khoảng 6 - 8 triệu đồng), ông thu lãi 40 triệu đồng. Do nhãn Thạch Kiệt dễ trồng, năng suất cao, giá thành ổn định nên ông đang trồng thêm trên mảnh vườn của mình.

Theo kinh nghiệm của ông An, nhãn Thạch Kiệt là cây tự tạo tán lớn, khoảng cách trồng từ 5 m - 6 m/cây là vừa, nên trồng trên mô vì bộ rễ nhãn chịu nước kém, nếu bị ngập trong thời gian dài sẽ bị thối rễ, chết cây và cần chú ý đến việc làm bờ bao, thoát nước cho nhãn trong mùa mưa, lũ.

Việc xử lý ra hoa đối với nhãn Thạch Kiệt giống như đối với nhãn tiêu da bò. Cụ thể là nên chủ động tạo tán, tỉa cành, bón phân, tưới nước để vườn nhãn đồng loạt ra đọt mới; khi cơi đọt thứ 2 ra dài hết cỡ thì bón phân có thành phần kali nhiều.

Khi bộ lá nhãn cơi thứ 2 thật sự trưởng thành có màu xanh thì tưới thuốc và ngưng tưới nước để cây ra hoa; nếu làm đúng kỹ thuật, tất cả số cơi đều ra bông. Mỗi năm chỉ nên xử lý 1 lần vào vụ nghịch, tức vào khoảng tháng 3 âm lịch thì bắt đầu xử lý để cây cho trái nghịch vụ bán được giá cao.

Nhãn Thạch Kiệt rất dễ đậu trái và ít rụng trái non. Một chùm nhãn thường có trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, do cây dẻo, cứng nên không cần phải chống chỏi. Khi vỏ trái nhãn chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nâu sáng, bóc quả xem thấy hạt có màu nâu đen thì có thể thu hoạch và khi thu hoạch cũng không cần cắt tỉa nhánh râu trong chùm trái như những loại nhãn khác.

Sau khi thu hoạch cần tiến hành tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành bị che khuất trong tán cây, cành vượt; đồng thời bấm tỉa những cành vừa được thu trái, sau đó bón phân, tưới nước để giúp cây ra tược non đồng loạt chuẩn bị cho vụ sau. Đối với người trồng nhãn Thạch Kiệt cũng cần chú ý phòng trừ một số loại sâu bệnh thường gặp trên cây nhãn đó là: bọ xít, rệp sáp, sâu đục thân, rầy và bệnh do nấm khuẩn để cây nhãn sinh trưởng tốt.

Hiện tại, nông dân huyện Cái Bè đã phát triển diện tích trồng nhãn Thạch Kiệt lên hơn 40 ha, tập trung ở các xã: An Hữu, Mỹ Đức Tây, Tân Thanh, Tân Hưng và Hòa Khánh. Do được người tiêu dùng ưa chuộng nên đầu ra của nhãn Thạch Kiệt ổn định, nhà vườn có thể yên tâm canh tác.

Ngoài ra, nhãn Thạch Kiệt có ưu điểm là sinh trưởng và phát triển mạnh, ít bị sâu bệnh, dễ xử lý ra hoa cho trái theo ý muốn, năng suất cao, chất lượng trái thơm ngon, đặc biệt là không bị bệnh “chổi rồng”.

Do vậy, nhà vườn chọn trồng nhãn Thạch Kiệt là sự lựa chọn thích hợp để thay thế giống nhãn tiêu da bò đang bị nhiễm bệnh “chổi rồng”.

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè cho biết: “Nhãn Thạch Kiệt rất phù hợp với thổ nhưỡng huyện Cái Bè. Trong huyện đã có nhiều nông dân thành công với cây nhãn Thạch Kiệt. Nhãn Thạch Kiệt có thể trồng bằng nhánh chiết hoặc ghép bo sang cây nhãn tiêu da bò.

Một số nhà vườn linh hoạt lấy bo của nhãn Thạch Kiệt ghép sang gốc nhãn tiêu da bò bị bệnh “chổi rồng”, cách làm này ngoài việc rút ngắn thời gian trồng, còn có thể giữ lại gốc nhãn tiêu da bò. Nhãn Thạch Kiệt ghép bo cũng không bị nhiễm bệnh “chổi rồng”. Đây là hướng đi mới cho những vườn nhãn tiêu bị bệnh “chổi rồng” nặng. Hiện tại, nông dân trên địa bàn huyện đã làm theo phương pháp này được hơn 10 ha, bước đầu cho hiệu quả rất khả quan”.


Có thể bạn quan tâm

Hậu cần nghề cá Vàm Láng Tiền Giang Hậu cần nghề cá Vàm Láng Tiền Giang

Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có hơn 70% dân số sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến thủy - hải sản, trong đó dịch vụ hậu cần nghề cá là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy nghề khai thác thủy sản ở đây phát triển toàn diện và bền vững.

09/10/2015
Tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2015, triển khai kế hoạch khai thác cá vụ Bắc năm 2015-2016 Tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2015, triển khai kế hoạch khai thác cá vụ Bắc năm 2015-2016

Ngày 7/10/2015, Tổng cục Thủy sản phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị “Tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2015, triển khai kế hoạch khai thác cá vụ Bắc năm 2015-2016”

09/10/2015
Vun đắp mùa vàng cho quê lúa Vun đắp mùa vàng cho quê lúa

Với 102.000ha đất sản xuất nông nghiệp, lượng phân bón được sử dụng hàng năm ở Thái Bình là rất lớn. Một trong những thương hiệu lớn, luôn đồng hành nông dân Thái Bình là Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

09/10/2015
Nhân rộng Nông dân xuất sắc Nhân rộng Nông dân xuất sắc

Chúng tôi thường xuyên chỉ đạo các cấp Hội Nông dân cả nước cần có giải pháp nhân rộng mô hình của những “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên, ND tham quan, học tập, đồng thời giúp bà con kết nối với nhau cùng sản xuất tốt để nâng cao cuộc sống”.

09/10/2015
Rà soát quy hoạch sản xuất các nông sản chủ lực Rà soát quy hoạch sản xuất các nông sản chủ lực

Ngày 6.10, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

09/10/2015