Tỉ Phú Chăn Nuôi Nguyễn Văn Nam Người Nông Dân Có Đầu Óc Doanh Nhân

Từ một nông dân lam lũ, ông Nguyễn Văn Nam (63 tuổi, ở thôn Ðông Bình, xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã trở thành tỉ phú nhờ chăn nuôi giỏi, đạt hiệu quả cao. Năm 2013, ông Nam vinh dự được Trung ương Hội Nông dân trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Đất đai vùng Nhơn Thọ không màu mỡ, nhưng từ thời trai trẻ ông Nam đã nuôi ước mơ làm giàu bằng chính nghề nông. Tuy gặp nhiều khó khăn vì trang trại của ông là vùng đất khô cằn, sỏi đá, chăn nuôi lúc ấy lại luôn gặp bấp bênh về giá cả, dịch bệnh; song nhìn thấy được tương lai của vùng đồi này trong phát triển trang trại theo quy mô khép kín, không ảnh hưởng đến môi trường cộng đồng, dễ cách ly dịch bệnh cho vật nuôi… nên ông quyết tâm thực hiện. Với diện tích trang trại 7 ha, ông Nam chia thành các khu chăn nuôi gà, heo, bò lai, ao cá, trồng rừng…
Năm 2000, ông ký hợp đồng chăn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP (Thái Lan). Đến năm 2011, ông chuyển hướng sang nuôi gà thả vườn lấy trứng giống cung ứng cho Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (ở huyện Tuy Phước). Ông lý giải: “Sự biến động liên tục của thị trường vật tư chăn nuôi, dẫn đến việc nuôi gia công không còn lợi nhuận cao. Lúc này, trang trại của tôi đã đủ sức tự vươn ra và tìm được hướng sản xuất mới, chuyển sang nuôi gà ta, cung ứng trứng giống cho các cơ sở sản xuất con giống. Phải dứt khoát chuyển hướng chứ tiếp tục chăn nuôi gia công thì khó mang lại hiệu quả cao”.
Với nhìn nhận đúng đắn về thị trường chăn nuôi, trong năm 2012, ông Nam đầu tư hơn 2 tỉ đồng xây dựng, nâng cấp cơ sở chuồng trại, nhập 15.000 con gà đồi Yên Thế từ Hà Nội về, nuôi lấy trứng giống. Đưa chúng tôi đi tham quan trang trại của mình, ông Nam cho biết: “Hiện nay, đàn gà cho trứng và gà hậu bị đã nâng lên 19.000 con, doanh thu từ bán trứng giống trên 1,2 tỉ đồng/năm, lãi ròng gần 600 triệu đồng. Ngoài ra, từ chăn nuôi bò lai, nuôi cá, trồng rừng, mỗi năm thu lãi thêm khoảng 100 triệu đồng nữa”.
Nhờ cần cù lao động, chăn nuôi đạt hiệu quả cao… năm 2010, ông Nguyễn Văn Nam được tặng giải thưởng “Sao Thần nông”; năm 2012, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm liền (2007-2011); năm 2013, ông vinh dự trở thành 1 trong 62 nông dân trong cả nước được trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”.
Có thể bạn quan tâm

Anh Phạm Văn Vũ (SN 1968), ngụ tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) là một trong những ND đầu tiên nuôi bò sữa và làm giàu từ vật nuôi này.

Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai có tổng số đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu con đang nuôi tại 1.261 trang trại, trung bình mỗi ngày có 4.000 con heo được xuất bán. Sau khi có thông tin một số trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Đồng Nai, người tiêu dùng đã giảm sử dụng thịt heo, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh, từ 56.000 đồng/kg giảm còn 42.000 đồng/kg, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi của địa phương. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thiệt hại do giá heo giảm trong thời gian qua ước tính hơn 500 tỷ đồng.

Năm 2002, anh Nguyễn Trung Hiếu quyết định từ bỏ công việc ở phòng nông nghiệp huyện để về quê xây dựng cơ sở sản xuất tôm sú giống. Anh Hiếu tâm sự, thấy dân mình đầu tư nuôi tôm ngày càng nhiều nhưng nguồn con giống lại phải mua ở tỉnh khác, nguồn giống trôi nổi nên rất dễ xảy ra dịch bệnh. Vậy là mình quyết tâm làm, vừa làm vừa học. Đến khi đã sản xuất thành công tôm sú giống rồi thì lại "bí" đầu ra. Khó khăn càng chồng chất.

Mục tiêu nhằm tạo ra được sản phẩm thuỷ sản chất lượng và an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu; đánh giá được hiện trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản cũng như hiệu quả kinh tế các mô hình. Xin giới thiệu những giải pháp để bà con tham khảo:

Được sự hỗ trợ về kinh phí, giống và kỹ thuật, xã Xuân Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã triển khai mô hình “Nuôi cá điêu hồng thương phẩm” tại 5 hộ nông dân ở thôn Thành Sơn, với diện tích 1,2 ha, tổng kinh phí hơn 482 triệu đồng.