Tiền Đề Phát Triển Nông Nghiệp, Nông Thôn

Trên cơ sở nguồn vốn cho vay ưu đãi của mình, các tổ chức tín dụng đã góp phần hỗ trợ đắc lực vào tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với từng địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Những tác động tích cực từ chính sách tín dụng
Trong các năm qua, nguồn tín dụng ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam có chính sách hỗ trợ các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL như: cho vay tạm trữ lúa gạo để ổn định giá, chính sách cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch để khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu thủy sản, chính sách đầu tư phát triển ngành điện, cơ sở hạ tầng đối với các địa phương trong khu vực.
Đặc biệt, NHNN Việt Nam đã dành nguồn lực đáng kể cho vay lãi suất thấp đối với người nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, các chương trình nước sạch nông thôn.
Nhờ vậy, đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành công xã NTM đối với các địa phương trong vùng. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đến cuối năm 2013, bình quân 1.269 xã triển khai xây dựng NTM của khu vực đã đạt 9,23 tiêu chí/xã, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2010 và không còn xã nào trắng tiêu chí.
Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Võ Minh Tuấn khẳng định: Thời gian gần đây, Chính phủ cũng phê duyệt nâng mức vốn cho vay cho hộ nghèo sản xuất, kinh doanh từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ, giảm lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên từ 7,8%/năm xuống 7,2%/năm. Chưa kể là các ngân hàng trong khu vực ĐBSCL đã cam kết cho vay hàng ngàn tỉ đồng để giúp nhiều doanh nghiệp thực hiện mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, ở thành phố Cần Thơ, cho biết: Nhiều vụ lúa đã qua, mối liên kết giữa đơn vị với nông dân tham gia vào cánh đồng mẫu lớn đều chặt chẽ và hài hòa lợi ích của hai bên.
Đó là nhờ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư ứng trước vật tư đầu vụ như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vốn để thanh toán tiền mua lúa hàng hóa cho nông dân. Bên cạnh đó, công ty còn được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư máy sấy lúa, kho chứa, máy xay xát, chế biến và tiêu thụ với một cơ chế chủ động, hiệu quả.
Đồng hành cùng mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp
NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Hậu Giang nhận định, hiện nay, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chương trình xây dựng NTM có tỷ trọng dư nợ cho vay ngày càng tăng. Qua đó, đã hình thành các làng nghề, tổ hợp tác sản xuất và các mô hình sản xuất hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Đáng kể là ngành ngân hàng cũng đang hướng đến hoàn thiện cơ chế, chính sách để mối liên kết, hợp tác giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng chặt chẽ hơn nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Các chuyên gia đề xuất, tới đây, ngành ngân hàng cần có những nghiên cứu để xây dựng cơ chế đặc thù cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, nhấn mạnh: Thời gian tới, chính sách tín dụng cần được huy động tối đa nguồn vốn, kể cả các nguồn vốn nước ngoài để hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Đầu tư cho vay lĩnh vực này cần hướng tới sản xuất quy mô lớn, tăng khả năng liên kết, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, nhằm hỗ trợ xây dựng NTM.
Theo NHNN Việt Nam, kể từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 899 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Do vậy, ngành ngân hàng xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và trái cây nói riêng là những đối tượng được ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho vay để tập trung đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng phát triển vốn có của các địa phương trong vùng.
Nhưng trước hết, các địa phương cần triển khai quyết liệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam, cho rằng: Nếu chúng ta tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp thì hiệu quả đồng vốn của ngân hàng sẽ được nâng lên.
Có thể nói, nhu cầu sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp đang là vấn đề cấp bách nên ngành ngân hàng luôn cố gắng đồng hành và hỗ trợ. Trong đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả sẽ không bao giờ thiếu vốn trên cơ sở thụ hưởng nguồn tín dụng với mức lãi suất hợp lý.
Trên thực tế, nguồn vốn tín dụng đã và đang tập trung hướng vào một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh của vùng ĐBSCL nên sẽ tiếp tục tạo ra bước đột phá mới. Từ đó, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM ở các địa phương.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183038/Tien_de_phat_trien_nong_nghiep_nong_thon.aspx
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian tồn đọng do không ký được đơn hàng xuất khẩu với thương lái Trung Quốc, những ngày này tại Tây Ninh, lượng sắn về cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc đã tăng trở lại từ 5-7 xe/ngày. Tại Quy Nhơn, các kho đang có xu hướng thu mua hàng để phục vụ nhu cầu xuất khẩu...

Tất cả nguồn kinh phí hỗ trợ này đều do trung ương rót xuống. Thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tiền đâu? Bộ Tài chính vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Điều này làm cho địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy phát triển CĐL...

Nếu như giống ngô biến đổi gene đúng là có ưu điểm trồng không phải phun thuốc trừ sâu vì sâu đục thân ăn vào là sâu chết và có khả năng kháng thuốc trừ cỏ, trồng xong phun thuốc trừ cỏ không cần phải chăm sóc thì chắc chắn sẽ có nhiều người dân sẽ mua.

Được xem là người đi đầu trong việc nghiên cứu áp dụng và phát triển mô hình này. Đến nay, anh Đoàn Kim Sơn ở Ấp Chánh 1, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã có 3 cơ sở chuyên nuôi lươn không bùn và trở thành đầu mối lớn, cung cấp lươn sạch cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Lần đầu tiên trong năm nay, cá ngừ đại dương do ngư dân khai thác, đưa về cảng được thu mua với giá 110.000 đồng/kg, tăng hơn 20.000 đồng/kg so với các tháng trước. Giá tăng – bà con ngư dân rất đỗi vui mừng. Tuy nhiên, nỗi lo bám biển của người ngư dân thì vẫn còn đó; bởi lẽ sản lượng cá ngừ đánh bắt ở thời điểm này được nhận định là thấp nhất từ trước đến nay.