Tỉ phú chuối Laba trên đất Đơn Dương (Lâm Đồng)

Cách đây 5 năm, anh Trần Nam Phi bắt đầu làm quen với nghề trồng chuối Laba với 5 sào đầu tiên. Sau một năm trồng loại cây này, anh Phi quyết định mở rộng thêm 1ha, nay là 1,5ha (trong đó, 1ha đang cho thu hoạch) và dự tính còn tiếp tục mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Vì theo anh Phi, thị trường tiêu thụ chuối Laba khá ổn định, thu nhập cao mà lại nhàn, dễ chăm sóc hơn trồng các loại nông sản khác rất nhiều. Anh Phi cho biết, trước đây, cũng như hầu hết các hộ khác trong vùng, cây trồng chủ lực của gia đình anh vẫn là cà chua, cải thảo, ớt các loại… nhưng “cày nám cả mặt” mà vẫn chỉ đủ ăn, năm nào may mắn trúng mùa, trúng giá thì dư dôi được chút đỉnh. Sau nhiều lần thất bại trong việc trồng cà chua và ớt, năm 2009, anh quyết đi tìm hướng làm ăn mới.
Nghe chuối Laba dễ trồng, giá bán ổn định nên anh Phi đã tìm tới một số cơ sở bán chuối giống tham khảo rồi mua về trồng trên diện tích 5 sào của gia đình. Chính anh cũng không ngờ cây chuối Laba lại phù hợp với vùng đất này đến vậy. Sau khi bén rễ, cây phát triển rất nhanh, chỉ 8 tháng sau là cho thu hoạch lứa đầu tiên, có những buồng nặng tới 50kg, quả to, căng bóng.
Lớp này nối tiếp lớp khác, gốc chuối cứ thế thay nhau đâm chồi con lên khỏi mặt đất rồi vươn lên rất nhanh, tán lá phủ mát rượi, được 5 tháng tuổi thì cây trổ buồng, 3 tháng sau được thu hoạch. Anh Phi kể: “Lúc chuối chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu tiên mình cũng hơi lo vì chưa biết bán ở đâu. Nghe người ta mách mối, tôi tìm đến một cơ sở chuyên thu mua nông sản ngoài thị trấn đặt vấn đề, họ vào vườn xem rồi làm hợp đồng cung cấp chuối lâu dài cho họ ngay hôm đó, giá 7.000 đồng/kg.
Hợp đồng còn ghi rõ bao nhiêu cũng mua, số lượng không hạn chế, họ còn khuyến khích mình mở rộng diện tích nữa”. Trồng chuối lời gấp nhiều lần trồng rau, sản phẩm làm ra đến đâu thương lái cho người vào tự thu hoạch, vận chuyển, vợ chồng anh Phi chỉ việc đứng nhìn cân, ghi sổ số lượng chuối để hoạch toán tiền.
Anh Phi tiết lộ, cây chuối Laba rất phù hợp với vùng đất Đơn Dương, kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản, so với các loại cây trồng khác có thể gọi là nhàn. Theo anh Phi, khi trồng chuối Laba chú ý cây cách cây 3m, hàng cách hàng 4m, trước khi trồng đào hố rộng 1,5m, sâu 70cm rồi đổ phân mục xuống. Khi chuối trưởng thành, mỗi gốc chỉ nên để từ 3 đến 4 cây. Gia đình anh Phi còn lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để đảm bảo vườn chuối luôn ẩm mát, giúp cây phát triển nhanh. Đặc biệt, chuối rất ít khi mắc sâu bệnh nên người trồng ít phải sử dụng và tiếp xúc với các loại thuốc hóa học. Mỗi gốc chuối có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng hơn chục năm mới phải thay thế, trồng lại.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn cho biết: “Vườn chuối Laba của gia đình anh Trần Nam Phi xứng đáng là “mô hình làm ăn ra tiền kiểu mẫu” bậc nhất của huyện Đơn Dương. Nhiều năm qua trong khi hầu hết những gia đình trong vùng nhiều phen lao đao vì nông sản mất giá thì gia đình anh Phi vẫn có thu nhập rất cao, ổn định và lâu dài”.
Có thể bạn quan tâm

Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy được 80.679 ha, trong đó gieo thẳng đạt 28.662 ha, chiếm 35,5% so với tổng diện tích gieo cấy, tăng gần 7.000 ha so với vụ xuân năm 2013.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập dự án quy hoạch phát triển sản xuất rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

Ở ĐBSCL nông dân vẫn còn tập quán canh tác vụ lúa hè thu sớm hay còn gọi là xuân hè. Vụ này sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân thì đốt đồng và xới đất hoặc có nơi gieo sạ lúa ngay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa có bài viết nhìn lại 5 năm thực hiện nghị quyết về vấn đề “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông).

Trại sản xuất cua giống của anh Trần Văn Ẩn ở ấp An Bình xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú đã cho đẻ thành công cua giống nhân tạo bằng quy trình vi sinh. Đầu năm nay, với quy mô 20 bể xi măng và 25 bể composit, tổng dung tích 105m3 bể ươm, anh bắt tay vào sản xuất cua giống bằng phương pháp cho đẻ nhân tạo theo quy trình sinh học.